LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu

Phỏng vấn Bính Tuất


Lê Nhân là ai?

Đầu Tháng 12-2005, trên báo điện tử Đàn Chim Việt xuất hiện bài viết  có tựa đề “Nhân quyền kiểu CSVN: Mày không yêu tao, tao giết” của một tác giả ký tên Lê Nhân.

Trước bài viết này, gần như không mấy ai biết Lê Nhân là ai.                                                               Bài viết vạch ra cái bộ mặt giả nhân giả nghĩa của đảng CSVN ngược hẳn lại cái chính sách độc tài đảng trị đã và còn đang đè lên đầu lên cổ nhân dân Việt Nam. Chế độ này chỉ biến tướng và thích nghi với hòan cảnh để tồn tại.

Tác giả bài viết tạo sự chú ý đặc biệt của độc giả bốn phương nhờ cách trình bày vấn đề giản dị, dẫn chứng cụ thể, linh động, lý luận khúc triết. Ông lại càng tạo thêm sự chú ý qua một lọat bức thư ngỏ gửi cho bạn học cũ là Phan văn Khải (đương kim thủ tứơng CSVN) và hai tay học trò cũ (Nguyễn khoa Điềm - Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương và Nguyễn phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành Ủy Hà Nội).

Ông Lê Nhân năm nay 75 tuổi, nhiều hơn Phan văn Khải 2 tuổi. Các bài viết của ông cho thấy ông là một người chịu khó đọc và nghiên cứu, nhưng vẫn tự nhận là “dân ít học, ít chữ”.

Dưới đây là hai câu hỏi đặt riêng cho ông.

 1-    Trước hết, xin ông cho biết một ít dòng về tiểu sử của ông.                                                        

Lê Nhân: Lê Nhân tôi vốn là một kẻ vô danh, bất tài, vô tướng, đuổi gà cho vợ nó cũng không khiến, cả khu phố ai cũng khinh thường tôi, bảo tôi nửa người nửa ngợm, đi lại vật vờ như cái bóng, như cái giẻ rách biết ho, như cái thằng bù nhìn rơm biết hút thuốc lào, nhờ viết 15 bài báo nhỏ bé truyền lên mạng mà nhật báo Người Việt ở CA. mới biết tới để phỏng vấn. Ở chế độ cộng sản, con người cá nhân bị coi như rơm rác, như số không, chỉ có đảng ta vĩ đại mới là tất cả. Lê Nhân cũng chỉ là con số không, một con số không có đuôi, như con nòng nọc ( như con tinh trùng phóng lớn);cái đuôi ấy chính là sợi dây trói buộc của chính thể, cột con số không vào công an văn hoá, công an chính trị, công an chuyên kiểm soát các con số không ! Con số không không thể để nó chạy lung tung được, số không cũng phải có tính đảng. Chừng như con đường đã chọn tôi, chứ không phải tôi đã chọn nó ? Con đường ấy, tức “đường cách mạng thênh thang tám thước” ( Tố Hữu) giờ đây mới hiện ra là một tử lộ, có thể đưa dân tộc Việt Nam vào chỗ diệt vong. Tôi là một anh già sắp hết hơi, cộng sản không thủ tiêu sớm thì bệnh ung thư cũng sẽ mang tôi đi nay mai. Tôi có vợ con và cháu ngoại, với trình độ học vấn biết đọc biết viết. Như trong bài : “Thư ngỏ gửi ông Phan Văn Khải…” tôi đã khai ra Lê Nhân và anh Phan Văn Khải đều là dân ít học, ít chữ. Ngoài ra, tôi chẳng có gì cả, kể cả bản thân mình cũng do đảng cộng sản và vợ con quản lý. Tôi là một kẻ bị tù từ trong tư tưởng, nên mới suy nghĩ ngoài luồng và điên lên, uống 12 cái mật gấu dỏm, mới đủ dũng khí gửi những suy nghĩ không được duyệt ( suy nghĩ trộm, các cụ xưa vẫn nói : trộm nghĩ !) của mình lên các website hải ngoại mà quý vị nâng đỡ in cho, rồi gọi nó là chính luận của Lê Nhân. 

2-    Ông thấy sự sai lầm của chủ thuyết CS từ khi nào? Và sao bây giờ  mới lên tiếng? Và lên tiếng dồn dập? Động cơ nào thúc đẩy? 

Lê Nhân: Tôi đã thấy sự sai lầm của cộng sản từ hồi cải cách ruộng đất. Vì tôi hèn, sợ nói ra ý nghĩ thật của mình sẽ bị cộng sản bắt. Vâng, tôi và hàng triệu anh em biết đọc biết viết khác mà chế độ đôn lên gọi là trí thức biết rõ cộng sản là ngụy thuyết lâu rồi, nhưng đều là kẻ hèn mọn, là phường giá áo túi cơm nên không ai dám nói ra sự thật mà thôi. Bây giờ tôi biết mình sắp đi khỏi cuộc đời, tôi phải tranh thủ nói ra hết nỗi cay đắng ở trong lòng, nếu không, chết xuống âm phủ, những nỗi niềm u uẩn kia sẽ mắc nghẹn lấy cuống họng của linh hồn tôi, khiến tôi không trả lời nổi những câu hỏi của Diêm vương, thì có lẽ tình thế sẽ khó khăn bội phần cho linh hồn còm cõi điêu linh của tôi nơi cõi khác chăng ? Chính vì vậy tôi phải viết dồn dập ông ạ. Còn động cơ ư ? Tôi chẳng có động cơ gì khác là niềm khao khát ngàn lần được tự do nói lên và viết ra sự thật. Vâng, tự do, cái mà vì nó,  hàng triệu người đã ngã xuống; nhưng NÓ-TỰ DO ấy, vẫn chưa hề xuất hiện dù bé bằng con kiến trên đất nước đau thương của chúng ta !

Hà Sĩ Phu: Vẫn trong “tầm ngắm” của Công An

Hà Sĩ Phu: Vẫn trong “tầm ngắm” của Công An
Friday, January 27, 2006

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=39092&z=3

Nhà lý luận chính trị, nhà văn Hà Sĩ Phu, tức tiến sĩ sinh học Nguyễn Xuân Tụ, một nhân vật tranh đấu vận động dân chủ hóa Việt Nam nổi tiếng trong và ngoài nước năm nay 66 tuổi, hiện đang cư ngụ tại Ðà Lạt.

Nguyên phó viện trưởng Viện Khoa Học Việt Nam ở Ðà Lạt, chỉ vì từ chối gia nhập đảng CSVN mà ông bị đẩy nghỉ hưu non. Năm 1988 ông nổi tiếng khắp nơi với tập tiểu luận “Dắt tay nhau đi dưới sự chỉ đường của trí tuệ” phổ biến chui trong số bằng hữu trong nước và trên báo chí tiếng Việt ở ngoại quốc. Bài viết vạch ra sự sai lầm của chủ nghĩa Cộng sản mà cả quan thầy của đảng CSVN là Nga Sô và khối Cộng Sản Ðông Âu biết là lầm đường đã quay đầu trở lại.

Bài viết này gây chấn động trong đám lãnh tụ đảng nên trong suốt hai năm sau đó Bộ Chính Trị đã vận dụng một số tay viết lý luận để viết hơn 30 bài đả kích quan điểm của Hà Sĩ Phu. Những bài tiểu luận nổi tiếng tiếp theo của ông như “Hồi ức của một công dân” (1993) và “Chia tay ý thức hệ” (1995) khiến ông càng ngày càng trở nên nổi tiếng và đương nhiên thành cái gai càng ngày càng lớn trong mắt Ðảng.

Tháng Năm năm đó, ông bị bắt cóc khi đang đi xe đạp ở Hà Nội và ngày 22-8-1996 thì bị kết án tù 1 năm với tội danh “ăn cắp bí mật nhà nước” liên quan đến một bức thư của Võ văn Kiệt, thủ tướng CSVN lúc đó. Từ đó, ông còn bị quản chế và dọa bỏ tù một số lần nữa kể cả cáo buộc “phản quốc” và mới được giải chế hồi gần đây.

Tuy là được “giải chế” nhưng ông không được hoàn toàn tự do. Dưới đây là hai câu hỏi riêng mà báo Người Việt muốn biết về đời sống của ông hiện nay.

1- Xin ông cho biết sức khỏe dạo nay ra sao? Ông có được tự do đi lại hay đi đâu cũng “có đuôi?” Chung quanh nhà ông vẫn có các “bạn dân” canh chừng không? Các tài sản trước đây người ta “tạm giữ” của ông hiện đã được tra lại cái nào chưa? Ông hiểu thế nào là “tạm?”

HSP: - Sau hơn 10 năm căng thẳng (hầu như phải làm việc với công an liên tục, dưới đủ mọi hình thức), khoảng 3 năm nay sức khỏe của tôi sút kém hẳn, ngoài những bệnh cụ thể về nội tạng, đầu óc tôi đột nhiên sút kém về trí nhớ, hay quên, hay nhầm lẫn.

- Mặc dù không còn bị tù tội và quản chế như trước, nhưng nếu có bạn bè ở nơi khác đến chơi vẫn thường bị công an tiếp cận, thậm chí đột nhập, gây phiền phức (những lần đến thăm của các ông Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Phương Nam, hay buổi vài ba anh em ngồi uống rượu...), bị gây phiền khi trả lời phỏng vấn, bị gây phiền khi ra khỏi thành phố... Nghĩa là tôi đi đâu, làm gì, quan hệ với ai cũng không ra ngoài ống kính của cơ quan công an, phối hợp từ cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp thành phố và cấp phường.

- Qua 3 lần khám nhà tôi bị tịch thu rất nhiều thứ: 2 giàn vi tính, nhiều tài liệu, cả băng cassette lưu niệm tiếng của mẹ tôi,... không bao giờ trả lại (máy vi tính của tôi và của ông Mai Thái Lĩnh cùng được đem bán đấu giá). Việc “tạm” cắt đường điện thoại từ năm 1997 đến nay vẫn không nối lại.

2- Xin ông mô tả một ngày của ông ở nhà hiện nay. Rất nhiều người kính phục ông, ở nước ngoài, rất mong được biết ông sống ra sao? Ông đã được “mời” giải thích về các câu đối Bính Tuất chưa?

HSP: 4 giờ sáng tôi thức dậy. 4g30 đưa nhà tôi ra chợ mua hàng và thức ăn. 5g đi bộ quanh Hồ Xuân Hương. 6g30 nghe radio. Nhịp điệu hàng ngày của tôi là xen kẽ giữa việc xem sách, viết lách là làm vài việc vặt trong gia đình, sửa chữa những đồ dùng gia đình, lên quán ngồi nói chuyện với vợ (nhà tôi có một quán cà phê nhỏ cách phòng ở khoảng 20m), tiếp các bạn bè gần gũi đến chơi. Ðọc sách khoảng nửa giờ là mắt nhòe đi không đọc được. Sau bữa tối thì nghỉ ngơi hay làm việc một lát, từ 8g30 đến 10g tối nghe radio rồi đi ngủ. Mỗi tuần đến nhà bạn đánh bóng bàn vài ba lần. Một mình thì thường uống trà, có bạn thường cùng nhâm nhi chén rượu. Tôi có máy vi tính (tự lắp, tự cài đặt và sửa chữa vặt) nhưng không được và không thể vào “mạng.”

Hàng năm, cứ vào dịp tôi viết bài và câu đối Tết là tôi sẽ nhận được “lời mời” của công an lên “làm việc” gì đó. Năm nay, tháng 12-2005 tôi đã được mời rồi, nên từ nay đến Tết chắc là thôi.

Lê Nhân, Hà Sĩ Phu, Âu Dương Thệ, Trương Nhân Tuấn nói về hiện tình và tương lai Việt Nam
Friday, January 27, 2006

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=39093&z=3

Việt Nam “Căn bản sẽ không có gì thay đổi về đường lối chính trị”

Ngoài hai cuộc phỏng vấn các giáo sư Nguyễn Võ Thu Hương và Vũ Ðình Nhân về tình hình thời sự chính trị Việt Nam, báo Người Việt cũng phỏng vấn một số nhân vật ở Việt Nam và tại Âu Châu.

Từ trong nước, báo Người Việt phỏng vấn hai người là các ông Lê Nhân ở Hà Nội và Hà Sĩ Phu ở Ðà Lạt. Ở ngoài nước, chúng tôi được hai người trả lời phỏng vấn là ông Âu Dương Thệ ở Ðức và Trương Nhân Tuấn ở Pháp.

Ðối với hai ông Lê Nhân và Hà Sĩ Phu, chúng tôi có phần giới thiệu đôi nét về tiểu sử. Riêng hai ông Âu Dương Thệ và Trương Nhân Tuấn thì chúng tôi viết giới thiệu ít chữ ngay ở đây.

Ông Âu Dương Thệ, tiến sĩ chính trị học, tuổi trên 60, đang cư ngụ ở Ðức. Ông là chủ tịch Hiệp Hội Dân chủ và Phát triển Việt Nam và là chủ bút tạp chí “Dân chủ và Phát triển”. Ông thường xuyên bình luận về tình hình thời sự Việt Nam, vấn đề dân chủ hóa đất nước.

Ông Trương Nhân Tuấn, tên thật là Ngô quốc Dũng, sẽ đủ 50 tuổi vào tháng Ba 2006 này (như ông nói). Ông là tác giả quyển sách khảo cứu công phu mới phát hành hồi tháng 12-2005 “Biên giới Việt-Trung 1885-2000 - Lịch sử thành hình và những tranh chấp”. Nhân những lời tố cáo của các anh em dân chủ trong nước là chế độ Hà Nội đã “nhượng” đất biên giới cho Trung Cộng trong các cuộc đàm phán phân định biên giới giữa hai nước, ông đã bỏ công lục tìm các tài liệu cũ trong các thư viện nước Pháp để công bố những tài liệu, chứng minh cho thấy sự khác biệt giữa các tài liệu cổ và bản hiệp ước phân định biên giới Việt-Trung ký năm 1999.

Nhìn chung, không một vị nào lạc quan về tương lai chính trị Việt Nam khi đảng Cộng Sản vẫn còn nắm chặt quyền cai trị.

Một số câu hỏi đã được gửi tới một số vị này mà không gửi tới các vị khác. Dưới đây là phần trả lời của các vị được phỏng vấn cho cùng những câu hỏi.

1- Người Việt: Ông đã được đọc bản dự thảo báo cáo chính trị Ðại hội Ðảng khóa X chưa? Nếu đã đọc, xin cho biết nhận xét?

Lê Nhân: Tôi đã đọc, tất nhiên là đọc trên mạng (không biết có phải là dự thảo thật hay dự thảo giả?) Nếu bản dự thảo này đúng là của các ông chóp bu cộng sản viết ra, thì tôi thấy nó là một thứ vô liêm sỉ đến mức không có từ ngữ nào miêu tả được. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam hôm nay đang là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nó hiện ra rõ ràng như một con mèo trắng trước mắt 80 triệu dân, thế mà trong dự thảo này, các ông chóp bu cộng sản già vờ mù mắt, gọi con mèo trắng kia là con mèo đen. Cái kinh tế xã hội chủ nghĩa (kinh tế độc quyền, tập trung) đã bị chính đảng cộng sản đưa ma chôn sống bằng nền kinh tế thị trường. Vậy mà, trong dự thảo này, các ông mãnh cộng sản giả mù giả điếc (cả giả vờ điếc mũi) đã moi cái xác chết thối rữa xã hội chủ nghĩa từ dưới mộ lên mà thi nhau ca ngợi mùi tử thi này thơm quá các đồng chí ơi, thì mọi sự vô liêm sỉ ở đời đều phải quỳ xuống mà tôn đảng cộng sản Việt Nam lên hàng sư tổ!

Âu Dương Thệ: Theo chỗ chúng tôi được biết, cho tới nay các dự thảo văn kiện của Ðại hội (ÐH) 10 chưa được công bố và phổ biến ra bên ngoài, mới chỉ giới hạn trong một vài giới trong ÐCSVN mà thôi. Tuy nhiên qua những lời bình luận và góp ý của một số nhân vật như cựu TT Võ Văn Kiệt, GS Dương Trung Quốc, cựu Thẩm phán Trần Lâm, TS Lê Ðăng Doanh và các ông Trần Quốc Thuận, Trần Văn Hà và Lê Hồng Hà,... thì không có ai trong họ nói là các dự thảo này chứa đựng những điều gì có thể gọi là tiến bộ hay dân chủ cả!

Hà Sĩ Phu: Tôi đã đọc qua, vẫn thấy những nhịp điệu muôn thuở, chẳng có gì đáng lưu lại trong trí nhớ.

Trương Nhân Tuấn: Không nhớ là đã đọc bao nhiêu văn kiện dự thảo từ hội nghị 10 đến hôm nay là hội nghị 13. Chỉ nhớ những bản đặc sắc của quý ông Lê Ðăng Doanh, Võ Văn Kiệt, Lê Hồng Hà, Hoàng Tùng, Dương Trung Quốc...; đặc biệt mới đây của Luật Sư Lê Mai Anh.

Tôi không dám ví quý ông này là những Nguyễn Trường Tộ tân thời nhưng tôi thấy chế độ CSVN hiện tại có nhiều điểm tương đồng với triều đình Tự Ðức thời trước khi mất nước vào tay Pháp. Chỉ khác một số điều cơ bản là triều đình nhà Nguyễn không dám bán đất buôn dân (vụ lên án Phan Thanh Giản trong vụ 3 tỉnh Nam Kỳ là thí dụ) nhưng triều đình CSVN thì vừa bán đất lại vừa buôn dân. Ðiểm khác nữa là đảng CSVN vừa tham nhũng vừa bạo tàn. Lời phát biểu mới đây của LS Lê Mai Anh cho thấy rõ ràng đảng CSVN thực chất là đảng cướp!

Vì thế tôi không nghĩ là những người lãnh đạo VN hiện nay quan tâm đến những đề nghi của các nhân vật trên. Ðiều ưu tiên của lớp lãnh đạo hiện nay la làm thế nào duy trì được sự lãnh đạo của đảng. Các văn kiện của những người nói trên đề cập phần nhiều đến tình hình của dân và nước cho nên ý kiến của họ sẽ không được đón nhận.

2 - Người Việt: Năm 2006, đảng CSVN sẽ họp đại hội. Dù Nông đức Mạnh vẫn làm TBT hay người khác lên thay, ông thấy đường lối chính trị của Ðảng CSVN, trên căn bản, có thay đổi không?

Lê Nhân: Tôi nghĩ là nó sẽ hầu như không thay đổi! Nếu họ chấp nhận thay đổi, thì họ phải buộc đa nguyên chính trị, giống như kinh tế đã đa nguyên. Mà theo Marx, thì kinh tế quyết định chính trị, kinh tế đã đa nguyên thì chính trị cũng phải đa nguyên mới đúng quy luật. Còn cộng sản đã cho kinh tế đa nguyên mà vẫn giữ chính trị nhất nguyên là họ đã lộ nguyên hình chống Marxism. Mà họ chấp nhận đa nguyên tức là họ chấp nhận làm đám ma mình! Việt Nam ta mà đa nguyên thì chỉ cần một thằng hết hơi quá vô danh, quá vớ vẩn như lão khọm Lê Nhân tôi, nếu chịu đứng ra thành lập một đảng chính trị ví như đảng “Dân Chủ Con Chim” chẳng hạn, thì chỉ cần vận động tranh cử trong 5 tháng, Lê Nhân cũng xin cá với nhật báo Người Việt rằng, đảng “Dân Chủ Con Chim” của Lê Nhân sẽ thắng cử bảo đảm 90% trước ứng viên của đảng cộng sản, dù người ra tranh cử đó là ông Nông Ðức Mạnh hay ông Nguyễn Minh Triết đi nữa. Chưa nói đến những quý vị uy tín với quốc dân đồng bào khác ở hải ngoại và ở trong nước nếu ra tranh cử với đảng cộng sản, sẽ chiến thắng toàn diện. Như tôi đã nói trong các bài viết, có chó nó bầu cho đảng cộng sản, nếu chúng chấp nhận đa nguyên, thưa ông! Cộng sản nó cũng thừa biết toàn dân Việt Nam thù ghét nó, nên nó chỉ còn vin vào súng ống để tồn tại, đoạn cười thầm rằng: Bố đố bọn dân đen chúng mày làm đếch gì được các bố chuyến chính vô sản đấy, vì các bố vũ trang đến tận đít! Ở quốc nội, đến trâu bò cũng biết là cộng sản phi nghĩa, phi nhân! Mà cộng sản nó không thích dự đám ma mình, nên nó có thể sẵn sàng đàn áp giết chết một lúc cả vài ba triệu người đòi đa nguyên đa đảng, cốt bằng mọi giá, giữ cái ghế LỢI QUYỀN là chủ nghĩa xôi thịt của nó ông ơi!

Âu Dương Thệ: Vấn đề nhân sự và cơ chế hoạt động là hai yếu tố quyết định của một tổ chức nói chung và của một chính đảng nói riêng. Nếu trong ban lãnh đạo tập hợp những nhân sự khá có bản lãnh, khả năng và tinh thần trách nhiệm cao thì sẽ giải quyết nhanh và gọn các khó khăn. Một số giả thuyết phải được đặt ra: 1. Nếu Nông Ðức Mạnh tiếp tục là Tổng bí thư thì tình hình ÐCSVN sẽ nguy kịch hơn và đất nước sẽ trì trệ hơn. Suốt 5 năm qua ông Mạnh đã chứng tỏ là một người không có bản lãnh, không có uy tín và vì thế không giải quyết được những vấn nạn từ trong đảng tới ngoài xã hội, như tham nhũng, lộng quyền, nạn bè đảng và phe cánh bùng nổ mạnh dưới thời ông Mạnh.

Chính vì biết Nông Ðức Mạnh là người ba phải nên Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh mới đưa ông ta vào làm TBT trong ÐH 9 (2001). Sau 5 năm làm TBT cho thấy nhận xét của hai ông Mười và Anh về ông Mạnh rất đúng. Cụ thể nhất là ông Mạnh, do áp lực của nhóm bảo thủ trong BCT, đã xếp lại những đòi hỏi của tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều tướng lãnh và cách mạng lão thành yêu cầu đưa ra xét xử trước Trung ương đảng việc Lê Ðức Anh đã lộng quyền lập ra Tổng cục 2, vụ T4...

2. Nếu ông Mạnh không còn làm TBT, nhưng cơ chế độc tài vẫn tồn tại thì dù một nhân vật khác lên làm TBT cũng không thay đổi được tình thế. Cơ chế độc tài, hiểu ở đây là cách tổ chức và vận hành của guồng máy đảng và chính quyền từ trung ương tới địa phương, sẽ không cho phép một ai dám đi ra ngoài cơ chế và giả thử người này có thử tìm cách đi ra ngoài thì cũng bị kiểm soát hay loại trừ.

Ðơn cử là các Ðại hội đảng bộ của các tỉnh, thành phố... vừa qua để hoạch định đường lối của địa phương, bầu các cấp ủy (lãnh đạo của tỉnh, thành phố) và cử đại biểu về tham dự ÐH 10. Theo Ðiều lệ đảng thì các đảng bộ có quyền tự quyết định độc lập trong các lãnh vực này. Nhưng thực tế thì hoàn toàn khác: Từ việc chọn lựa nhân sự mới trong cấp ủy tới các chính sách của địa phương, nhất nhất đều phải hỏi ý kiến của Bộ chính trị (BCT). Ðể bảo đảm chắc ăn, cho nên ngay cả trong ngày họp đại hội đảng bộ, một hay vài Ủy viên BCT và Bí thư Trung ương đều có mặt và giữ vai trò chỉ đạo trong đại hội đảng bộ. Nghĩa là các đảng bộ tỉnh và thành phố đã bị tước quyền, họ chỉ còn giữ vai trò thừa hành, dân chủ chiếu lệ mà thôi. Chính việc này mới đây ông Kiệt cũng đã xác nhận là, ông chỉ cần dự hai Ðại hội đảng bộ ở TP HCM và Hà Nội cũng đã thấy mọi chuyện không có gì thay đổi cả, vẫn chỉ là dân chủ hình thức.

Hà Sĩ Phu: Căn bản sẽ không có gì thay đổi về đường lối chính trị. Vì cung cách mà Mác-Lênin đã vạch ra vốn đã là cung cách quá tối ưu, quá tối thuận lợi cho một đảng chiếm giữ quyền lực rồi, không ai có thể nghĩ ra một cái gì phục vụ cho kẻ cầm quyền tốt hơn Mác-Lê nữa đâu. Bất hạnh thay cho mọi đảng cầm quyền của các nước Tư bản đã không có một chủ nghĩa tương tự nên đã bị nhân dân đẩy vào con đường dân chủ, muốn độc tài cũng không độc tài mãi được. Cho nên đảng Cộng sản khi đã cầm quyền thì cố giữ cái cẩm nang cầm quyền của Mác-Lê đến cùng, chỉ chịu lùi từng bước nếu sức ép từ bên ngoài đủ mạnh khiến họ buộc phải lùi.

Nhưng sức ép là từ đâu? Sức ép từ nhân dân thì ngay từ đầu đã bị triệt tiêu, nay lóp ngóp bò dậy thì còn yếu lắm, sức ép từ thế giới tuy có hiệu quả hơn nhưng thế giới bên ngoài lại không thể làm thay nhân dân. Những sức ép không đủ cường độ gây đột biến thì chỉ gây ra sự thích nghi của đảng cầm quyền thôi, như tập cho vi khuẩn sinh ra tính kháng thuốc.

Vì thế những thay đổi, những bước lùi nhỏ nhặt của người cầm quyền tuy là điều tốt, nhưng ta cũng đừng lấy làm mừng, vì chính đó là sự tăng cường tính “kháng thuốc”. Nó làm vi khuẩn biến chủng thành tinh khôn hơn và các thuốc sau này sẽ mất tác dụng.

Trương Nhân Tuấn: Tôi bi quan trả lời: Vũ Như Cẩn tức sẽ vẫn như cũ. Tức không có lối có đường gì cho đất nước hết. Ông nào lên thì vẫn thế. Tức là sẽ như người mù đụng đâu tránh đó, sai đâu sửa đó. Vẫn một liều thuốc “xuyên tâm liên” trị bá bịnh.

Ban lãnh đạo đảng sẽ không ai mất thì giờ tìm hiểu vì sao họ phạm sai lầm trong quá khứ để tránh lập lại trong tương lai. Họ cũng không cần vận dụng trí tuệ để phân tích tình hình cạnh tranh phức tạp của thế giới hiện tại để tạo một tư thế riêng cho Việt Nam ngày mai. Có thể thói quen ỷ lại vào lãnh tụ (quốc gia cũng như quốc tế) đã làm cho tính lười biếng suy nghĩ của họ trở thành nếp. Ðất nước không thể phát triển bền vững qua các nguồn kiều hối, xuất khẩu tài nguyên, làm gia công và xuất khẩu lao động như ngày hôm nay. Ta nhận thấy đã không thiếu người có thiện chí “thắp đèn” cho đảng “sáng mắt”. CSVN nhắc đi nhắc lại câu “sai sửa, sửa sai” từ mấy chục năm nay và chưa thấy dấu hiệu gì việc này sẽ chấm dứt. Nhưng thực tế thì “càng sửa càng sai” và không chừng nó đã trở thành một định luật.

Vì sao, theo tôi thì nên tìm hiểu đảng CSVN có phải là một “chính đảng” hay không để mà tìm hiểu đảng này có hay không một sách lược tốt để phát triển đất nước. Một điều chắc chắn là đảng CSVN đã có một “đường lối chính trị” làm thế nào để tồn tại và làm thế nào để tiếp tục lãnh đạo đất nước.

3 - Người Việt: Tại sao đảng CSVN thỉnh thoảng chỉ nói nói dân chủ ở trong nội bộ đảng mà không trả lại quyền dân chủ cho dân? Vẫn cứ “đảng cử dân bầu”, vẫn cứ cơ chế “xin-cho”?

Lê Nhân: Ngay cả trong nội bộ đảng cũng chưa có dân chủ như lời thú nhận của ông Võ Văn Kiệt, huống nữa có mà Tết Ma-Rốc cộng sản mới để cho dân đen có dân chủ. Nếu cộng sản thực thi dân chủ cho dân thì chính là nó đã chấp nhận tự mình treo cổ mình, tự mình làm đám ma mình như tôi đã nói. Ông thử nghĩ, cái thằng cộng sản đã 75 tuổi (bằng tuổi Lê Nhân) mà vẫn cứ tự mình hô mình muôn năm, thì làm sao nó thích cái bệnh ung thư dân chủ đang ăn vào lục phủ ngũ tạng nó mà nó rất căm thù?

Âu Dương Thệ: Là một đảng độc tài theo cách tổ chức đảng của Lenin cho nên ÐCSVN không thể nào tự thoát ra khỏi vỏ của mình được, mặc dù đôi lúc có vài tiếng nói trong đảng đòi phải tự dân chủ hóa trong đảng. Gần đây nhất như các thư của cựu TT Võ Văn Kiệt gởi BCHTU và BCT liên quan tới ÐH 10, cũng như một số yêu cầu cầu các cách mạng lão thành. Nhưng cuối cùng những yêu cầu này sẽ không được để ý. Bởi vì nếu một ÐCS tự dân chủ hóa nội bộ thì sẽ không còn là một ÐCS nữa. Một ÐCS chỉ có thể dân chủ hóa nếu nó sinh hoạt trong một xã hội dân chủ đa nguyên. Việc này chúng ta đã thấy diễn ra trong các ÐCS ở các nước EU. Trong các xã hội dân chủ đa nguyên, nguyên tắc dân chủ và cạnh tranh như những mệnh lệnh đối với các chính đảng (cũng như các tổ chức khác) nếu họ muốn tồn tại. Ở VN hiện nay đang vắng bóng một chế độ dân chủ đa nguyên, nên ÐCSVN không phải lo cạnh tranh và vì thế nó cũng không phải dân chủ hóa nội bộ và cũng vì thế nó không thể tự lột xác được.

Nếu hiểu như vậy thì sẽ thấy, một đảng độc tài không bao giờ muốn trao cho dân các quyền dân chủ. Bởi vì như thế là họ đã tự tước bỏ vũ khí độc quyền của họ. Trong lịch sử thế giới chưa thấy có đảng hay nhóm độc tài nào tự nhường quyền cả!

Hà Sĩ Phu: Nói dân chủ thì cơ bản là dân chủ đối với dân. Nhưng dân chủ trong đảng là biểu hiện tối thiểu. Ông cựu thủ tướng Võ văn Kiệt còn phải kêu lên rằng trong đảng chưa có dân chủ thì làm gì mà có dân chủ cho dân.

Về cuộc “xin cho” tôi xin “tiết lộ” một bí quyết để trở thành một ân nhân suốt đời , một cẩm nang mà tôi đã đọc được ở đâu đó:

“ Nhân lúc ta vô tình, đột nhiên hắn dùng hai tay bóp vào cổ ta cho gần tắt thở, tức là hắn chiếm đoạt hết cái quyền tự nhiên vốn là của ta; tất nhiên muốn sống ta phải “xin” hắn, và thế là cứ mỗi lần ta “xin”, hắn lại nới thêm “cho” ta một tý, “cho” ta thêm một tý không khí, ta phải ơn hắn quá đi chứ. Hắn chiếm hết cái vốn của ta, rồi mỗi lần ta xin, hắn lại trích ra phát cho ta một ít, và cứ thế, cái điệp khúc “xin-cho” biến hắn thành ân nhân của ta suốt đời.”

Trương Nhân Tuấn: Hiện tượng đòi hỏi “dân chủ” trong nội bộ đảng CSVN chỉ xảy ra gần đây nhằm đáp ứng sự đe dọa “thâu về một mối” quyền hành đảng vào tay một hay một số đảng viên. Người dân không có “tư cách” gì trong đảng để đòi hỏi dân chủ hết.

“Ðảng cử dân bầu” và cơ chế “xin-cho” là bản chất của một đảng độc tài chuyên chính. Ðảng CSVN là một đảng chuyên chính độc tài nên việc “đảng cử dân bầu” và cơ chế “xin-cho” là đương nhiên vì nó thuộc bản chất.

4 - Người Việt: Hiến Pháp ghi đầy đủ các quyền căn bản của công dân trong khi trên thực tế dân không có quyền gì cả. Thí dụ, dân không được ra báo, xuất bản. Ai nói gì trái với ý đảng và nhà nước thì bị tù hay quản chế? Làm thế nào thay đổi được tình trạng này?

Lê Nhân: Các ông và chúng tôi đều biết cộng sản nói cái gì thì phải hiểu ngược lại? Hiến pháp của nó là hiến pháp lừa ông ơi! Tôi cho rằng anh Nguyễn Văn Thiệu đã nói lên một chân lý: “Ðừng nghe những gì cộng sản nói. Hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Nếu sau này đất nước tự do, Lê Nhân đề nghị sẽ tạc câu nói bất hủ này của anh Thiệu trên tường mặt tiền tòa nhà quốc hội ở Hà Nội. Làm thế nào để thay đổi được thực trạng tù đầy bắt bớ người bất đồng chính kiến trong nước, làm thế nào để gây sức ép bắt cộng sản phải làm điều nó đã hứa? Làm thế nào ư, thà ông bảo tôi dạy tiếng Pháp cho con chó vàng nhà tôi còn dễ hơn bảo cộng sản làm điều ngay thẳng! Chỉ có nước, chúng ta phải lật đổ nó mà thôi! Mà lật đổ nó bằng cách nào thì ông và tôi đều đang bí! Ở hải ngoại các ông có điều kiện tác động lớn vào trong nước để thay đổi chế độ, nhưng như ông thấy, có bao nhiêu tổ chức chống cộng ở hải ngoại thì hầu như cũng đều đang bận rộn chuyện... chống nhau! Thế thì còn nói chuyện lật đổ cộng sản thế nào được, thưa ông?

Âu Dương Thệ: Quy luật chung của độc tài (đảng trị hay cá nhân) là không muốn nghe những tiếng nói khác trái với lỗ tai của mình. Phần lớn các vua chúa thời xưa đã như vậy, các chế độ độc tài hiện đại cũng xứ trí như thế. Ðôi lúc họ đưa ra một vài chiêu bài nào đó có tính cách dân chủ, nhưng chỉ là hình thức. Thậm chí họ còn có tác phong mang nặng tính cách “cha chú” về dân chủ tự do... Những chế độ độc tài thường có một tâm lí coi đó là cái quyền ban phát của họ. Họ cho ai, như thế nào... được coi là sự ban ơn của họ.

Việc này hoàn toàn trái với nguyên tắc hành sử của nhà cầm quyền trong một chế độ dân chủ đa nguyên theo pháp trị. Tại đó các quyền tự do dân chủ của người dân là những gì bất khả xâm phạm. Nếu tổng thống hay thủ tướng vi phạm vào các quyền căn bản này của người dân thì bị xử đúng theo pháp luật. Nhiều thí dụ liên hệ chúng ta đã thấy diễn ra ở Mỹ, Ðức, Pháp,...

Hà Sĩ Phu: Thay đổi tình trạng này ư, đó là toàn bộ bài toán dân chủ hóa đất nước, đó là nội dung của một cuốn sách lớn.

Trương Nhân Tuấn: Cốt lõi ở đây là điều 4 và tính đề cao giai cấp của bản hiến pháp. Một khi đảng tự xưng là giai cấp đại diện cho mọi giai cấp trong xã hội thì việc gì cũng có thể giải thích suông sẻ. Ai nói dân không được ra báo? VN có hàng trăm, hàng ngàn tờ báo. Ai cũng biết đó là báo của đảng nhưng đảng không phải đại diện cho dân hay sao? Báo ấy của dân là vì thế. Việc nói trái ý đảng cũng thế. Trái ý đảng là trái ý dân. Trái ý dân thị bị tù là phải rồi. Bị quản chế là may!

Ðể thay đổi tình trạng này đương nhiên phải hủy bỏ điều 4 của hiến pháp cũng như dẹp bỏ khái niệm về phân chia giai cấp và đề cao giai cấp theo kiểu Marx.

5 - Người Việt: Ông nghĩ gì về các cuộc vận động dân chủ hóa đất nước? Tại sao nhà cầm quyền CSVN khi vẫn tự nhận là “của dân, do dân và vì dân” mà lại bóp cổ, bóp miệng những người đòi dân chủ hóa đất nước?

Lê Nhân: Ôi cộng sản xưa nay là chúa nhận vơ (nhận vơ là vợ thằng Nhân - không phải vợ thằng Lê Nhân tôi đâu đấy!) Câu “của dân, do dân, vì dân” là của Ngài Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln mà ông Nông Ðức Mạnh bảo là lời Bác Hồ dạy thì có chết cười chưa nào? Cộng sản với chủ thuyết độc quyền chân lý, không đời nào nó chấp nhận chuyện dân chủ tự do. Nó nói láo cả đấy! Dân biết tỏng ra mà cóc dám ra mặt chống nó vì nó ác quá, nó tìm đến nhà bóp mẹ nó dế anh cho nát cả hai hột sinh dục ra, thì vợ con anh nó sợ mất quyền lợi, phải lạy lục Bác Hồ, rằng thưa Bác kính yêu, bác đừng bóp dế nhà em, để em cấm nó đòi đa nguyên đa đảng cho! Vì Bác bảo Bác mang lại hạnh phúc cho chúng em cơ mà! Mà hạnh phúc của dân thì rất chi là quan hệ tới hai hòn dái của chồng em Bác Hồ ơi! Thế là vì phải giữ gìn hạnh phúc gia đình, chả thằng cha căng chú kiết nào dám đòi lật đổ cộng sản vì sợ Bác Hồ bóp dế!

Âu Dương Thệ: Ðiều này dễ hiểu thôi. Từ trước tới nay có nhà độc tài nào trên thế giới lại nói rằng, họ cai trị theo đường lối độc tài đâu! Cho nên cần đặt câu hỏi ngược lại: Có chế độ độc tài nào lại cho người dân cái quyền tự do dân chủ không? Chỉ hiểu như thế chúng ta mới thấy sự khác biệt như trắng với đen, ngày và đêm giữa quy luật độc tài và quy luật dân chủ!

Cũng chính vì thế, muốn có một xã hội dân chủ thực sự thì mọi người phải đóng góp phần của mình một cách tích cực nhất để phá bỏ độc tài, chứ đừng có bao giờ thờ chủ nghĩa “ngồi chờ sung rụng!”

Hà Sĩ Phu: Thế mới là ngụy biện. Bí quyết trị dân cổ truyền vẫn gồm “cái gậy và củ cà rốt”, nếu có thêm sự ngụy biện thì ít phải dùng đến cái gậy, mà cũng ít tốn cà rốt hơn. Chủ nghĩa Mác-Lê đã cung cấp một khả năng ngụy biện tuyệt hảo.

Trương Nhân Tuấn: Tôi nghĩ rằng ở trong nước, bề mặt sẽ không có bao nhiêu người đang thực sự vận động dân chủ hóa đất nước. Không biết tôi nói thế này có phật lòng quý vị trong Phong Trào Dân Chủ ở trong nước và những cảm tình viên ở hải ngoại hay không? Nhưng từ trong câu hỏi của Người Việt đã có cái kết luận này của tôi. Lý do là đảng CSVN đã nhanh chóng “bóp cổ, khóa miệng những người đòi dân chủ hóa đất nước” rồi.

Tuy nhiên nói vậy không phải là không có cái “loại động vật quý hiếm” ấy ở trong nước. Ðể tồn tại những người tranh đấu cho dân chủ phải như con tắc kè đổi màu thường xuyên. Riêng ở hải ngoại thì các cuộc vận động của cá nhân hay tổ chức chỉ có hình thức ủng hộ. Việc làm này tương tự như “mưa dầm thấm đất”, lâu ngày thì cũng có kết quả thôi.

6 - Người Việt: Ông hy vọng và nghĩ gì ở đại hội đảng CSVN khóa X và cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới?

Lê Nhân: Tôi chẳng hy vọng gì vào những món bánh vẽ láo khoét của cộng sản rêu rao! Chúng nó là anh bìm bịp, bịp bợm giả hình... đủ mọi trò hèn hạ, lưu manh.

Âu Dương Thệ: Những người bảo thủ và tham nhũng trong BCT ÐCSVN cần ý thức rõ rằng, nếu cứ dùng các thủ đoạn gian xảo để tiếp tục nắm quyền trong ÐH 10 sắp tới thì không có nghĩa là họ đã chiến thắng trọn vẹn, mà chỉ là một thắng lợi đoản kì mà thôi. Sau ÐH 10 họ sẽ phải đối phó với những chống đối từ nhiều phía, không phải chỉ từ những người dân chủ, chuyên viên, tôn giáo mà cả ngay trong nội bộ ÐCSVN. Vì trong thời gian qua nhiều cán bộ đảng viên, kể cả các tướng lãnh và cách mạng lão thành còn lương tâm và tự trọng đã rất kiên tâm, nhã nhặn và khuyên nhủ họ phải tự biết điều. Cho nên, nếu những phần tử bảo thủ và tham nhũng thắng trong ÐH 10, không sớm thì muộn sẽ nổ ra đấu tranh lớn và rất mạnh trong nội bộ ÐCVN!

Hà Sĩ Phu: Bao giờ cũng nên hy vọng, nhưng điều Lý trí mách bảo vẫn quan trọng hơn. Hiện nay Lý trí khoa học chưa cho ta những căn cứ để hy vọng gì nhiều.

Trương Nhân Tuấn: Không hy vọng gì hết, ngược lại, tôi rất thất vọng và buồn cười khi nghe ông Nông Ðức Mạnh nói đến “tài và đức” là tiêu chuẩn tuyển nhân sự lãnh đạo nhân Hội Nghị Trung Ương lần 13 đang xảy ra. Tiêu chuẩn này cũng như tiêu chuẩn “con người mới XHCN” trong quá khứ, rất thiếu thực tế. Tôi thấy ông Mạnh ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng chính trị phong kiến Ðông phương hơn là tư tưởng dân chủ cởi mở Tây phương. Ngày hôm nay không ai nói đến việc tìm người tài đức như ông Mạnh mà chỉ nói đến xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị.

Tôi nghe người ta khen rằng ông Mạnh là người rất có lòng với đất nước, nhưng rõ ràng qua ý kiến này thì ông Mạnh lại muốn đất nước thụt lui. Tôi có nghe lầm chăng?

Tuy nhiên, ít ra ý nguyện của ông Mạnh cho ta biết một điều là lớp lãnh đạo đất nước hiện nay đều thiếu cả “tài” lẫn “đức”. Vì thiếu nên ông Mạnh mới đặt tiêu chuẩn đi tìm.

7 - Người Việt: Liệu ý kiến của ông Võ văn Kiệt nói trên báo điện tử VietnamNet ngày 28-12-2005 là Quốc hội chỉ cần quá bán (hơn 50%) là đảng viên CS cũng đủ. Và QH này cũng cần phải là một quốc hội “chuyên nghiệp” tức không phải là các người nắm giữ các chức vụ trong đảng và chính quyền, có khả thi không. Giả sử như điều này xảy ra nhưng lại vẫn cung cách bầu cử kiểu “đảng cử dân bầu” với kết quả đầu phiếu 100% thì liệu có thể gọi là “dân chủ” không?

Lê Nhân: Tuyệt đối không! Dân chủ thì quốc hội phải là cơ quan lập pháp cao nhất của một đất nước! Quốc hội của cộng sản chỉ là quốc hội bù nhìn, quốc hội tay sai, quốc hội gì mà chỉ như con chó trông nhà cho cộng sản vậy? Lê Nhân thì tức điên lên mà tốc mẹ nó váy ra (à quên, Lê Nhân không có váy), y chang mụ mất gà mà chống nạnh, xỉa tay chửi rằng: Bà thì bà chỉ có mà CUỐC mẹ nó cái HỘI của chúng mày ra thôi, quân lửa đảo chuyên nghiệp ạ!

Hà Sĩ Phu: Những thay đổi ấy, nếu có cũng rất tốt, nhưng cũng chỉ là những thay đổi mang tính “số lượng”, chưa phải “chất lượng” đối với một tổ chức Quốc hội.

8 - Người Việt: Theo ông thì liệu đến bao giờ đất nước Việt Nam có dân chủ thật sự?

Lê Nhân: Vâng, khi nào ông thấy nhật báo Người Việt lục tục dọn tòa soạn về Hà Nội, nhanh chân sang được ngôi biệt thự (ngang lâu đài) 71-Hàng Trống Hà Nội, hiện đang là trụ sở Bộ biên tập nhật báo Nhân Dân của đảng cộng sản, thì lúc đó, tôi và ông đều tin chắc rằng Việt Nam ta đã có dân chủ thực sự!

Xin cám ơn báo Người Việt đã hỏi han kẻ dân đen con cà con kê có tính tình rất chi là cóc nhái này, chúc cho mau tới ngày Lê Nhân đến tòa soạn báo Người Việt ở Hà Nội để nhận báo biếu và nhuận bút một bài mới viết xong, in vào ngày Tết năm 2010 chẳng hạn, khi đó Lê Nhân còn chưa bằng tuổi anh Hoàng Minh Chính hôm nay, người đang bị bom hạt nhân cứt mắm tôm của đảng cộng sản ném vào nhà như pháo kích, à như pháo hoa dân chủ xã hội chủ nghĩa nó vốn rất nặng mùi như vậy đó, thưa ông!

Cho phép Lê Nhân mượn gió bẻ măng mà cầu chúc cho bà con ta ở hải ngoại năm mới Bính Tuất AN KHANG THỊNH VƯỢNG, chúc đất nước mau đến ngày tự do, chúc báo Người Việt mau về Hà Nội để có thể ra tới 1,000,000 số/ngày cho cánh viết báo thêm thu nhập, đặng mua cho con mẹ đĩ 70 tuổi đang hồi xuân đợt ba cái váy con đầm xòe, để nó xòe (xoa... bóp) mạt chược cho zui zẻ...

Âu Dương Thệ: Trong năm nay (2006) chưa thể có dân chủ sơ đẳng ở trong nước thì nói chi tới dân chủ thực sự được. Theo quy luật chính trị thì không bao giờ nhóm độc tài tự nhượng quyền, trả quyền lực lại cho nhân dân. Chính Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch MTGPMN và Chủ tịch MTTQ, vài năm trước khi mất đã thất vọng vì những mơ ước hão huyền của ông về việc nhóm lãnh đạo CSVN sẽ trả lại dân chủ tự do cho người dân sau chiến tranh, cho nên đã phải tuyên bố là, dân chủ tự do không phải ai cho mà phải đứng lên đòi lấy! Gần đây cựu TT Võ Văn Kiệt cũng đã cảm nhận thấy như thế!

Do đó con đường duy nhất để thay đổi chế độ chính trị ở VN từ độc tài sang dân chủ đa nguyên là cuộc vận động chính trị của toàn dân ở trong và ngoài nước. Trong đó với sự hợp sức của các thành phần dân chủ, các nhân sĩ, chuyên viên, các tôn giáo và cả những người tiến bộ trong ÐCSVN. Cuộc vận động chuyển hóa đất nước sang dân chủ đa nguyên trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp phi bạo lực. Với cách làm như thế chúng ta sẽ huy động tối đa không những được đa số nhân dân hưởng ứng mà còn được sự ủng hộ của quốc tế, quan trọng nhất là Mỹ, EU, Úc,...

Cho tới thập niên 80 của thế kỉ trước không một chính khách nào, từ Tổng thống Mỹ Reagan hay Thủ tướng Ðức Kohl lúc đó dám bảo rằng, Liên xô sẽ sụp đổ, bức tường Berlin sẽ sập và nước Ðức sẽ thống nhất. Trong dịp lễ Quốc khánh 1989 của Ðông Ðức, Honecker, Chủ tịch đảng CS Ðông Ðức và Chủ tịch nước Ðông Ðức, đã từng tuyên bố, bức tường Berlin sẽ còn đứng vững cả trăm năm nữa! Nhưng chỉ vài tháng sau nhân dân Ðông Ðức đã đục sập bức tường ô nhục và nước Ðức thống nhất không phải tốn một viên đạn!

Ở VN cũng thế, không ai có thể tiên liệu là bao giờ đất nước ta sẽ chuyển sang dân chủ đa nguyên. Nhưng có một điều chắc chắn mà đại đa số đồng ý là, chế độ độc tài đảng trị đang lội ngược dòng chảy của trào lưu chính trị thế giới. Cho nên nhân dân trong nước và các cộng đồng VN ở nước ngoài cần kết hợp tốt hơn nữa và có những sách lược đấu tranh hiệu quả hơn thì đất nước ta sẽ chuyển nhanh hơn và gọn hơn vào quỹ đạo dân chủ đa nguyên! Ðó sẽ là một mùa Xuân mới cho dân tộc Việt Nam!

Hà Sĩ Phu: Ðiều lý trí mách bảo tôi mà tôi sẽ nói sau đây cứ dày vò tôi, nó hoàn toàn dày đạp lên khát vọng của tôi. Tôi muốn nhắc lại điều tôi vừa nói: Bao giờ cũng nên hy vọng, nhưng điều mách bảo của Lý trí còn quan trọng hơn.

Trong điều kiện Việt Nam, khó có chuyện thay hoặc biến một chai nước mắm rởm thành một chai rượu ngon được đâu. Cứ kiên trì lấy bớt nước mắm ra, cho thêm rượu vào, mỗi lần như thế thì chất rượu nhiều lên một chút. Làm nhiều năm thì rượu ấy tạm uống được, uống quen thì thành “đặc sản”. Còn nếu phẫn chí, ngại khó thì cứ húp nước mắm vậy thôi. Không nên an phận AQ , nhưng không cẩn thận lại dễ bật thành Chí Phèo. Chí Phèo thì nổi danh nhưng chẳng làm cho ai sợ cả, họa chăng chỉ dọa hoặc lòe được người lương thiện.

Có người bảo ông Trời bắt dân Lạc Hồng mình phải trả hết món nợ truyền kiếp, trả xong mới được lên Niết Bàn. Nói cho “cùng kỳ lý” thì phải như vậy, để khỏi ảo tưởng. Song nếu thành tâm, tỉnh táo, kiên trì, thì đột biến một lúc nào có thể bất ngờ sẽ đến, vì có “tận nhân lực” mới “tri thiên mệnh”. Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân, đấy là cái đối cực ấm tình người, nó cân bằng lại sự mách bảo của khoa học lạnh lùng. Tôi không dám tiên tri, không bao giờ dám làm kẻ tiên tri, chỉ xin tự răn mình như vậy.

Trương Nhân Tuấn: Xin phân tích hai câu đã trở thành “châm ngôn” của cả hai phe CS và “dân chủ”: “Phải có con người XHCN để xây dựng CHXH” hoặc “Phải có con người dân chủ để xây dựng một xã hội dân chủ”. Theo tôi hai câu “châm ngôn” này đều có tính chận đầu chân lý. Ðố ai “cân, đo, đong, đếm” được tiêu chuẩn “XHCN” hay “dân chủ” của hai loại con người ấy. Còn nói đến đào tạo những loại người ấy thì lại càng không tưởng vì tìm đâu ra thầy dạy? Bản chất của con người phải chăng đã là tham quyền, tham tiền, thích ăn ngon mặc đẹp, ăn trên ngồi trước, v.v...? Nếu theo lý luận này thi e rằng dân chủ sẽ mãi là giấc mơ như giấc mơ thiên đường cộng sản.

Cái cốt lõi vấn đề, theo tôi là bản Hiến Pháp Dân Chủ và làm thế nào để bộ luật căn bản gọi là hiến pháp này được áp dụng một cách đồng bộ, đồng đều, một cách “pháp bất vị... đảng” đến mọi người trong xã hội. Tức là làm thế nào để có một nhà nước dân chủ pháp trị.

Trở lại câu hỏi, làm gì để có dân chủ thật sự, thì hãy nhìn các nước trên thế giới họ xây dựng đất nước họ như thế nào mà họ giàu mạnh như hôm nay. Họ làm thế nào thì ta làm y như thế ấy. Họ làm được thì ta làm được. Ðại Hàn, Ðài Loan... là hai thí dụ. Dân chủ thì không có Copyright nên đừng ngại việc copy. Nhưng e rằng trong 2006 khó mà làm được việc này.

Mưa dầm thấm đất, nước chảy đá mòn. Bao giờ thì không biết đến bao giờ nhưng chắc chắn dân chủ thật sự sẽ đến với những người thật sự khao khát nó. Nói chung, khi mà dân muốn, tức trời muốn, thì Việt Nam sẽ có dân chủ.

9 - Người Việt: Bốn vị linh mục công giáo tranh đấu đòi tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam, hồi tháng 12-2005, đưa ra lời kêu gọi dân chúng tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội Việt Nam vào năm 2007, nếu là cuộc bầu cử độc diễn của đảng CSVN, cũng như đòi CSVN phải tổ chức cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu có sự giám sát của quốc tế. Ông nghĩ sao?

Âu Dương Thệ: Trong việc đấu tranh có thể giữ thái độ tiêu cực, thụ động hay thái độ tích cực, chủ động. Tẩy chay một vấn đề gì đó được coi là chọn thái độ tiêu cực, thụ động. Chọn thái độ như vậy thì không thể tạo ảnh hưởng thuận lợi vào tình hình được. Thí dụ như trước đây có những người đòi phải tẩy chay trong buôn bán với VN, hay tẩy chay không gởi tiền về giúp thân nhân, bạn bè trong nước, hoặc tẩy chay không về thăm quê hương... Thực tế đã cho thấy, các thái độ tẩy chay này đã không có tiếng vang.

Ngược lại, tìm cách giúp đỡ thân nhân để họ tạo cuộc sống tự lập; hay giúp đỡ những người dân chủ đang bị tù đày, mất công ăn việc làm; hoặc trợ giúp các tôn giáo độc lập, cơ quan từ thiện, y tế, xã hội của tư nhân để họ ít bị lệ thuộc hơn vào chế độ độc tài lại là những công việc ngày càng được nhiều người Việt ở nước ngoài hưởng ứng, vì họ thấy rõ những lợi ích thiết thực.

Thái độ đấu tranh tích cực và chủ động này đang làm cho chế độ độc tài mất ăn mất ngủ, vì nó với thời gian đang làm tan từng mảng bức màn sắt ngăn cách chúng ta với đồng bào ở trong nước. Chính Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên BCT và đứng đầu lãnh vực lí luận và tư tưởng của chế độ, gần đây trong một bài quan trọng đã phải lồng lộn lên như đỉa phải vôi, vì sự liên kết trong ngoài ngày càng gia tăng và kiến hiệu trong việc đấu tranh cho dân chủ đa nguyên.

Sau khi Liên xô sụp đổ kéo theo sự tan rã hàng loạt các chế độ độc tài và sự hình thành nhiều chế độ dân chủ đa nguyên không chỉ ở Ðông Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Trào lưu dân chủ đang chiếm một vị thế chủ động trong giai đoạn toàn cầu hóa. Chế độ độc tài đảng trị ở VN cũng không thể thoát ra ngoài trào lưu này. Cho nên những người dân chủ và các tôn giáo nên biết khai thác những lợi thế và sức mạnh của thời đại, chọn thái độ tích cực, chủ động và tìm ra những sách lược thích hợp để đấu tranh đưa cuộc vận động giải thể độc tài và thành lập chế độ dân chủ đa nguyên ở VN sớm đến thành công!

Trương Nhân Tuấn: Câu hỏi này liên quan đến tôn giáo và chính quyền. Các nước văn minh đều ghi rõ trong hiến pháp việc tách rời tôn giáo ra khỏi chính quyền. Theo tôi thấy thì khi các vị linh mục kêu gọi “tẩy chay” cuộc bầu cử Quốc Hội vào năm tới, những người này lấy tư cách cá nhân, tư cách công dân để phát biểu. Vì thế họ có quyền phát biểu.

Tôi nghĩ những người yêu chuộng dân chủ không ai thích cảnh “đảng cử dân bầu” và cũng không người nào chấp nhận một cuộc bầu cử gian lận. Việc đòi hỏi một cuộc bầu cử “phổ thông đầu phiếu có sự giám sát của quốc tế” của các vị linh mục rất chính đáng trong hoàn cảnh chính trị hiện nay tại Việt Nam. Việc kêu gọi tẩy chay cũng sẽ chính đáng nếu cuộc bầu cử năm 2007 giống như là các cuộc bầu cử trong quá khứ, tức “đảng cử dân bầu”. Nhưng tôi e rằng việc này sẽ không đơn giản khi thực hiện. Với tình trạng truyền thông hiện nay tại VN sẽ không mấy ai nghe lời kêu gọi này. Vì thế không khéo lời kêu gọi tẩy chay sẽ có một tác dụng ngược lên uy tín cá nhân của những người kêu gọi ./.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ