LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Trần Minh Thảo

Nền giáo dục ‘Nho-Mác’ ở Việt Nam hiện nay – Trần Minh Thảo


Lấy lại từ diễn đàn www.bbcvietnamese.com

(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/ forum/story/2005/05/050516_educationminhthao.shtml)

 

Qua báo đài, sách vở và tìm xem trong sách giáo khoa Việt nam tôi thấy một cách tổng quát, nền giáo dục Việt nam có hai yếu tính.

1/Tính Nho: Nho giáo coi mọi thứ của thánh hiền (Đông Tây) nói ra là hoàn hảo, người sau chỉ học theo không được tranh luận. Trẻ con 9-10 tuổi đã biết “Nhân chi sơ tính bổn thiện” (Tam tự kinh - sách vở lòng của trẻ con trong nền Hán học). Trẻ con 10 tuổi đã thành triết gia nói về những vấn đề rất lớn của triết học: tính thiện, tính ác, tính không thiện không ác…

Không hiểu cũng phải học thuộc nằm lòng để lớn lên làm vua nếu có được thiên mệnh hoặc làm kẻ sĩ quân tử trở thành bầy tôi hoặc thần dân trung thành tuyệt đối của vua. Học trò Việt nam phải biết đạo”vừa phải”, biết an phận, vui với cái nghèo nếu còn nghèo. Đó là cái học uyên bác, làu thông kinh sử.

Giáo dục Việt nam hiện nay cũng vậy. Có lẽ những nhà lãnh đạo giáo dục Việt nam là những Nho sĩ tinh thông Hán học và có ít nhiều Tây học, muốn phục hồi đạo Nho ở Việt nam.

2/Tính Mác: Học sinh 13-14 tuổi đã phải nghiên cứu lịch sử phát triển của xã hội loài người và biết rành qui luật đấu tranh giai cấp chính là động lực phát triển của nhân loại. Một số nhà nghiên cứu chương trình giáo dục Việt nam hiện nay thấy nhà trường Việt nam dạy cho trẻ con Việt biết căm thù nhau trước và yêu thương nhau sau.

Học sinh Việt nam học biết cách “tước đoạt” trước khi biết cách yêu thương nhau, phải có quan điểm lập trường giai cấp vững vàng. Ở Việt nam những nhà lãnh đạo giáo dục giác ngộ chủ nghĩa Mác là lẽ thường tình. Những vị ấy phải giỏi Nga ngữ - vì nước Nga là thành trì của chủ nghĩa Mác.

Tôi không hiểu làm thế nào một nền giáo dục thiên trọng “Nho-Mác” lại đào tạo ra được cái gọi là người chiến sĩ làm giàu cho đất nước trong thế kỷ 21: Doanh nhân (thương nhân).

Theo tôi,nền giáo dục Việt nam hiện nay nên gọi là “Nền giáo dục Nho-Mác”.Việt nam trong tương lai sẽ thành một quốc gia Nghiêu Thuấn, xã hội có cơ cấu là: sĩ nông công thương (sĩ-là đảng viên, nông (dân-tá điền) được coi trọng, thương là thành phần rất đáng khinh, không tin tưởng được, rất vụ lợi, không biết yêu nước…).

Nông nghiệp thành ra hoạt động kinh tế mũi nhọn-chiếm tỷ trọng lớn (80%?) trong nền kinh tế đất nước. Lãnh đạo đất nước là một ông vua (hoặc 2,3 gì đấy). Các ông vua truyền ngôi cho nhau theo kiểu truyền hiền (giống Trung quốc) khác với kiểu truyền tử như Bắc Triều Tiên đang làm (tuy cả ba đều theo văn minh Nho giáo).

Các nhà lãnh đạo Việt nam là những bậc đạt đến cảnh giới “nội thánh ngoại vương”. Đất nước Việt nam thành một thứ “vương quốc của trời”.

Sở dĩ tôi thấy ra như vậy vì các hoạt động phục hồi truyền thống dân tộc hiện nay cho thấy Nho học được phục hồi rất mạnh mẽ: sửa sang Văn miếu (thờ Khổng tử, tứ phối, thất thập nhị hiền) và có thể cho xây thêm văn miếu khắp nước.

Văn miếu Trấn biên ở tỉnh Đồng nai rất hoành tráng, có lẽ ở tỉnh đó còn nhiều đảng viên là nho sĩ, giỗ tổ Hùng Vương đã thành ngày quốc lễ và có thể sẽ xây thêm các đền thờ tổ khác - thờ các vị tổ khác cho 56(?) dân tộc anh em chung sống trên lãnh thổ Việt nam (người Chăm, Khơ Me, Êđê, Hoa… chẳng hạn, đâu có quyền giỗ Hùng vương, cũng không thể ép các sắc dân đó coi Hùng vương là tổ của họ. Nếu có sự bắt buộc thì không biết thế giới có coi đó là hành vi phân biệt chủng tộc hay không?), khuyến khích nhân dân cả nước xây nhà thờ họ (tất nhiên là phải coi trọng việc sinh con trai để nối dõi tông đường, coi sóc nhà thờ họ - đến một lúc sinh nhiều con gái chắc là phải giết đi như nông dân Trung quốc đang làm để dân số không tăng quá đáng).

Các nhà nghiên cứu sắp sửa cho ra các công trình khẳng định Nho giáo là của dân Việt bị Trung quốc ăn cắp, Nghiêu Thuấn cũng là các thánh vương của Việt nam mà Trung quốc dành lấy v.v…Tôi chưa hiểu cái sâu xa trong việc thành lập các hội đồng hương của mỗi tỉnh, có lẽ sắp thành lập liên bang Việt Nam gồm 64 (tỉnh thành) tiểu bang chăng? Hay là dân tỉnh này không được cứu trợ dân tỉnh khác?

3/Cải cách cái gì? Tôi suy nghĩ mãi vẫn không nghĩ ra được cái gì hay để đóng góp cho công cuộc cải cách giáo dục ở Việt nam. Điều nghĩ ra được thì báo chí ở Việt nam đã nói hết rồi.

Tôi có đọc báo thấy tất cả các ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân của những nhà trí thức khoa bảng trong nước là rất tâm huyết, có trách nhiệm, dũng cảm, trung thực với bản thân và với tương lai của lớp trẻ và của dân tộc và nghĩ rằng đảng, quốc hội, chính phủ Việt nam sẽ lắng nghe, không thông qua dự thảo luật cải cách giáo dục trong kỳ họp này.

Nhưng nghĩ lại thì thấy mình ấu trỉ . Do vậy tôi lại tin chắc dự luật ấy sẽ phải được thông qua áp đảo với một số sửa đổi không cơ bản. Vì tôi thấy giáo dục quốc gia là một bộ phận trong một tổng thể, giáo dục là một bộ phận phải khớp với tổng thể. Vì thế cho nên một nền chính trị như chính trị Việt nam tất yếu phải có một nền giáo dục Nho Mác.

Không thể phê phán gì các nhà làm chính sách giáo dục vì những vị ấy nằm trong hệ thống, chẳng có trách nhiệm gì về cái đúng cũng như cái sai. Tôi không thể đóng góp gì được vì tự thấy không có đủ hiểu biết để góp ý sửa đổi luật cho một nền giáo dục nhằm mục đích đào tạo ra những nhân tài vừa Nho vừa Mác như vậy. Rất xấu hổ.

Mà tại sao Việt nam lại không có một nền giáo dục tổng hợp: Nga,Tàu,Nhật, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Việt.v.v..) mà chỉ có Nga Tàu không thôi?

Trần minh Thảo


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ