LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm Thân Hữu ĐàLạt - Trần Minh Thảo

Việt Nam cần thí nghiệm 'một nước hai chế độ'? – Trần Minh Thảo


Lấy lại từ diễn đàn www.bbcvietnamese.com

(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/ forum/story/2005/08/050803_tranminhthaoview.shtml)

 

Đảng Cộng sản công nhận tính hợp pháp của hành động chiếm hữu tài sản tư kếch xù của đảng viên, cho phép kết nạp đảng viên là nhà tư sản không gây ngạc nhiên vì Trung quốc đã làm như vậy từ trước.

Nhưng quyết sách ấy vẫn gây chấn động ở chiều sâu cho cả xã hội kể cả những đảng viên Cộng sản ít quyền, còn nghèo.

Cũng có nhiều người chạnh lòng nghĩ về những người đã khuất do họ đã ngã xuống cho một cuộc chiến có mục đích hoàn toàn khác. Uy tín chính trị của đảng cầm quyền do đó tiếp tục tuột dốc.

Tuy thế trên quan điểm lợi ích dân tộc thì quyết sách ấy lại đưa ra một tín hiệu lạc quan: Đảng Cộng sản từ bỏ đường lối “tước đoạt”,”phân phối lại” của cải xã hội là nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nếu đúng vậy, Việt nam có cơ may phát triển lành mạnh, văn minh, bền vững.

Nhưng để được vậy thì một quyền lực vô hạn, không được kiểm soát, không thể thay thế vẫn là cái gốc đẻ ra hành vi “tước đoạt”, nhũng nhiễu, phá hoại, rối ren, vô luân.

Do đảng Cộng sản còn cai trị đất nước, tình hình đó đòi hỏi mỗi người Việt nam và mỗi đảng viên Cộng sản cần tỉnh táo tìm lối ra cho đất nước, dân tộc một cách tốt đẹp nhất (nếu đảng Cộng sản ít nhiều còn có lý tưởng vì dân vì nước).

Bài học Trung Quốc

Tính từ thời tự chủ đến nay thì Việt nam học tập Trung quốc rất nhiều việc.

Những bài học có lợi cho quyền lực cai trị là hai nước cùng có chung hệ tư tưởng Nho giáo, các triều đại thay nhau cai trị đều coi đất nước là của một giòng họ, một thế lực, còn nhân dân là tôi tớ của giới thống trị.

Giòng họ, thế lực nào cướp được chính quyền thì giàu lên, giòng họ nào, thế lực nào mất chính quyền thì bị tiêu diệt (nhổ cỏ tận gốc). Họ coi khẩu hiệu chính trị là chiêu bài tập hợp lực lượng để cướp quyền lực, đích nhắm đến chính là của cải xã hội nhưng lại không có phương thức làm ra nhiều của cải cho xã hội. Của cải xã hội chưa nhiều thì càng chuyên chính để có cơ hội tiếp tục tước đoạt một cách công khai(cướp ngày).

Ngoài ra, họ giữ chặt quyền lực vì lo sợ lại bị “nhổ cỏ tận gốc”. Họ cũng thánh hóa quyền lực cai trị. Trung quốc có thuyết thiên mệnh rồi thuyết ba đại diện. Việt nam cũng có thuyết thiên mệnh rồi thuyết đội tiền phong của dân tộc.

Hệ thống này coi Trung quốc là “thiên triều” có nghĩa vụ bảo vệ “chư hầu”. Để được vậy chư hầu phải thường xuyên cống nạp, xin sắc phong này nọ.

Những bài học trên đây chỉ nhằm thỏa mãn lợi ích của quyền lực cai trị, xâm phạm lợi ích của dân tộc. Do đó thời nào giới thống trị cũng giàu lên, sống phè phỡn xa hoa, truỵ lạc mà đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thì khốn cùng, đất nước thì cứ nghèo nàn lạc hậu, phong hóa suy đồi, luân lý, đạo đức băng hoại…

Chủ động hơn Trung Quốc

Tuy thế có một bài học từ Trung quốc (chính xác là bài học Anh-Trung) có thể đáp ứng lợi ích của dân tộc Việt nam: một quốc gia hai chế độ.

So sánh Đài Loan, Hồng Kông với Trung quốc thì ít ai lại cho tình hình kinh tế xã hội Trung quốc đại lục dân chủ, công bằng, văn minh, tốt đẹp hơn hai lãnh thổ kia. Hồng Kông hay Đài Loan là đối chứng để Trung quốc cải cách, đổi mới. Đài Loan hay Hồng Kông không học được gì ở Trung quốc nhưng Trung hoa đại lục lại học được nhiều điều từ hai lãnh thổ kia.

Về lâu dài thì chỉ có một Trung quốc thống nhất, dân chủ mà thôi. Đó là bài học mà Việt nam khi công nhận tình hợp pháp của đảng viên giàu lên phải học. Việt nam cần một vùng đối chứng cho cả nước học theo.

Bài học một quốc gia hai chế độ của Anh-Trung có lợi cho đất nước, dân tộc Việt nam, là bài học nên học trong giai đoạn quá độ.

Theo tôi vùng lãnh thổ Nam bộ mà thành phố HCM (Sài gòn) làm thủ phủ có đủ điều kiện để trở thành vùng phát triển đối chứng. Vùng lãnh thổ đó cần có một chế độ chính trị khác nằm trong một quốc gia cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam thống nhất (một thứ Hồng Kông của Việt nam). Cụ thể là:

- Miền Nam (Nam bộ, Nam kỳ cũ) về chính trị là dân chủ đa đảng, kinh tế thị trường (giống Hồng Kông hay Đài Loan) từ bỏ hẳn chủ trương “tước đoạt” hoặc “phân phối lại” của cải xã hội theo kiểu một đảng.

-Trung, Bắc về chính trị là dân chủ một đảng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giống Trung quốc đại lục.

Cả hai vùng thi đua phát triển trong vòng 3-5 năm, thường xuyên rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Sau 5-7 năm chọn mô hình nào trong sạch, lành mạnh, bền vững nhất thì áp dụng chung cho cả nước.

Kịch bản này phù hợp với việc đảng Cộng sản nhận sai lầm sau 1975 đối với miền Nam.

Dân chủ đối lập từ đâu đến?

-Các nhân vật bất đồng chính kiến căn cứ hiến pháp đăng ký thành lập một đảng hoặc một phong trào chính trị dân chủ riêng cho Nam bộ,chỉ hoạt động trên địa bàn Nam bộ.
hoặc

-Những đảng viên Cộng sản Nam bộ còn tâm huyết, liêm khiết tập hợp một bộ phận đảng viên tiến bộ hình thành một đảng hoặc một tập hợp những người Cộng sản vì xã hội dân chủ chẳng hạn.

(Nếu được vậy thì chính trị Nam bộ có từ 1-2 đảng chính trị đối lập và một đảng cầm quyền là đảng Cộng sản hiện nay).

-Miền đó có thể gọi là lãnh thổ hay vùng tự trị phía nam, có hiến pháp riêng nhưng không hoàn toàn tự chủ về quốc phòng.

-Người đứng đầu do bầu cử tự do đưa lên và được trung ương phê chuẩn.

Với lòng tự hào về một vùng đất giàu có và con người có truyền thống yêu nước, lương thiện, thật thà, cởi mở, trung thực có tập quán làm kinh tế thị trường cả trăm năm nhất định Nam bộ sẽ phát triển nhanh, lành mạnh, nề nếp hơn bây giờ, sớm trở thành đầu tàu kéo cả nước tiến lên.

Cả nước mà đột nhiên có ngay chính trị dân chủ đối lập thì có thể là hay nhưng chưa phải là hay nhất. Mô hình một quốc gia hai chế độ còn có mục đích là tập dượt người dân (cả đảng viên Cộng sản) trong cả nước làm quen với chế độ chính trị dân chủ đa đảng (dân chủ đối lập không phải là dân chủ “cướp đi cướp lại của cải lẫn nhau” như một số đảng viên Cộng sản cao cấp giải thích dưới chiêu bài “chống phản động”, chống “diễn biến hòa bình”).

Trước mắt ai không thích mô hình định hướng xã hội chủ nghĩa thì di dân vào phía Nam, ai không thích dân chủ đối lập thì đi về phía Trung Bắc.

Làm theo bài học một quốc gia hai chế độ của Trung quốc vừa thỏa mãn tâm lý, tư tưởng của đa số đảng viên Cộng sản coi Trung quốc là người thầy, là hình mẫu, vừa tạo ra đối chứng cho đất nước phát triển, vừa bảo vệ được chân lý “nước Việt nam là một, dân tộc Việt nam là một”. Hiện nay Hồng Kông vẫn là một bộ phận của Trung quốc đấy thôi. Đó là cách khai thác tiềm năng vùng, tiềm năng địa phương, tập quán vùng miền trong truyền thống chính trị Việt nam, vì lợi ích lâu dài của dân tộc.

Quyết tâm thí điểm?

Vấn đề là đảng viên Cộng sản tiến bộ, nhân dân, trí thức, phần tử đối lập chính trị và các thành phần xã hội khác ở Nam bộ có đủ dũng khí, lòng tin, niềm tự hào đi trước làm nhiệm vụ lịch sử trọng đại, trong vòng 5-7 năm, đưa vùng đó và đất nước thoát đói nghèo, lạc hậu, dã man, suy đồi, phân hóa như hiện nay hay không?


Nam bộ có thể tự hào đi trước chứng minh: chính trị đối lập là hợp tác cùng phát triển lành mạnh, không phải là đối kháng, triệt tiêu nhau như một số đảng viên cộng sản giải thích về đối lập.

Vì dân, vì nước hay vì cái gì, đảng Cộng sản phải can đảm có lựa chọn thái độ chính trị dứt khoát, không nên”kèn trống ngược xuôi” như hiện nay, không thành thực với người đã khuất thì dễ, tiếp tục làm như vậy với người còn sống có được không?

Nhiệm vụ hàng đầu của Việt nam hiện nay chẳng phải là chống tham nhũng vì tham nhũng trâng tráo như hiện nay là con đẻ của chế độ một đảng hoặc phải hiểu chống tham nhũng là chống chế độ chính trị một đảng. Hiện nay dân thường Việt nam nói:chống tham nhũng là sự đấu tranh kiểm soát quyền lực trong nội bộ đảng của các phe nhóm. Do vậy, dân không có lợi ích gì khi đi với phe này chống phe kia trong đảng, chống được tham nhũng thì vẫn làm kiếp nô lệ kiểu mới mà thôi.

Nhiệm vụ hàng đầu là tìm lối ra êm đẹp cho một xã hội phân hóa sâu sắc về mọi mặt. Lối ra đó là nền chính trị dân chủ đối lập có bước đi vững chắc. Nếu làm được và bài học dân chủ đối lập áp dụng sớm cho cả nước trong vòng 5-7 năm thì Việt nam có thể dạy lại cho Trung quốc biết thế nào là dân chủ để phát triển bền vững.

Tự hào, tự tôn dân tộc đâu chỉ có việc đi sau, học theo, làm theo như đảng Cộng sản đang làm. Đã đến lúc người đảng viên Cộng sản Việt nam phải lựa chọn dứt khoát: vì đất nước giàu mạnh hay vì chế độ “ưu việt” hiện nay.

Trần minh Thảo


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ