LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Trần Minh Thảo

Hướng đến một nền chính trị dân chủ – Trần Minh Thảo


Lấy lại từ diễn đàn www.bbcvietnamese.com

(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/ forum/story/2006/03/060309_tranminhthao.shtml)

 

Bài viết không mang tính học thuật chỉ nhằm trình bày một số suy nghĩ với những ai đã từng góp ý cho văn kiên đảng, không phải là góp ý cho văn kiện đó.

1/ Chủ nghĩa Mác-Lê vẫn hấp dẫn:

Về thực tiễn và lý luận, khi Đông Âu sụp đổ đã chứng tỏ học thuyết Mác đã cáo chung nhưng chỉ cáo chung ở các nước văn minh, đã phát triển.

Theo tôi thì cho đến bây giờ, học thuyết ấy vẫn còn sức hấp dẫn đặc biệt. Thử nhìn vào các cuộc tranh giành quyền lực hiện nay ở một số nước châu Phi, Trung, Nam Mỹ, châu Á thì thấy ngay bóng dáng học thuyết Mác Lênin đằng sau những cuộc nổi dậy, những cuộc đảo chính, những lời hô hào lật đổ, bóng dáng của đấu tranh giai cấp, của tước đoạt.

Tại sao vậy? Có thể trả lời ngay: mục đích của tranh giành quyền lực có mùi lật đổ chính là ước muốn cháy bỏng thông qua quyền lực mà chiếm hữu của cải nhiều hơn. Nhất là trong các quốc gia mà phương thức sản xuất nào đó không làm ra nhiều của cải và phương thức phân chia của cải xã hội nào đó đầy dẫy bất công thì cuộc đấu tranh giành quyền lực càng gay gắt, quyết liệt và ở đó mặc nhiên có Mác Lênin, có sự tham dự đông đảo của nhân dân đói nghèo.

Ở châu Á, theo Mác có phương thức sản xuất đặc biệt nên khó lòng thực hiện chủ nghĩa Mác. Nhưng xét lịch sử Trung hoa và Việt nam thì khẩu hiệu đấu tranh giai cấp của tiến sĩ Mác là giống với khẩu hiệu “cướp của nhà giàu chia cho người nghèo” của người nông dân tá điền thất học hoặc ít học. “Cướp của nhà giàu chia cho người nghèo” và “tước đoạt” là có cùng phương thức và mục đích.

Lịch sử không thể giả định nhưng cứ cho là tất cả các phong trào cách mạng (nông dân hay công nhân) từ trước đến nay ở Trung quốc và Việt nam không nêu, không thực hiện khẩu hiệu “cướp của nhà giàu chia cho người nghèo”, ”tước đoạt” thì có tập hợp được lực lượng, có thành công không?

Tôi nghĩ là nếu các cuộc cách mạng không dùng khẩu hiệu “ăn cướp”, ”tước đoạt” thì rất ít có khả năng thành công vì không thể tập hợp được những người đói nghèo chịu nhiều áp bức bất công tham gia lực lượng cách mạng, giải phóng, hy sinh cho cách mạng, giải phóng. Đó chính là bi kịch của cách mạng giải phóng. Giải phóng xong vẫn cứ đói nghèo, vẫn cứ bị áp bức bóc lột.

Vì các cuộc cách mạng giải phóng đó chỉ biết có một việc tước đoạt của cải mà không có cách làm ra nhiều của cải hơn. Tuy vậy, khẩu hiệu tước đoạt cho đến nay vẫn còn sức hấp dẫn đặc biệt vì người cộng sản đã nêu ra tấm gương cứ tiến hành cách mạng lật đổ thì sẽ hết đói nghèo cho người làm cách mạng. Làm cách mạng chỉ mất đói nghèo, xiềng xích mà được thì được rất nhiều.

Hai phần của học thuyết Mácxít:

a/ Phần “trên trời” của học thuyết Mác-Lênin: Đó là bộ ba: triết học, chính trị kinh tế học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Phần này tôi tạm gọi là phần trên trời vì nó nói đến một thế giới đại đồng, một thứ thiên quốc của Nho giáo, là thứ để trí thức tranh luận với nhau, là thứ để nghiên cứu. Trong thứ nước trời đó không có nhà nước, không có luật lệ. Mỗi cá nhân đạt đến trình độ tự giác rất cao, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu, của cải dư thừa. Đó là thứ nước trời có tên là xã hội cộng sản chủ nghĩa khoa học. Người Trung Hoa gọi là thế giới đại đồng.

b/ Phần “dưới đất” của học thuyết Mác Lênin còn gọi là hòn đá tảng của chủ nghĩa Mác Lênin. Hòn đá tảng hay sợi chỉ đỏ xuyên suốt của chủ nghĩa Mác là chuyên chính vô sản. Muốn có chuyên chính vô sản thì giai cấp vô sản phải đoàn kết lại làm cách mạng tiêu diệt giai cấp tư sản bốc lột và thiết lập công cụ cai trị của mình là nhà nước chuyên chính vô sản (quân đội, công an,cảnh sát, nhà tù, toà án…), còn gọi là nhà nước nhân dân hoặc nhà nước XHCN. Thông qua công cụ nhà nước chuyên chính vô sản, đảng của giai cấp vô sản tước đoạt lại của cải là thứ mà giai cấp tư sản đã bốc lột của giai cấp vô sản thông qua giá trị thặng dư và để trấn áp sự phục thù phản cách mạng của giai cấp tư sản trở nên điên cuồng gấp nhiều lần do đã mất tất cả (Mác, Lênin dạy như vậy).

Do có sự phản kích điên cuồng như vậy, do giai cấp tư sản luôn ngóc đầu dậy như vậy, do tư tưởng tiểu sản lưu manh luôn tái hiện như vậy cho nên một số người cộng sản nói về cuộc các mạng thường trực tức là hành vi trấn áp thường trực mọi toan tính chiếm hữu của cải kiều tư bản chủ nghĩa (Như vậy, bất cứ ai có chiếm hữu của cải nói chung đều phải trở thành đối tượng trấn áp chuyên chính của cách mạng vô sản).

Có lẽ do nghĩ như vậy mà nhà lý luận hàng đầu Nguyễn Đức Bình không đồng ý cho đảng viên cộng sản làm kinh tế tư nhân.

Trong các cuộc “cách mạng” của Lưu Bang ở Trung hoa trước công nguyên, cuộc “cách mạng” của anh em Quang Trung ở Việt nam ở thế kỷ 18 và các cuộc cách mạng vô sản ở một số nước trong thế kỷ 20 có gì giống nhau?

Theo tôi thì chúng hoàn toàn giống nhau. Cái giống nhau rốt cuộc là cả hai đều đưa đất nước lâm vào tình thế lại nổ ra cuộc cách mạng khác, là đêm trước của cuộc cách mạng khác, phải tiến hành cuộc cách mạng khác do hành vi tước đoạt của cải xã hội không biết chán của quyền lực cai trị sau cách mạng thành công. Chẳng phải Mác, Lênin đã dạy ở đâu có bóc lột, ở đâu có chiếm hữu tư nhân của cải xã hội thì ở đó phải làm cách mạng vô sản, phải dùng công cụ chuyên chính để tước đoạt và tước đoạt lại đó sao?

Có ý kiến cho rằng nếu ông Nguyễn đức Bình thành lập một đảng Cộng sản khác thì đảng ấy chẳng có mấy đảng viên.

Tôi thì nghĩ khác. Một là, do bế tắc nhiều mặt, đảng Cộng sản chủ trương kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi doanh nhân là nhân vật trung tâm của sự phát triển, tức là nhân vật trung tâm làm ra của cải cho xã hội. Chủ trương đó làm dịch chuyển các giá trị và địa vị xã hội. Doanh nhân có vị trí trong đời sống kinh tế, xã hội, có ảnh hưởng đến chính trị mà một số đảng viên không có hoặc sẽ mất đi. Một bộ phận đảng viên không vui lòng thấy có sự chuyển dịch như vậy, sự mất đi như vậy. Khối đảng viên cộng sản này sẽ trở thành lực lượng hậu thuẫn tư tưởng Nguyễn Đức Bình.

Hai là, tôi cho rằng ông Bình sẽ nhanh chóng tập hợp được lực lượng. Bởi vì trong các nước còn nghèo đói, đại bộ phận nhân dân sống dưới mức bình thường thì khẩu hiệu “cướp của nhà giàu chia cho người nghèo” luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Ông phải nêu khẩu hiệu đó vì ông ta là người cộng sản kiên định học thuyết Mác Lê nin và tư tưởng Hồ chí Minh. Và rồi ông sẽ thành công, sẽ bước vào vết xe đổ của các đồng chí của mình trước đó và rồi lại có người cộng sản kiên định khác tiến hành cuộc cách mạng cùng với khẩu hiệu”tước đoạt” như ông đã dùng.

Theo tôi, chủ nghĩa Mác không phải là thứ để cho trí thức tranh luận như một số hệ tư tưởng khác mà phải thực hành học thuyết Mác, thực hành chuyên chính và tước đoạt mới thực sự quán triệt Mác.

Tại sao các đảng viên công sản ưu tú, kiên định lại không nêu cao ngọn cờ đấu tranh giai cấp nữa? Hay Việt nam ngày nay không còn sự chiếm hữu tư nhân về của cải, không còn cảnh người bốc lột người nữa? Hay là vì đảng viên Cộng sản hết nghèo nên giai cấp tư sản hết phản động?

Theo tôi, trung thành với chủ nghĩa Mác và các thứ thì nhất định phải tiến hành cách mạng lật đổ, tước đoạt.

2/ Bênh vực hoá ra lật đổ:

Trên các phương tiện truyền thông trong nước và trên mạng internet, tôi thấy có các cuộc tranh luận gay gắt về chủ nghĩa Cộng sản xoay quanh khái niệm bóc lột.

Các cuộc tranh luận đó đáng ngạc nhiên là chỉ nói đến cái phần trên trời của chủ nghĩa Mác mà ít hoặc không có chữ nào đề cập đến phần dưới đất của chủ nghĩa Mác và như vậy theo tôi là chưa nói về chủ nghĩa Mác đích thực, là mù tịt chủ nghĩa Mác.

Vì đơn giản là phải có chuyên chính vô sản và không ngừng tước đoạt của cải tư hữu mới thiết lập được xã hội Cộng sản chủ nghĩa khoa học. Khuất phục người khác bằng lý luận Mác xít có mục đích là tập hợp lực lượng để làm cuộc cách mạng vô sản. Trong tình hình phân hóa khốc liệt của Việt nam, một số ít người ăn không hết, tuyệt đại bộ phận thì lần không ra, đạo đức suy đồi, thuyết giáo chủ nghĩa Mác chính là để lật đổ, để tước đoạt. Thuyết giáo càng hay thì khả năng lật đổ càng lớn.

Trong thời phong kiến, một cuộc bạo loạn nông dân nào đó nổ ra mà được Nho gia nói là do được mệnh trời thì cuộc nổi dậy ấy có cơ hội thành công. Ví như giai thoại về cái gọi là:”Lê Lợi vi quân, Nguyễn trãi vi thần”. Anh em Nguyễn Nhạc cũng làm vậy mà được đông đảo dân nghèo đi theo.

Chứng minh rằng học thuyết Mác là đúng đắn chính là cách trang bị cho các cuộc nổi dậy tính chính nghĩa. Mối họa của đảng Cộng sản và của Việt nam ngày nay nằm chính trong học thuyết Mác-Lênin và các thứ tư tưởng dẫn xuất, không phải từ các phong trào dân chủ..

Kinh điển Mác-Lênin thì đồ sộ, nói mãi vẫn còn thứ để nói nhưng cũng có thể tóm tắt học thuyết ấy vào mấy từ: Học thuyết về tước đoạt. Tước đoạt là hòn đá tảng của chủ nghĩa Mác. Cũng như vậy,”cướp của nhà giàu chia cho người nghèo” là hòn đá tảng của các phong trào nông dân châu Á. Không đợi đến khi tiến sĩ Mác sáng tạo ra học thuyết, nông dân đói nghèo vô học châu Á đã thực hành học thuyết ấy đã hơn 2000 năm rồi, lại rất thành thạo.

Đảng Cộng sản Việt nam và các công cụ chuyên chính của nó có đánh bại được các cuộc cách mạng vô sản sắp xảy ra hay không? trả lời câu hỏi đó là cách chứng minh học thuyết Mác là đúng đắn hay không đúng đắn, vô địch hay không vô địch.

3/ Phê phán mà là xây dựng:

Một cách đơn giản là những người phê phán chủ nghĩa Mác chính là những người không chủ trương lật đổ kiểu Mác xít, tức là không chủ trương tước đoạt hoặc tước đoạt lại. Họ đòi dân chủ kiểu nghị viện, dân chủ có đối lập.

Đòi hỏi đó có ý thức trách nhiệm cao với đất nước. Họ chống chủ nghĩa Mác tức là chống học thuyết tước đoạt. Phê phán chủ nghĩa Mác và chỉ đòi dân chủ là công nhận sự tước đoạt vừa qua là một thực tế lịch sử, là một thực tế không đặc thù, công nhận đảng cộng sản là một thực thể đang cai trị đất nước. Những người dân chủ đòi đối lập với thực thể ấy.

Họ không đòi tước đoạt lại, tức là không tiến hành lật đổ cái mà Mác gọi là giai cấp thống trị bóc lột. Theo tôi đấy là chủ trương mà Nguyễn Trãi cho là chí nhân, đại nghĩa. Chỉ có chủ trương như vậy thì Việt nam mới nhanh chóng có nền chính trị dân chủ mà đất nước duy trì được sự ổn định và phát triển bền vững.

Lời kết

Phần trên trời của chủ nghĩa Mác là phần dùng để thuyết giáo, phần dưới đất mới tạo ra sức mạnh cho cuộc cách mạng, có sức quyến rũ rất mãnh liệt.

Phần trên trời dùng để biện minh cho hành vi tước đoạt, làm cho hành vi tước đoạt có thể chấp nhận được. Nó trang bị tính chính thống, chính nghĩa cho hành vi tước đoạt. ‘Cướp của nhà giàu chia cho người nghèo’ thường được nhiều người gật đầu thông cảm bỏ qua.

Không hiểu gì phần trên trời, chỉ cần thực hành phần dưới đất của học thuyết Mác thì cũng trở thành người giác ngộ chủ nghĩa Mác, càng thực hiện triệt để phần dưới đất của học thuyết ấy thì càng trở thành người cộng sản kiên định quan điểm, lập trường.

Nhưng cả phần trên trời lẫn phần dưới đất của chủ nghĩa Mác trong thực tế chứng tỏ là không đúng, là sản phẩm của một thứ văn hóa thấp (nói theo tiến sĩ Hà sĩ Phu). Cuộc cách mạng XHCN dưới nền chuyên chính vô sản không làm ra được nhiều của cải mà phương thức phân chia của cải của nó lại đầy rẩy bất công. Xã hội định hướng XHCN (nôm na là định hướng tước đoạt, doanh nhân là con bò sữa) luôn làm cho xã hội lâm vào tình cảnh đêm trước của cuộc cách mạng.

Vậy nhân loại ngày nay có mô hình kinh tế, chính trị, xã hội nào vừa làm ra được nhiều của cải vừa có phương thức phân chia của cải cho toàn xã hội công bằng nhất?

Việt nam cần một cuộc cách mạng vô sản khác để tước đoạt lại hoặc một nền chuyên chính khác để tiếp tục tước đoạt hay cần một cuộc cải cách chính trị dân chủ triệt để, hướng đến xã hội công bằng, văn minh và phát triển bền vững?

Trả lời câu hỏi đó tức là giới thiệu được mô hình phát triển cho đất nước cũng là định hướng phát triển đúng đắn cho đất nước. Và nếu thế giới đại đồng (của cải dư thừa) là một ham muốn rất nhân bản thì ngoài chủ nghĩa Mác có thứ gì có thể làm cho nhân loại đạt được ước mơ ấy không?

Sau rốt, người cộng sản kiên định và người cộng sản không còn kiên định còn có chút lương tri phải trả lời câu hỏi này:

Tại sao dân nghèo Việt nam đầu thế kỷ hai mươi thì có quyền đào tận gốc trốc tận rễ trí phú địa hào mà dân nghèo Việt nam đầu thế kỷ 21 thì không? Chủ nghĩa Mác không còn đúng hay sao?Phải lật chúng nó đi hay phải nên dân chủ hóa chính trị quốc gia?

Trần minh Thảo


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ