LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Trần Minh Thảo

Chuyên chính tất yếu là vô chính phu – Trần Minh Thảo


Lấy lại từ diễn đàn www.bbcvietnamese.com

(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/ forum/story/2005/11/051116_anarchismtranminhthao.shtml)

Chuyên chính vô chính phủ là gì? Trước hết xin đi vào nghĩa của từ vô chính phủ.

1. Vô chính phủ là không có tổ chức, không có trật tự,hỗn loạn…tư tưởng (chủ nghĩa) vô chính phủ cho rằng nhiệm vụ cách mạng trước hết là phải giải phóng cá nhân, xóa bỏ nhà nước và chính quyền…cho rằng chuyên chính vô sản (cướp chính quyền) là không cần thiết (Từ điển tiếng Việt).

2. Tình trạng hỗn loạn, vô trật tự (anarchie,anarchisme- Từ điển Pháp Việt- Đào duy Anh).

3. Không có sự kiểm soát trong xã hội, tình trạng không có pháp luật,hỗn loạn(anarchy,anarchism-từ điển Anh Việt,viện Ngôn ngữ học).

4. Tư tưởng hệ của giai cấp tiểu tư sản và vô sản lưu manh.Thù địch với chủ nghĩa Cộng sản khoa học,chủ nghĩa vô chính phủ tuyên truyền việc xóa bỏ nhà nước và chính quyền (Từ điển triết học).

Tư tưởng vô chính phủ như vậy là cuộc cách mạng giải phóng cá nhân khỏi sự khống chế của nhà nước, chính quyền (luật pháp) mà không phải là giải phóng giai cấp.Vì là cách mạng nên nhiều nhà tư tưởng vô chính phủ đã tham gia Quốc tế 1. Vì cho chuyên chính vô sản cũng là một thứ xiềng xích của tự do cá nhân, là thứ không cần đến nên những người này sau đó bị khai trừ khỏi quốc tế Cộng sản.

5. Một định nghĩa tương đối đầy đủ: Tư tưởng vô chính phủ hay chủ nghĩa vô chính phủ là lý thuyết chính trị đối lập với mọi hình thái nhà nước, những nhà tư tưởng vô chính phủ cho rằng thành tựu lớn nhất của nhân loại là tự do cá nhân. Họ cho rằng để có dân chủ tuyệt đối cho nhân dân(mỗi cá nhân) thì phải hủy bỏ luật pháp và các định chế nhà nước, mỗi cá nhân có sự tự do tuyệt đối, mỗi cá nhân tự quyết định,tự cùng nhau giải quyết các mối quan hệ, không xâm hại lẫn nhau, không bị ngăn cấm bởi bất cứ nhân tố ngoại tại nào. Muốn cho mỗi thành viên trong xã hội có sự tự do tuyệt đối để hoàn thiện và thể hiện mình một cách toàn vẹn thì phải thủ tiêu mọi loại nhà nước. Nếu ai đó mưu toan xâm hại người khác thì sẽ chịu sự chống trả của những cá nhân có thiện ý (không phải là luật pháp, đó là kiểu tự trị cá nhân của các thánh nhân-NV) hợp tác tự nguyện giải quyết,không do một quyền lực nhà nước nào chi phối. Đó là giới hạn duy nhất của tự do cá nhân (tức là cấm đoán hành vi chống lại con người, chống lại nhân loại),

(Tóm lược theo Microsoft reference library 2005: “Anarchism, political theory that is opposed to all forms of government. Anarchists believe that the highest attainment of humanity is the freedom of individuals to express themselves, unhindered by any form of repression or control from without. They hold that the perfection of humanity will not be attained until all government is abolished and each individual is left absolutely free. One limitation on such freedom, however, is the ban against injuring other human beings. From this limitation arises another: If any human being attempts to injure others, all well-meaning individuals have the right to organize against him or her, and the orderly class may repress the criminal class, although only by voluntary cooperation and not under any governmental organization…”)

Bao gồm trong định nghĩa về tư tưởng vô chính phủ còn có các thể chế chính trị không có luật lệ, luật lệ không phù hợp, có luật mà không thi hành, thi hành sai, không tới nơi tới chốn, quyền lực cai trị bằng khẩu lệnh, bằng thư tay, bằng đổ vấy trách nhiệm cho cấp dưới, kết án nhân dân căn cứ quan điểm, lập trường... Ở đây có thể lấy lại dẫn chứng của giáo sư Lê đăng Doanh về việc cấp dưới không thi hành mệnh lệnh cấp trên vì biết dựa vào sự lãnh đạo của đảng (làm cho luật, lệnh của nhà nước, cấp trên trở thành vô hiệu) hay lời ta thán của vị Thủ tướng khi nói không thể cách chức thuộc cấp vì thuộc cấp của ông là một đảng viên trung thành. Và khi quyền lực cai trị quen thói vô chính phủ thì sẽ hình thành nếp sống vô chính phủ trong xã hội. Những rối loạn về đất đai, về quản lý đô thị, về trật tự xã hội, về quản lý ngân sách (mồ hôi của dân),về những liên minh mờ ám hiện nay … là minh chứng của tệ vô chính phủ trong nền chính trị, xã hội Việt nam.

Một số nhà tư tưởng, hành động tiêu biểu của chủ nghĩa vô chính phủ :
1. Proudhon, Pierre Joseph (1809-65), người Pháp,tác phẩm nổi tiếng: The Philosophy of Misery(triết học của sự khốn cùng) Mác đã phản bác tác phẩm này khi viết cuốn The Misery of the philosophy(Sự khốn cùng của triết học). Proudhon kịch liệt đả kích quyền tư hữu tài sản.
2. Bakunin, Mikhail Aleksandrovich (1814-76), người Nga, tác phẩm chính God and the State (Thượng đế và quốc gia), xuất bản sau khi ông mất(1882). Ông ta phản đối Marx (chuyên chính vô sản) và bị trục xuất khỏi Quốc tế 1 năm 1872
3. Kropotkin, Pyotr Alekseyevich (1842-1921),người Nga, tự nhận là người vô chính phủ Cộng sản chủ nghĩa,tác phẩm của ông có cuốn Memoirs of a Revolutionist (1885)
4. Max Stirner (1808-1858),người Đức, ông là người nói câu sau đây: “Đối với tôi không có gì ở trên tôi được…Tôi tuyên chiến với mọi nhà nước,dù là nhà nước dân chủ nhất”. (Đó cũng là tư tưởng của Từ Hải trong truyện Kiều:”nghênh ngang nào biết trên đầu có ai”-NV)
5. Makhno, Nestor Ivanovich (1889-1934),khởi nghĩa vô chính phủ chống cách mạng Bolchevik ở Ucraine,khi thì đánh Hồng quân khi thì liên minh với Hồng quân đánh tướng Denikin.Khi Denikin bị đánh bại, ông bị hồng quân quay lại tiêu diệt. Ông chạy trốn ra nước ngoài đến cuối đời. Có lẽ Mackhno là người nông dân Ucraine thực hiện cuộc cách mạng chuyên chính vô chính phủ đầu tiên của thế kỷ 20(?).
6. Ở Mỹ có Alexander Berkman (gốc Ba lan) và Emma Goldman (gốc Lithuania). Người thứ hai là một phụ nữ, rất thích cách mạng XHCN tháng 10. Năm 1919 bà bị Mỹ trục xuất sang Nga. Được một thời gian bà lại lên tiếng chỉ trích chế độ Xô viết và đi khỏi Nga. Bà mất năm 1940 ở Canada

Những người ấy tự gọi hoặc được xếp vào các trường phái vô chính phủ chủ nghĩa:
-chủ nghĩa vô chính phủ cá nhân chủ nghĩa
-chủ nghĩa vô chính phủ công đoàn chủ nghĩa
-chủ nghĩa vô chính phủ cộng sản chủ nghĩa

Mác, Lênin nói về con người và chủ nghĩa vô chính phủ:

-“Tư tưởng hệ của giai cấp tiểu tư sản và vô sản lưu manh…chúng đặc biệt thù địch với chuyên chính vô sản….(chúng)không hiểu “đấu tranh giai cấp là một sức mạnh sáng tạo có thể thiết lập được chủ nghĩa xã hội”(Lê nin toàn tập-trích lại từ Từ Điển Triết học).

Đối với những nhà tư tưởng vô chính phủ thì sự phê phán cũng gay gắt như vậy:

-“Bacunin tên vô chính phủ người Nga…là kẻ thù của lý luận và thực tiển của chủ nghĩa xã hội khoa học”
-“Kaspar Schmidt bí danh là Max Stirner và Proudhon là những người ngoan cố bảo toàn xã hội hiện đại nhưng tẩy rữa khỏi những nhân tố làm cho xã hội nổ ra cách mạng và làm cho xã hội tiêu tan…Proudhon là kẻ thù của đấu tranh giai cấp, của cách mạng vô sản, của chuyên chính vô sản”
- “Kropotkine là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội khoa học vì ông chủ trương dùng đạo đức tác động đến những giai cấp bốc lột và chính phủ lên hàng đầu” (không phải là lật đổ chúng)
-“Makhno là tên lính đánh thuê của chủ nghĩa đế quốc,chỉ huy cuộc phản cách mạng của bọn Cu lắc”(địa chủ)
-…
Mác, Ăng ghen, Lê nin… kịch liệt bài xích chủ nghĩa vô chính phủ mà không thấy rằng chuyên chính là bà đỡ của chủ nghĩa ấy. Tương đồng sâu xa của cả hai học thuyết là làm cách mạng nhân danh dân nghèo.

Chuyên chính là mẹ đẻ của tệ vô chính phủ. Đó là tư tưởng tự do cá nhân cực đoan,tuyệt đối hoặc nhân danh xã hội nhưng thực chất là cá nhân chủ nghĩa hoặc bè phái và trong xã hội,người có quyền tự do tuyệt đối làm được mọi thứ mình thích thì chỉ có các bạo chúa. Rất có lý khi có người nhận xét: các công trình vĩ đại đều được xây dựng dưới thời các bạo chúa.Cũng có người muốn làm bạo chúa để xây dựng các công trình vĩ đại cho đời sau. Trong thời đại ngày nay có một con đường khác để xây dựng các công trình vĩ đại mà không cần phải hy sinh máu xương và hạnh phúc của nhân dân.

Chuyên chính là giao quyền lực vô biên cho một người (hoặc một đảng) cai trị dân. Khuynh hướng của quyền lực nói chung là thèm muốn quyền lực tuyệt đối và sự phục tùng tuyệt đối. Sự thèm muốn đó sinh ra tư tưởng chuyên chính. Chuyên chính quân chủ, chuyên chính quân sự (quân phiệt), chuyên chính tư sản, chuyên chính phát xít, chuyên chính vô sản, chuyên chính tôn giáo…đều có chung sự thèm khát quyền lực như nhau: Không có cái gì, không ai được quyền giám sát tính đúng sai của quyền lực cai trị.

-Bên trong học thuyết Mác Lê nin: Học thuyết ấy chủ trương chuyên chính vô sản. Đảng của giai cấp lãnh đạo xã hội toàn diện, tuyệt đối. Nghĩa là đảng có toàn quyền hành động để bảo đảm chuyên chính vô sản được thực thi trọn vẹn. Chủ trương đó sinh ra tư tưởng, hành vi lộng quyền, đứng trên luật, làm băng hoại quyền lực và thường gây ra hỗn loạn cho xã hội. Vì vậy nhiều người nhận xét một quyền lực vô biên thì sự hư hỏng (của quyền lực) cũng vô biên. Biểu hiện của sự hư hỏng tột cùng đó là tệ vô chính phủ trong thực thi quyền lực cai trị và trong mọi sinh hoạt xã hội.

-Cơ chế quyền lực:Cấp dưới thoát ly cấp trên, cấp trên đổ vấy trách nhiệm cho cấp dưới.

-Dân chủ cơ sở: Địa phương thoát ly trung ương,tư tưởng lãnh chúa luôn ngóc đầu dậy…Có người nói mỗi bí thư đảng là một lãnh chúa.

-Trình độ nhận thức,quản lý:Tuy có tiêu chí tài đức nhưng đức trung thành là quyết định. Chỉ cần tỏ ra trung thành với chuyên chính vô sản là có đầy đủ tự do để hành động (vô chính phủ).

-Tham ô, hối lộ, vòi ăn của quyền lực chuyên chính cũng là biểu hiện sắc nét của tư tưởng vô chính phủ.

Thèm khát quyền lực vô biên là mẹ đẻ của tư tưởng, hành vi lạm quyền, vô chính phủ.

Hậu quả của tư tưởng, hành vi vô chính phủ là gì?

Là sự rối loạn của xã hội, là sự lầm than của nhân dân lao động,là sự khinh miệt của người dân đối với quyền lực cai trị,là sự giải thể ý thức đạo đức, ý thức chính trị trong mỗi người dân…

Tại sao chủ nghĩa Mác Lê thù địch với tư tưởng vô chính phủ khi mà giấc mơ về một xã hội trong đó mỗi cá nhân được hoàn toàn giải phóng khỏi mọi ràng buộc của các định chế của cả hai thứ chủ nghĩa là giống nhau?

Hai tư tưởng đó có một điểm khác nhau cơ bản:

-Chủ nghĩa vô chính phủ thì chủ trương huỷ bỏ luật lệ và nhà nước ngay
-Chủ nghĩa Mác Lê thì cho phải thực hiện chuyên chính vô sản (tức là cướp lấy chính quyền trước) và thông qua chuyên chính vô sản mà từng bước tiến đến trạng thái vô chính phủ (nhà nước tự tiêu vong). Do đó mà cả Mác,Lê nin và những người Cộng sản cho những người chủ trương vô chính phủ là tay sai của giai cấp tư sản, thỏa hiệp với giai cấp tư sản bốc lột, thủ tiêu cuộc đấu tranh giành chính quyền của giai cấp vô sản.

Thực ra, mọi cuộc cách mạng bằng bạo lực, mọi cuộc khởi nghĩa, tất cả các cuộc bạo loạn, ám sát, khủng bố… đều tiềm tàng trong chúng yếu tố vô chính phủ, tức là ý muốn phá hủy, không tôn trọng, không chấp hành các định chế. Hành vi vô chính phủ luôn đem lại sự đổ vỡ, chiến tranh, chết chóc, rối loạn, đói nghèo, lạc hậu.

Chuyên chính nhân dân bao hàm yếu tố vô chính phủ?

Ngày 10/10/05,Hội đồng nhà nước Trung quốc công bố sách trắng về nền dân chủ của Trung quốc. Theo báo Tuổi trẻ số 4556 ngày 21/10/2005: “…Để hình thành nền dân chủ này,Trung quốc đã trung thành với học thuyết Mác xít về dân chủ, kết hợp thực tiển và những yếu tố dân chủ từ văn hoá truyền thống của Trung quốc với những thành tựu của nền văn minh chính trị nhân loại,trong đó có nền văn minh dân chủ phương Tây.Nền dân chủ Trung quốc vì thế có “những đặc thù Trung quốc”: đó là nền dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản (ĐCS) Trung quốc, được bảo đảm bởi chuyên chính nhân dân, được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Hai trong ba tham khảo cho nền dân chủ nhân dân nói trên thì tiềm tàng yếu tố vô chính phủ. Đó là truyền thống chuyên chế quân chủ Nho trị và chuyên chính vô sản Mác xít. Báo Tuổi trẻ cũng trích lại lời biện hộ của ông Fang Ning, phó chủ tịch Viện khoa học chính trị thuộc viện hàn lâm khoa học xã hội TQ: “Thật khó tin nếu cho rằng một nền kinh tế có thể phát triển với tốc độ 9%/năm trong liên tục hơn 20 năm mà không được sự hổ trợ của một nền dân chủ chính trị”.

Dẫn chứng chứng minh cho nền dân chủ kiểu Trung quốc này không thật sự thuyết phục. Sau Thế Chiến Thứ Nhất nước Đức bại trận, khủng hoảng nghiêm trọng do chiến tranh tàn phá và các món nợ bồi thường chiến tranh phải trả. Lạm phát phi mã làm cho Đức khốn đốn. Hitler và đảng quốc xã thi hành chính sách chuyên chính siêu chủng tộc (đề cao lòng tự tôn dân tộc) đã làm cho Đức mạnh lên. Sự giàu mạnh của Đức sau Thế Chiến I nhất định không phải do Đức có một nền chính trị dân chủ tốt mà là do sự cai trị vừa mị dân vừa chuyên chính rất tàn bạo của một đảng phát xít. Do phát triển như vậy mà Đức buộc phải phát động cuộc Thế Chiến II. Lập luận kiểu như vậy thì Bắc Triều tiên cũng có thể nói vì có nền chính trị dân chủ ưu việt mà chế tạo được bom nguyên tử.

Trung quốc có nền dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc bảo đảm bởi chuyên chính nhân dân (thực chất là chuyên chính một đảng) cũng sẽ đi vào vết xe đổ của Đức quốc xã, phải kích thích chủ nghĩa quốc gia, dân tộc đại Hán, tăng cường binh bị để trấn áp bên trong, đe dọa bên ngoài…Các nước nhỏ bên cạnh Trung quốc lo sợ là phải, thế giới nghi ngại thực tâm của Trung quốc là hợp lý. Trung quốc muốn được thế giới tin cẩn, nể trọng thì nên bỏ các tham khảo có tính độc tài, chuyên chính trong việc hình thành nền dân chủ kiểu Trung quốc. Khi đó xã hội Trung quốc sẽ phát triển bền vững và hữu nghị hơn. Một nước vĩ đại như Trung hoa mà phát triển dưới quyền lực cai trị vừa chuyên chính vừa vô chính phủ thì hậu quả ra sao cho chính họ và cả thế giới ta có thể thấy được.

Hiểu thế nào về cách nói Chuyên chính nhân dân? Đó là nền chuyên chính toàn dân hay vẫn là chuyên chính của đảng Cộng sản? Nếu là nền chuyên chính của toàn dân thì đối tượng của chuyên chính là nước ngoài? Nếu là chuyên chính của đảng Cộng sản thì thực chất vẫn là chuyên chính của một đảng và đối tượng của chuyên chính là phần còn lại trong nội bộ dân tộc Trung hoa.
Cách dùng từ ngữ của sách trắng không có gì mới,Jean Jacques Chevallier trong tác phẩm “Les grandes œuvres politiques” (bản Việt dịch“Những danh tác chính trị” của giáo sư Lê thanh hoàng Dân,Gs Nguyễn văn Bông đề tựa,NXB Trẻ,Chợ Lớn 1971) đã dùng cụm từ “chủ nghĩa chuyên chế dân chủ”(dictatorship of the democracy) với nghĩa là sự áp đặt ý chí của nhóm đa số lên nhóm thiểu số trong xã hội(chương bàn về tác phẩm Du contrat social(khế ước xã hội-Xã ước) của J.J.Rousseau). Một sự áp đặt như vậy thực chất không phải là dân chủ thực sự mà là sự áp đặt ý chí của (nhân danh) đa số lên phần còn lại(vẫn là chuyên chính,chuyên chính của số đông). Khi có sự chuyên chính như vậy thì đồng thời xã hội có tình trạng vô chính phủ nhiều hay ít tùy vào tính chất của nền chính trị.

Sau ngày 11/9, xã hội Mỹ dường như xuất hiện tình trạng vô chính phủ trên một số mặt. Một số vụ hành hung người Mỹ Hồi giáo và các vụ đốt phá tài sản người nước ngoài. Hay sau cơn bão Katrina đã có một phần trong cộng đồng các sắc dân ở New Orleans bị bỏ quên. Đó cũng là biểu hiện của tình trạng vô chính phủ trong xã hội dân chủ Mỹ. Khắc phục nhanh hay chậm những biểu hiện vô chính phủ của quyền lực cai trị là do nhiều yếu tố quyết định, trong đó các định chế dân chủ, ý thức dân chủ, định hướng tinh thần, đạo đức, ý thức trọng luật của nhà cầm quyền và của người dân(của toàn xã hội) có vai trò quyết định.

Chuyên chính nhân dân hay chuyên chính dân chủ (của đa số) thậm chí là không chuyên chính nhưng nền dân chủ chưa hoàn thiện thì vẫn có tình trạng vô chính phủ nảy sinh, làm cho nhiều người trong cộng đồng luôn lâm vào cảnh hiểm nguy, khốn khó, xã hội rối loạn, luật mạnh được yếu thua, lớn nuốt bé hoành hành công khai.

Một nền dân chủ thực sự thì lợi ích của toàn xã hội được thỏa mãn một cách công bằng, văn minh, không phân biệt ai là ai. Và không thể nào có một nền chính trị dân chủ dần được hoàn thiện nếu xã hội đó không có cơ chế giám sát, ngăn chặn, thay thế các hành vi vô chính phủ của quyền lực cai trị.

Ai được quyền vô chính phủ?

Tức là ai được quyền xử lý mối quan hệ xã hội bất chấp luật lệ, đứng trên nhà nước? Đó là những người có quyền lực, có quyền sinh sát, các tổ chức khủng bố hay xã hội đen. Makhno người chỉ huy cuộc nổi loạn vô chính phủ chống lại đảng Bolchevick Nga sau cách mạng 1917, được cho là tay sai của bọn cu lắc (địa chủ) và được nhà văn Alêkxêy Tônxtôi(alekxey Nicolayevich Tonstoy 1882-1945) mô tả sinh động trong tiểu thuyết “Con đường đau khổ”(The road to calvary,bản Việt dịch của Cao xuân Hạo) là ví dụ điển hình của hành động vô chính phủ. Ông ta giết người tùy tiện,cướp của tuỳ tiện,yêu đương tuỳ tiện,liên minh tùy tiện…

Tư tưởng vô chính phủ là tư tưởng lộng quyền và tùy tiện, tuỳ hứng. Dẫn chứng đó cho thấy ai nắm cây súng (nhà tù, toà án, quân đội, công an, cảnh sát…) thì có quyền tự do tuyệt đối tức là quyền được hành động vô chính phủ, theo đó là quyền luôn ngồi ở chiếu trên trong đình làng. Một chế độ chính trị như vậy thì không thể thu phục được lòng dân.

Ai chịu tai ương do hành vi vô chính phủ?

Đó là đám dân cùng khổ không thể liên minh lại để chống trả tình trạng lạm quyền vì sự liên minh trong chế chộ chuyên chính được coi là phản loạn, phản động và bị bức hại dưới nhiều hình thức. Người ta bức hại dân và người ta cấm người dân tụ tập nhau chống trả sự bức hại là sự áp bức nhân đôi. Đó là tình trạng đất nước phát triển không bền vững, là những món nợ nước ngoài mà con cháu phải trả. Đó là các công trình xây dựng bị rút ruột, là sự sa đoạ công khai của quyền lực chuyên chính…Trên hết là đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu. Nhưng có nền chuyên chính nào đem lại hạnh phúc cho toàn xã hội một cách bền vững đâu? Cũng không có một nền chuyên chính nào tồn tại lâu (kể cả khi có sự đỡ lưng của một nước lớn nào đó), nhất là trong thế giới hiện đại mà sự cạnh tranh, hội nhập đòi phải có dân chủ chính trị. Cũng nên học bài học lịch sử, cái giá phải trả cho các nền chính trị chuyên chính khi nào cũng tàn khốc cho người này và cho cả người kia.

Kết luận

Thèm khát quyền lực tuyệt đối là thèm khát tự do tuyệt đối cho quyền lực. Thèm khát đó có tính vô chính phủ vì chỉ có đứng trên luật mới có tự do tuyệt đối.

Khi những ai vận động cho nền dân chủ ở Việt nam bị ghép vào tội phản động, phản quốc, phản bội…thì chứng tỏ sự thèm khát tự do tuyệt đối để thực thi quyền lực còn mãnh liệt. Khi đó tình trạng vô chính phủ vẫn là tình trạng phổ biến. Một xã hội mà quyền lực cai trị chuyên chính cứ lăm le thực hiện hành vi vô chính phủ thì xã hội ấy mất khả năng định hướng tức là phát triển tùy tiện, đang trên đà khủng hoảng toàn diện.

Dân chủ có đối lập, quyền lực chính trị được kiểm soát, được giám sát, có thể thay thế sẽ đẩy lùi tệ vô chính phủ.

Tóm lại để Việt nam không bị tư tưởng và hành vi vô chính phủ đưa dần đến khủng hoảng thì phải từ bỏ chính trị chuyên chính sớm ngày nào tốt ngày ấy.

Tài liệu tham khảo:-

-Những danh tác chính trị,giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân dịch từ nguyên tác Les grandes œuvres politiques của Jean Jacques Chevalier,NXB Trẻ-Chợ lớn 1971
-Từ điển tiếng Việt,NXB khoa học xã hội,Hà nội, 1977
-Từ điển triết học,NXB Sự thật Hà nội 1957
-Từ điển Anh Việt-Viện Ngôn ngữ học,NXB TP Hồ Chí Minh,1993
-Pháp Việt từ điển-Đào duy Anh-NXB Trường Thi-Sài gòn 1957
-Từ diển điện tử MTD2002 versions 4.0 (Lạc Việt tự điển)
-Encarta Dictionary 2005- Microsoft corporation
-Encarta world English dictionary 2004-Microsoft corporation (tên khác Microsoft encarta 2005 reference library premium DVD)
-Mác- Ăng ghen toàn tập NXB Sự thật Hà nội 1987
-Báo Tuổi trẻ,2005 TP HCM

Trần minh Thảo


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ