LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Trần Minh Thảo

Lý do và di chứng của Cải cách Ruộng Đất – Trần Minh Thảo


Lấy lại từ diễn đàn www.bbcvietnamese.com

 

(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/ story/2007/01/070116_tranminthaolandreforms.shtml)

Một cách giải thích khác về cải cách ruộng đất (CCRĐ) của đảng, hay không quên CCRĐ vì nền chính trị dân chủ đích thực cho Việt nam hội nhập.

“Có những vết thương không quên được”, tiêu đề bài phỏng vấn của Lê Quỳnh với ông Lại nguyên Ân về tiểu thuyết Ba người Khác của Tô Hoài nói lên nhiều điều. Các ý kiến tham gia diễn đàn CCRĐ cũng nói lên nhiều điều.

Nói lên nhiều điều không chỉ vì CCRĐ gây ra vết thương lớn, kéo dài, hậu quả ngày càng lộ rõ mà còn vì CCRĐ và những hành vi chính trị khác như cải tạo công thương nghiệp, cải tạo trí thức (vụ Nhân văn giai phẩm), ’đổi tiền’, ’trấn áp phản cách mạng’ (phản động)… là một bộ hành vi chính trị tổng hợp, còn tồn tại và cứ lăm le tái diễn trong các chế độ chính trị độc tài và các thứ chế độ chính trị thay thế chế độ đó bằng bạo lực và lật đổ ( cho đến nay ‘đấu tố’,’toà án nhân dân’,’ đưa ra tổ dân phố’… là đặc trưng của CCRĐ vẫn còn được dùng ở Việt nam đấy thôi).

Đơn giản vì đó là hành vi ‘đào tận gốc,trốc tận rễ’, ‘hành vi đuổi tận,giết tuyệt’, hành vi ‘nhổ cỏ tận gốc’, hành vi đề phòng hậu họa của truyền thống chính trị Á đông. Đó là hành vi ‘không có hai mệnh trời cùng tồn tại’, ‘một rừng không có hai cọp’. Cái truyền thống chính trị ‘Có mày không tao’ đó làm cho chính trị Á đông ở một số nước cho đến nay chưa biết dân chủ đối lập là thứ gì tuy quyền lực cai trị độc tài rất muốn có được trình độ phát triển của các quốc gia có ‘nền dân chủ hai ba con cọp cùng tồn tại bên nhau’ để có cớ tiếp tục cai trị dân.

Lý do thực của Cải Cách

Một cách hiểu khác về CCRĐ mà theo tôi đó mới là lý do thực của các hành vi cải cách nói chung. Về mặt triết học,CCRĐ mà điểm trung tâm là đấu tố địa chủ đã được giải thích, hình như từ giới ngoại giao cho người Việt ở nước ngoài trong thời chiến tranh, có mục đích là trang bị ý thức làm chủ cho giai cấp bị trị, đưa nô lệ lên làm ông chủ. Tuy đã là giai cấp nắm quyền sau khi cách mạng vô sản thành công nhưng do phải qùi gối lâu đời nên vẫn giử lối ứng xử ‘gọi dạ bảo vâng’ với những ông chủ cũ nay đã bị cách mạng tước mất quyền ông chủ cha truyền con nối.

Lấy một dẫn chứng trong sử Việt để hiểu rõ hơn lối giải thích có tính triết lý đó. Khi Trần thủ Độ giúp họ Trần cướp ngôi nhà Lý thì đồng thời giết hết tôn thất nhà Lý hoặc buộc những người họ Lý phải đổi sang họ khác (họ Nguyễn chẳng hạn). Họ Trần làm vua nhưng vốn đã từng qùi gối xưng tôi thần với họ Lý nên vua chưa ra vua. Để vua ra vua thì phải giết ông chủ cũ đi để người chủ mới vốn là đầy tớ có được phong thái ông chủ. Khi nô lệ mày tao với ông chủ, dám tát tai, đá đít, nhổ nước bọt vào mặt ông chủ, làm đổ máu ông chủ…là người nô lệ đã bỏ được thói nô lệ, trở thành ông chủ, không còn sợ ông chủ cũ nữa.

Đó là cuộc cách mạng long trời lỡ đất, cuộc cách mạng giải phóng nô lệ, đưa nô lệ lên làm người tự do. Giải thích như vậy có vẻ bác học nhưng lại che dấu ý đồ thực của CCRĐ, của đấu tố nói chung. Theo tôi ý đồ thực của loại hành vi bị cho là man rợ đó có sẵn trong lịch sử dân tộc: “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Mác Lênin cũng dạy: ý chí phục thù giai cấp của giai cấp thống trị bị mất quyền thì trở nên điên cuồng nhiều lần hơn (Về mặt này,Marx cũng là một tiểu nông châu Á,có suy nghĩ như tiểu nông châu Á). CCRĐ được cho là phần quan trọng của công cuộc giải phóng nô lệ, nô lệ trở thành người làm chủ bản thân và làm chủ xã hội. Nhưng trong thực tế, CCRĐ là hành vi xác định sự thay ngôi đổi chủ, không phải là hành vi giải phóng con người như Mác từng nói.

Thực chất, CCRĐ là một thứ tuyên ngôn chính trị minh định ai là chủ của ai. Thậm chí hành vi đó gần với hành vi trả thù, đòi nợ không phải là hành vi giải phóng như Mác mơ tưởng (quan hệ chủ-nô chỉ hoán vị,quan hệ đó chưa bị triệt tiêu. Sau CCRĐ cho đến nay con người Việt nam nói chung vẫn bị tha hóa đến tận bản chất NGƯỜI của nó, có ai thành người tự do đâu, kể cả đảng viên cộng sản). Do đó tôi tán thành những nhà chính trị thế giới phản đối bản án treo cổ dành cho nhà độc tài Saddam Hussein và đồng loã. Một quyền lực văn minh không thể dùng bạo lực để ra tuyên ngôn ai có quyền sinh sát với ai và để cho ai đó từ thân phận tôi đòi trở thành người có tự do.
CCRĐ làm thay đổi về cơ bản cơ sở hạ tầng của chế độ cũ cũng đồng thời làm vỡ nát kiến trúc thượng tầng của xã hội(văn hóa,tư tưởng, đạo đức,tôn giáo,chuẩn mực giao tiếp…).

Di chứng của một thời kỳ

Di chứng, hậu quả của CCRĐ đến nay mới hoàn toàn bộc lộ. Đó là tình trạng mà đảng cai trị cũng phải thừa nhận là văn hóa suy đồi, đạo dức xuống cấp... Không rõ tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức Hồ chí Minh có chận đứng được sự suy sụp các giá trị đạo đức, nhân văn hay không? Học và hành rồi mới biết được. Năm năm cho cuộc thử nghiệm có phải là tối hậu thư đảng tự đề ra cho mình hay lại triển hạn mỗi năm năm một lần? Đảng cai trị có thể triển hạn được mấy lần? Cũng không rõ trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ chí Minh có cái gì mà CCRĐ đã làm cho tan nát đi hay đó là một bộ luật tắc đạo đức mới xây trên nền học thuyết Mác Lênin có tham chiếu đạo đức Nho gia. Nếu đúng là vậy thì đó là sự sáng tạo thiên tài vì học thuyết Mác xít không trực diện bàn về đạo đức, tức là không có bộ phận đạo đức học minh thị trong học thuyết ấy mà chỉ có thể suy ra theo kiểu lao động là tốt, bốc lột là xấu, nghèo thì yêu nước, giàu thì bán nước, theo đảng là tốt, chống đảng là xấu…Thiện ác tốt xấu đều được suy ra từ hành vi chính trị. Nếu đúng vậy thì đó là tư tưởng chính trị, không phải là tư tưởng đạo đức.

Cũng cần nói rõ điều này, trên một số trang mạng đang có cuộc tranh luận về việc đảng cộng sản Việt nam thực hiện CCRĐ là chủ động làm CCRĐ hay bị Liên xô,Trung quốc gây sức ép nên tay phải ‘nhúng chàm’, CCRĐ giải quyết đuợc những gì cho nông dân, tại sao lãnh đạo đảng, chính phủ lại phải xin lỗi dân oan(trang talawas.org…). Theo tôi, vì CCRĐ là hành vi xác lập vị trí thống trị của người chủ mới nên nếu Liên xô, Trung quốc không gây sức ép thì đảng cộng sản Việt nam vẫn cứ làm một thứ CCRĐ khác mà mức độ khốc liệt có thể sánh được với hành vi của họ Trần với họ Lý, hay Gia long với Tây sơn, hay tương tự với công cuộc CCRĐ năm mươi năm trước đây.

Đó là truyền thống của chính trị chuyên chính nông dân. Ruộng đất cho bần cố nông hay quyền lực cho phe này phe kia trong đảng cai trị chỉ là chuyện ‘thừa gío bẻ măng’, ’thuận tay dắt bò’ mà thôi. Lãnh đạo có xin lỗi là chỉ xin lỗi về phương pháp phóng tay quá đáng, không phải xin lỗi về chủ trương. Một số bạn trên diễn đàn nói sau CCRĐ cho đến nay, nông dân vẫn cứ là tá điền làm thuê, có là ông chủ đâu. Nhận định ấy đúng với thực trạng xã hội Việt nam. Rõ ràng là cả mục đích và phương pháp đều sai lầm vì đơn giản là không thể giải phóng con người ra khỏi áp bức bốc lột, thoát khỏi thân phận tôi tớ làm thuê bằng việc lại đưa người khác vào vòng nô lệ, tôi tớ.

Kiểu hành vi xác lập vị trí người chủ mới đó không là đặc sản của chủ nghĩa cộng sản tuy việc ấy do những người tự gọi là cộng sản tiến hành. Nó có trong truyền thống chính trị Á đông. Về mặt này những người Cộng sản Việt nam là người kế thừa có sáng tạo truyền thống chính trị tiểu nông làng xã, không phải là những nhà cách mạng giải phóng con người ra khỏi áp bức, bóc lột như họ đang tự nhận.

Cách mạng giải phóng

Đó cũng là mặt bi kịch của cách mạng giải phóng, tưởng là cách mạng giải phóng hóa ra là kế thừa truyền thống, thứ truyền thống mà khi tiến hành đấu tranh cách mạng, những vị tiền bối của đảng cộng sản đã kịch liệt phê phán, bài xích và do đó nhiều thành phần xã hội đã tin và hào hứng hy sinh cho cách mạng. Vì họ là người kế thừa truyền thống cho nên trong lòng chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa hiện nay cũng có đầy đủ các yếu tố của chính trị truyền thống tiểu nông, làng xã.

Trong các yếu tố truyền thống đó vẫn cứ nóng bỏng ước mơ ‘CCRĐ’ do tình trạng áp bức xã hội ngày càng trắng trợn mà người mới đây được đứng thẳng làm quan toà cho công cuộc đấu tố lại có nguy cơ trở thành tội nhân. nhận chịu sự đấu tố. Do đó ta hiểu tại sao công cuộc đấu tranh dân chủ cho chính trị đất nước lại bị xuyên tạc thành phản động, gián điệp, âm mưu bạo loạn lật đổ... Đó là cái sợ truyền kiếp của bất cứ thế lực cai trị độc tài nào ở Á đông nói riêng. Yếu tố truyền thống đó chính là ‘vấn đề’ của chính trị dân chủ ở Việt nam.

Một nền chính trị ‘cùng tồn tại hoà bình’ hai ba con cọp (đa dảng) mới là nền chính trị cách mạng giải phóng thực sự mà Việt nam cần có để đoạn tuyệt với truyền thống chinh trị tiểu nông, tạo sự ổn định chính trị và phát triển bền vững, mới vĩnh viễn thủ tiêu mối họa cứ vài chục năm hoặc vài trăm năm lại ‘CCRĐ’ long trời lỡ đất một lần. Người cộng sản đang cai trị đất nước có lẽ cũng muốn vậy để tránh hiễm nguy cho mình và con cháu đời sau nhưng loay hoay chưa tìm thấy đường ra do lo sợ lại bị đặt đứng ở vị trí địa chủ, cường hào ác bá.

Về một cam kết cho lối ra của chính trị Việt nam vì vậy phải là một cam kết hợp tác mang tính nhân nghĩa, thỏa hiệp, tương nhượng vì lợi ích chung, không phải là một hành vi ban phát, cũng không phải là hành vi đầu hàng, phản bội, trả thù, phục hận, bạo loạn, lật đổ, ‘CCRĐ’…

‘Có những vết thương không quên được’ là sự nhắc nhở nhau để đưa đất nước ra khỏi truyền thống chính trị ‘đuổi tận giết tuyệt’ của mối quan hệ chủ-tớ, quan hệ tước đoạt để phát triển, để giải phóng con người đúng nghĩa. Nếu ai đó cứ ôm khư khư quyền lực độc tài thì cũng có nghĩa là biết rõ quyền lực đó là bom nổ chậm mà ‘tiếc của’ nên vẫn không lõng tay ra được.

Ở Việt nam, mâu thuẫn chủ-tớ, mâu thuẫn tước đoạt vẫn là mâu thuẫn chủ yếu, mâu thuẫn chính, mâu thuẫn bao trùm,.mâu thuẫn có tính bạo loạn của xã hội. Hội nhập với mâu thuẫn xã hội như vậy thì trước mắt, đảng cai trị chỉ đưa đất nước đến vị trí sân sau của người ta mà lâu dài lại là ‘CCRĐ’ v.v.

Vết thương CCRĐ đúng là vết thương không thể quên để cho các quyền lợi có tính đối kháng trong nội bộ dân tộc tìm được cách cùng tồn tại bên nhau, đất nước có dân chủ thật, ổn định thật, phát triển thật.

Đảng cai trị nên chăng phải đi bước trước để tỏ rõ thiện chí chính trị ngay trước cuộc bầu cử quốc hội tới đây?


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ