LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Tiêu Dao Bảo Cự

Tham gia Hội luận


Tham gia Hội luận

Trả lời các câu hỏi:

  1. Tôi thuộc loại người “đi không đổi tên, ngồi không đổi họ” dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tên thật: Bảo Cự.

Bút hiệu: Tiêu Dao Bảo Cự, Trường Sơn Ca, Vũ Hoài.

Hiện ở: 35/1 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 9, Đà Lạt.

  1. Có tiếp xúc chút ít với văn học hải ngoại.

-          Đã đọc một vài số Hợp Lưu, Thế kỷ 21

-          Xem một vài lần báo văn học trên mạng như Văn học, Tiền vệ ………..

-          Trao đổi trên bài viết với một số người cầm bút như Đặng Tiến, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Đoàn Văn, Tâm Việt, Hòa Văn, Đỗ Mạnh Tri, Nguyễn Gia Kiểng, Trương Anh Thụy, Đoàn Giao Thủy, Phạm Ngọc Lân….. chủ yếu liên quan đến tác phẩm “Nửa đời nhìn lại”.

-          Đã gặp mặt, trò chuyện với Hoàng Khởi Phong, Đoàn Giao Thủy vài lần khi các anh về nước.

  1. Tác phẩm văn học công bố ở Mỹ và trên mạng:

-          Nửa đời nhìn lại (Tiểu thuyết, NXB Thế Kỷ 1994, Văn Nghệ tái bản 1997)

-          Hành trình cuối đông (Bút ký, NXB Văn Nghệ 1998)

(Hai tác phẩm này sau đó được đưa lên mạng trong Vietpen, Viet Nam thu quan…

-          Trên cả hận thù (Tập truyện, tạp chí Văn học xuất bản 2005)

-          Mảnh trời xanh trên thung lũng (Tác phẩm viết, NXB Văn Mới 2007)

-          Người nằm chết trên đồi (Truyện ngắn, tạp chí Hợp Lưu Xuân Ất Hợi 1995)

-          Hành trình trăm năm (Truyện ngắn, tạp chí Thế Kỷ 21 tháng 6/95)

-          Tiếng đàn (Truyện ngắn, website Đàn Chim Việt)

-          Hành trình mùa xuân (Bút ký, DCV)

-          Hữu Loan: Cây gỗ vuông chành chạnh (Bút ký, DCV)

-          Tôi bày tỏ (Nhật ký trong những ngày bị quản chế, Talawas)

-          Đọc thơ Đông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối (Tiểu luận, Talawas)

 

  1. Đã đọc tác phẩm của những nhà văn hải ngoại in ở trong nước:

-          Sông Côn mùa lũ - Nguyễn Mộng Giác.

-          Trăng thuê ảo ảnh - Nam Dao.

-          Ảo đăng – Mai Ninh.

-          Một tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn nữ hải ngoại.

Nguyễn Mộng Giác viết “Sông Côn mùa lũ” khi còn ở trong nước. Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử bề thế. Tác giả vừa là một người nghiên cứu lịch sử công phu, nghiêm túc, vừa là một nhà văn có tài năng và sáng tạo.  SCML là một đóng góp đáng kể cho thể loại tiểu thuyết lịch sử còn khá hiếm của Việt nam.

Nam Dao và Mai Ninh qua hai tác phẩm trên đã khẳng định là hai cây bút tài hoa, phóng khoáng. Đóng góp đặc biệt của hai tác phẩm này là đề tài, cảm xúc, cách tư duy vừa Việt Nam vừa “quốc tế” mà chỉ những người từng đi và sống nhiều ở nước ngoài mới cảm nhận được. Điều đó giúp mở rộng tầm không gian và suy tưởng cho văn học Việt.

Vì đã đọc các tác phẩm trên khá lâu, không nhớ được chi tiết, chỉ nêu ấn tượng mạnh nhất còn đọng lại. Riêng tuyển tập của các nhà văn nữ giúp hiểu thêm tâm tình, hoàn cảnh của người Việt, đặc biệt của phụ nữ trong cuộc sống tha hương nơi xứ người.

5-9. Chưa có ý kiến cụ thể.

10.

Giao lưu, hội nhập giữa những người cầm bút trong và ngoài nước: Tại sao? Như thế nào? Làm gì?

Đề cập vấn đề này không thể không nhắc lại lịch sử và xem xét tính đặc thù kỳ lạ của văn học Việt Nam, dù hết sức sơ lược. Không có những vấn đề phức tạp của quá khứ, vấn đề hội nhập hôm nay không cần được đặt ra.

Văn học Việt Nam ngoài văn chương truyền khẩu bằng tiếng Việt, văn học chữ viết đầu tiên lại được sáng tác bằng chữ Hán, tức là một thứ chữ nước ngoài. Kế đến văn học chữ nôm là thứ chữ dùng chữ Hán để phiên âm tiếng Việt nhưng  đại đa số người Việt là người bình dân ít học không đọc được. Tiếp theo nữa mới là văn học chữ quốc ngữ. Đó là các loại hình, các giai đoạn văn học được gọi tên theo chữ viết. Đến nay, đại đa số người Việt cũng không đọc được chữ nôm và chữ Hán, nhưng không ai phủ nhận những tác phẩm viết bằng hai thứ chữ này không phải là văn học Việt Nam.

Thời hiện đại, khi chữ quốc ngữ đã trở nên phổ biến và trở thành văn tự chính thức của quốc gia, người ta không còn gọi tên các giai đoạn căn cứ vào chữ viết nữa mà bằng mốc thời gian lịch sử và xu hướng của nội dung tác phẩm. Sau một thời kỳ được gọi chung là văn học tiền chiến, từ khi hai miền nam-bắc bị chia cắt, tình hình văn học cũng phân ly.

Miền Bắc lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động, dĩ nhiên cả văn học, tự gọi là văn học cách mạng, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra còn có một xu hướng khác tạm gọi là “Nhân văn-Giai phẩm” thể theo tên gọi của những người chủ trương, tham gia hai tờ báo văn học này, phê phán những sai lầm và hiện tượng tiêu cực của chế độ nhưng đã bị dập tắt ngay.

Miền Nam chịu ảnh hưởng của phương tây, có đủ loại xu hướng, từ lãng mạn đến hiện sinh, hiện thực xã hội, chống cộng…,  và cả yêu nước-tiến bộ-cách mạng, có nội dung chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Loại sau cùng, tuy không bị đàn áp như đối với Nhân văn-Giai phẩm ở miền Bắc nhưng cũng chỉ xuất hiện hạn chế trên các báo chí của sinh viên học sinh và các báo, tạp chí đối lập với chính quyền. Có thể kể thêm xu hướng này trên các tờ báo của những tổ chức sinh viên thiên tả, thân cộng ở nước ngoài.

Trong thời gian đất nước bị chia cắt, miền Bắc không cho phổ biến các tác phẩm của miền Nam (trừ những tác phẩm có nội dung chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn) và một số lớn tác phẩm văn học tiền chiến. Ngược lại, miền Nam cũng không cho phổ biến các tác phẩm của miền Bắc, trừ những tác phẩm của nhóm Nhân văn-Giai phẩm.

Sau 1975 đất nước thống nhất, gần như toàn bộ tác phẩm văn học của miền Nam bị cấm. Những nhà văn của miền Nam vượt biên tị nạn ra nước ngoài, cùng với thế hệ cầm bút kế tiếp, hình thành văn học hải ngoại. Tác phẩm của văn học hải ngoại bị cấm ở trong nước, trừ một vài tác phẩm hiếm hoi được phép xuất bản mãi về sau này. Đến đây, người ta lại căn cứ vào vị trí địa lý để phân biệt văn học trong nước và văn học ngoài nước. Chưa kể gần đây, từ khi Internet được phổ biến, lại xuất hiện thêm văn học mạng trên không gian ảo.

Vậy đâu là diện mạo đích thực, đầy đủ của văn học Việt Nam và có cần thiết phải giao lưu, hội nhập văn học trong nước và văn học hải ngoại?

Trên nguyên tắc mà có lẽ mọi người đều chia sẻ, văn học Việt Nam bao gồm tất cả các tác phẩm  văn học do mọi nhà văn Việt Nam sáng tạo nên bằng ngôn ngữ Việt Nam, bất kể xu hướng chính trị, xu hướng sáng tác, thuộc thời đại lịch sử, chế độ chính trị nào và ở bất cứ nơi đâu, trong hay ngoài nước (Trừ tác phẩm viết bằng chữ Hán thời xưa đã được mặc nhiên thừa nhận, còn tác phẩm của các nhà văn hiện tại được viết bằng ngoại ngữ khác là một vấn đề có lẽ còn đang tranh cãi.). Quyền và mong ước của người đọc là mọi người Việt Nam có thể đọc bất cứ tác phẩm nào do người Việt Nam sáng tác trong nền văn học Việt Nam.

Nguyên tắc, quyền và mong ước đó hiện nay chưa được thực hiện.

Mặt khác, qua hai cuộc chiến tranh và hậu quả kéo dài cho đến hôm nay, sự chia rẽ, đối kháng, thù hận trong các bộ phận của dân tộc đã ảnh hưởng mạnh vào nội dung văn học, làm cho những hệ lụy đó càng thêm sâu sắc hơn.  Một số nhà văn không có thái độ chính trị trực tiếp đối với cuộc chiến nhưng không ít nhà văn, ở cả hai miền Nam-Bắc, đặc biệt là ở miền Bắc đã thể hiện đường lối chính trị của nhà cầm quyền trong tác phẩm. Tác phẩm của miền này mô tả nhân vật của phe đối địch như những kẻ xấu xa, tàn bạo, phi nhân từ hình thể cho đến hành vi, tư tưởng và kêu gọi nhân dân xông lên tiêu diệt kẻ thù. Những tác phẩm loại này khi đi vào công chúng đã tạo ra một hiệu ứng xã hội lớn làm cho sự phân ly trong dân tộc càng nặng nề hơn. Những tác phẩm như thế vẫn còn đó và tồn tại mãi mãi. Nhà văn không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.

Nếu cuộc chiến tranh vừa qua không cần thiết, hay cần thiết nhưng không đến mức độ như thế, hay cần thiết nhưng cái giá phải trả quá đắt… Nếu chiến tranh là tội ác, nếu sau chiến tranh ai thắng ai thua thì nhân dân cũng là người chiến bại và đau khổ… Nhà văn là người đã cổ võ cho chiến tranh, nhà văn cũng đã gián tiếp tham gia vào tội ác. Nếu nhà văn tự cho là lương tri của dân tộc thì sau khi có độ lùi của lịch sử, nhà văn cũng phải sám hối và có hành động chuộc lỗi. Chế Lan Viên, nhà thơ lớn hàng đầu và có “lập trường kiên định” của miền Bắc, đã khẳng định và tự thú điều đó một cách đau đớn trong mấy bài thơ di cảo, đặc biệt trong ba bài “Bánh vẽ” “  Ai? Tôi?” và “Trừ đi”. Đó là việc làm sáng suốt và dũng cảm lúc cuối đời nhìn lại một cách chân thành.

Tuy nhiên bây giờ không phải là lúc phán xét, lên án lẫn nhau mà chính là lúc  mỗi người lắng lòng, tự nhìn nhận để đi đến hòa giải hòa hợp giữa những nhà văn trong và ngoài nước phần lớn trước kia đã từng ở hai phía đối địch. Những nhà văn cựu binh Mỹ, những người ngoại quốc, đối với Việt Nam đã làm được điều đó, dĩ nhiên họ ở góc độ khác, nhưng có lý gì nhà văn Việt Nam lại không làm được với chính đồng bào của mình.

Các nhà văn trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu trước hết là vui cái vui của ngày hội những người cùng cầm bút Việt Nam, không còn ở tư thế đối địch, có thể gặp nhau mà không cần thủ thế, đề phòng, với lòng phơi mở. Gặp gỡ là để giải tỏa những khác biệt, đối nghịch, hận thù có thể còn vương lại, đi đến hòa giải hòa hợp trong cái chung cùng của dân tộc. Gặp gỡ để chia sẻ tâm tình, để đọc tác phẩm  tâm đắc cho nhau nghe. Gặp gỡ để bàn về tương lai văn học Việt Nam của một đất nước Việt Nam không còn chia cắt sông núi và ý thức hệ.

Những việc đó trong thực tế không dễ dàng do nhiều ngăn trở từ chính bản thân nhà văn và từ phía người cầm quyền. Nhà văn đã từng nhân danh chính nghĩa để viết, với tất cả tim óc và dòng máu sục sôi cho đất nước trên đầu ngọn bút, ngay cả khi chiến tranh đã qua đi nhưng những hồi ức, sự kiêu hãnh hay nỗi nhục nhằn vẫn còn nóng hổi. Nhưng thế nào là chính nghĩa lại đã gây ra biết bao máu lửa, hận thù, oan khuất. Vậy bây giờ không còn là lúc tranh cãi ai có chính nghĩa ai không. Sự tranh cãi về điều này có thể không bao giờ kết thúc với người trong cuộc. Nên để cho lịch sử, cụ thể là các thế hệ sau nhìn nhận phán xét. Những người trong cuộc, với bao nhiêu ràng buộc tự thân và xã hội, trên các mặt tình cảm, tư tưởng và đời sống trong một thời gian dài, khó có  thể tự mình nhìn nhận một cách khách quan trước một vấn đề quá ư phức tạp của lịch sử. Vấn đề đáng suy ngẫm là văn chương có nên còn  là công cụ của chính trị, của nhà cầm quyền và cũng là vũ khí của chính mình trong những cơn mê cuồng của lịch sử hay không.

Đặt vấn đề như thế, cuộc hội luận này khó tránh khỏi liên quan đến những vấn đề chính trị như nhóm chủ trương đã đề ra là “Về căn bản, xin nhấn mạnh, đây là một diễn đàn đóng khung trong những thảo luận trên các vấn đề văn học nghệ thuật.”  

Cần phải lường trước và có biện pháp thích hợp.

Làm sao nói đến văn học mà không đề cập đến tác phẩm tức nghệ thuật, nội dung, tác dụng của văn học vào đời sống xã hội, đến trách nhiệm của những người sáng tạo ra văn học? Do đó chỉ có thể giới hạn bằng cách đề ra một vài phương châm, thí dụ như đối với những vấn đề quá khứ, tạm thời “đồng ý với những bất đồng”, gác qua một bên những vấn đề gai góc đã gây chia rẽ để khỏi kéo dài cuộc chiến cũ và tạo ra chiến trường tư tưởng mới. Cũng không đề cập đến việc tham gia những hoạt động chính trị gì có thể bị quy là có tính cách chống đối chế độ, chống đối nhà cầm quyền.

Tuy nhiên, làm sao nhà văn gặp nhau lại không nói đến quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do báo chí và xuất bản là những quyền cơ bản của công dân và của người cầm bút đã được thực hiện ở hầu hết các quốc gia văn minh và nhà văn Việt Nam xứng đáng được hưởng sau bao nhiêu gian khổ cùng cực?

Nhà văn phải nói đến quyền lập hội nghề nghiệp tự do của mình không chịu sự chỉ đạo của nhà cầm quyền, đối với bất cứ nhà văn nào ở trong và ngoài nước. Trong chiến tranh và cuộc đối đầu sinh tử của hai nhà nước, hai chế độ, về phía nhà cầm quyền, có thể việc tập trung sức mạnh cho chiến thắng là cần thiết nhưng bây giờ đất nước đã hòa bình, thống nhất, có lý gì nhà văn lại phải  mãi là chiến sĩ cho một nhà nước, một chính quyền, một chế độ, một ý thức hệ mà không phải là lương tri của dân tộc của nhân loại.

Làm sao nhà văn gặp nhau mà lại không trao tặng cho nhau tác phẩm, không nói đến mong mỏi và cách thức đưa tác phẩm của mình đến công chúng, đến toàn thể dân tộc không phân biệt ở trong hay ngoài nước?

Văn học Việt Nam là của mọi người Việt Nam. Việt Nam đang trên đường hội nhập, vươn ra thế giới, nhưng thử hỏi có bao nhiêu tác phẩm Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng, được độc giả các nước tìm đọc, đánh giá cao, nói chi đến ảnh hưởng lên tư tưởng của toàn nhân loại như các nền văn học khác từng có.  Một câu hỏi sẽ làm hổ thẹn và phiền muộn cho các nhà văn và những người yêu văn học nhưng các nhà văn phải tìm được cách trả lời.

Trên đây là những suy nghĩ đầu tiên về chủ đề “Hội nhập giữa các nhà văn trong nước và hải ngoại” do nhóm chủ trương đề ra, chỉ có tính cách sơ khởi, nêu vấn đề, chưa được đào sâu, phân tích kỹ, có vấn đề chưa suy xét thấu đáo. Với tất cả sự chân thành, thẳng thắn và khiêm tốn, xin đón nhận sự chỉ giáo và trao đổi của các nhà văn và độc giả.

                                                                                         Đà Lạt 9/1/2008

                                                                                         Tiêu Dao Bảo Cự

 

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ