LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Trần Minh Thảo

Cảnh giác chính trị hội kín ở Việt Nam – Trần Minh Thảo


Lấy lại từ diễn đàn www.bbcvietnamese.com

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/ forum/story/2006/10/061010_vietnampoliticstmthao.shtm

Những tín hiệu tích cực

Hình như quyền lực cai trị Việt nam có một bước xác định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, tức là cố gắng xác lập vị trí nguyên thủ quốc gia như thông lệ ở các nước văn minh tiến bộ, xác lập chế độ trách nhiệm cá nhân, khác với trách nhiệm tập thể, có một cố gắng làm cho đảng viên cầm quyền rời xa của cải xã hội, cố gắng làm lộ rõ những khuyết tật, hư hỏng của cơ chế quyền lực, của hệ thống để sửa chữa.

Một số người cho rằng đảng cai trị thật sự muốn thanh lọc nội bộ để phục hồi lòng tin của dân và đưa công cuộc đổi mới đất nước tiến lên.

Nhưng cũng chỉ là ‘hình như’ thôi, do quyền lực cai trị trong khi tự sửa chữa đã xác định không đúng, hoặc cố ý xác định lệch nguyên nhân chủ yếu, cái gốc chính sinh ra hư hỏng, khuyết tật, hoặc biết mà chẳng dám đụng đến một cách trực tiếp, việc giao quyền không dứt khoát, giao theo kiểu thậm thụt (thực chất vẫn là lãnh đạo tập thể-là chỗ dung thân cho các hành vi sai trái).

Họ cũng phân đôi xã hội, một bên là những công dân chịu sự chi phối của luật, một bên là những công dân chỉ chịu sự chi phối của quan điểm lập trường tức là có những siêu công dân nằm trong vùng cấm được sự bảo vệ che chắn của khẩu hiệu “chính trị là thống soái”, “định hướng xã hội chủ nghĩa”, tức là chỉ chống ở mức không đụng đến “bản chất của vấn đề. Đó chính là đặc tính ‘hội kín’ của quyền lực cai trị độc tài.

Những động thái trong công cuộc chống tham nhũng và chống hư hỏng trong giáo dục và các lãnh vực khác cho thấy quyền lực cai trị đang đứng ở ngã ba đường: Rẽ về ngã nào thì đảng cầm quyền ít bị đe dọa mất quyền mà xã hội lại tốt hơn. Hình như không có con đường nào như vậy trong lịch sử. Vì vậy mà một số đảng viên sáng tạo ra kiểu nói: Việt nam (tức là đảng cầm quyền) có cách đi riêng, độc đáo của mình(?).

Cũng có người nói đảng cai trị đã xác định nhầm ưu tiên, bước đi ban đầu trong công cuộc chữa chạy khuyết tật. Ý kiến này dẫn chứng: nếu khách quan, tỉnh táo và thật lòng với dân thì đảng cai trị phải thấy là trong những cái xấu thì giáo dục là lĩnh vực ít xấu nhất và trong những mặt còn có cái tốt thì giáo dục vẫn là lãnh vực có nhiều cái tốt nhất. Tôi cũng thấy vậy và cũng không hiểu ý đồ sâu kín khi đảng chọn giáo dục làm con dê tế thần?

Sự không dứt khoát trong thực thi pháp luật, giao quyền, giải quyết hư hỏng, khuyết tật chứng tỏ là đảng cầm quyền thấy rằng giải quyết các hư hỏng khuyết tật đến một lúc sẽ đụng chạm đến động lực của sự độc quyền vì không có đặc quyền thì không ai còn muốn độc quyền. Độc quyền không có động cơ thì bảo vệ độc quyền không còn ý nghĩa. Cái lo đó là của đảng hay của dân?

Các biểu hiện nguy cơ

Không phân biệt rõ một đảng chấp chính và một đảng độc quyền. Công khai thì nói là đảng cầm quyền mà hành xử với dân thì lại chứng tỏ là đảng độc quyền.

Nhân danh ổn định để trấn áp mọi cái khác biệt tuy đã có một hai người nói chấp nhận sự khác biệt. Người dân cho là ai đó nói không thật lòng hoặc là bộ máy bên dưới có một cách vận hành riêng, có những lợi ích riêng không dính dáng đến chủ trương của cấp trên, thực quyền vẫn không nằm ở bên trên.

Các khối áp lực tác động thường xuyên đến chủ trương chính sách và làm lệch hướng công cuộc sửa sai, cải tổ, đổi mới. Theo tôi ở Việt nam nhóm lợi ích chưa hình thành rõ vì thiếu hẳn hai yếu tố: dân chủ đối lập và kinh tế thị trường tự do.

Nhưng khối áp lực thì đã xác lập từ lâu (nên nói khối áp lực thì đúng với thực trạng của đất nước hơn hay chính xác hơn là cụm từ “thế lực ngầm”). Đó là các liên minh ma quỷ mà công khai được gọi là các tập đoàn. Liên kết của họ là Khối áp lực = thế lực chính trị+bạo lực+Kinh tế+Tài chính. Tức là thực chất của cải xã hội vẫn nằm trong vòng kiểm soát của cán bộ đảng viên được xác định bởi nguyên tắc “đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”, “kinh tế quốc doanh là chủ đạo”,”công hữu là chủ đạo”. Vì vậy có người nói, đảng cai trị không thực lòng chống tham nhũng do thay vì phải tách đảng viên ra khỏi của cải thì lại gắn chặt hơn đảng viên với của cải. Gần 70% của cải xã hội nằm trong tay đảng viên -quốc doanh- nhưng 30% còn lại thuộc thành phần khác cũng chịu sự cai quản của đảng viên-người chủ thực sự độc quyền lãnh đạo đất nước.

Ví dụ việc cứ hẹn rày hẹn mai gia nhập WTO có người nói là do nhiều khối áp lực đặc quyền không muốn hoặc không thể thích nghi với thứ đó. Đảng lãnh đạo toàn diện tuyệt đối thì vào WTO sẽ thành ra thứ gì? Nếu đúng như vậy thì tình hình đất nước sẽ rất tệ, rất xấu. Trung quốc cũng đang lao đao với các khối áp lực (thế lực ngầm) đấy thôi.

Đàn áp dân chủ đối lập: tôn trọng cái khác biệt nhưng cũng sẵn sàng sách nhiễu, bỏ tù cái khác biệt. Người dân tham gia một tổ chức xã hội mà không do đảng viên lãnh đạo thì có nguy cơ tổ chức đó bị gán cho tội phản động. Có vô số tổ chức xã hội được thành lập trong thời gian gần đây do đảng viên lãnh đạo thể hiện tính toàn trị của chế độ. Chế độ chính trị nào trong lịch sử nhân loại đã làm như vậy? Có lẽ đến một lúc, ai không trở thành thành viên của một tổ chức công khai nào đó do đảng cầm quyền lập ra sẽ bị gán cho cái tội phần tử phản động (kể các các tổ chức NGO). Nhìn vào sinh hoạt xã hội hiện nay thì có thể nói như vậy đấy.

Tình trạng vô chính phủ ngày càng tăng và phổ biến trong mọi lĩnh vực từ trong thực thi quyền lực cai trị ra ngoài xã hội. Chỉ có thể giải thích nguyên nhân của tình trạng đó là do lợi ích họ hàng, phe phái, quê quán, địa phương, lợi ích cục bộ, tuỳ tiện tùy hứng, tùy ý, thù hằn kéo dài…

Quyền lực cai trị cứ vô chính phủ thì tương lai đất nước rất mờ mịt. Quyền lực Vô chính phủ chính là quyền lực kiểu ‘hội kín’, ‘xã hội đen’, thế lực ngầm chi phối đằng sau. Các quan hệ xã hội, mâu thuẫn xã hội được giải quyết bằng nắm đấm, dao găm và súng đạn. Xã hội Việt nam ngày càng tốt hơn chăng?

Những nguy cơ đó nếu không ngăn chận quyết liệt thì đất nước ngày càng đến gần một thứ chính trị chuyên chính cực hữu mà một số quốc gia châu Âu mắc phải ở đầu thế kỷ 20 (Trung quốc, Bắc Triều tiên với bom nguyên tử, Việt nam, Nga… đang bộc lộ những triệu chứng rất không hay theo hướng đó) hoặc là sẽ có sự tan rã của ý thức cộng đồng ở một tương lai không xa (giáo sư người Úc Carlyle Thayer lạc quan cho là hy vọng Việt Nam về lâu dài sẽ tốt. Tôi thấy nếu không tốt ở trước mắt thì lâu dài sẽ xấu hơn, tức là ít hy vọng hơn).

Chủng tộc, sắc tộc, dân tộc là những khái niệm rối rắm, lẫn lộn tiếp tục làm phân hóa thêm khối đoàn kết toàn dân vốn có nhiều sắc tộc và tính địa phương, vùng miền khá rõ nét do quyền lực hành xử việc nước cứ thậm thụt, không dứt khoát.

Cố gắng thỏa mãn phán đoán chính trị “dân tộc Việt nam là một” bằng một ông tổ làm cho khối đoàn kết dân tộc ngày càng rạn nứt. Giáo sư nhân học Charles Keyes có một nhận xét mà theo tôi, các nhà dân tộc học của đảng cần và phải xem xét không với quan điểm phục tùng mệnh lệnh chính trị, lợi ích chính trị ngắn hạn - bài giới thiệu sách của Lê Hải trên BBC ‘dân tộc học Việt nam hết thời ?’- phải đả phá thứ “Chủ nghĩa chủng tộc mị dân có chung một ông tổ” núp bóng khẩu hiệu đại đoàn kết dân tộc không có chứng lý khoa học nào cả. Ở lãnh vực này nên chăng cũng phải đi tắt đón đầu: từ người nông dân trong lũy tre làng bước hẳn ra ngoài biên giới quốc gia, chuyển ngay thành công dân thế giới để nhanh chóng thích nghi với hội nhập và toàn cầu hóa?

Ngăn chính trị toàn trị cực hữu

Tôi thấy trước mắt có mấy việc phải quyết tâm làm ngay

-Gia nhập WTO càng sớm càng tốt.
-Dân chủ đối lập cần có tiếng nói công khai và phải được coi là cái thắng của quán tính hướng về nền chính trị toàn trị cực hữu.
-Những người cộng sản có tâm huyết và những người cộng sản trở nên có tâm huyết có quyết tâm đưa đảng cai trị lại gần với lợi ích dân tộc (dân chủ, ổn định và phát triển bền vững) phải có tiếng nói dứt khoát trong đảng cầm quyền và tiếng nói đó phải được người dân nghe thấy, những việc làm của họ phải được người dân nhìn thấy.
-Chọn tham nhũng để ‘tác nghiệp’ là trúng nhưng chưa phải là đúng bản chất của “các vấn đề của đảng“. Chọn giáo dục làm con dê tế thần thì có nên chăng? Vẫn chưa muộn cho đảng cầm quyền thay đổi mục tiêu, ưu tiên và bước đi trong quá trình sửa chữa hư hỏng, khuyết tật.

Chỉ có như vậy Việt nam mới thủ tiêu được đặc tính ‘hội kín’ rất xấu xa trong nền chính trị quốc gia, mới có hy vọng tốt hơn sau một số năm nữa.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ