LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu

Trò Chuyện Với Ông Hà Sĩ Phu


Tiết mục Người Việt Đó Đây (của chương trình Chân Trời Mới phát thanh về Việt Nam mỗi tối từ 8:30 đến 9:30 trên làn sóng 1503AM) cách đây hai tuần đã trân trọng giới thiệu đến quý thính giả Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhân vật tiêu biểu của tầng lớp trí thức tiến bộ hiện nay tại Việt nam. Cũng trong chương trình đó, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang chia sẻ về cuộc gặp gỡ với ông Hà Sĩ Phu, tức Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ, tại Đà Lạt.

Hôm nay Nguyệt Như rất hân hạnh được tiếp chuyện với ông Hà Sĩ Phu. Ông Hà Sĩ Phu là một nhà khoa học về Sinh học, nhưng nhiều người cho rằng ông cũng là một nhà khoa học Nhân văn, dù không tốt nghiệp trường lớp Nhân văn nào cả. Những công trình nghiên cứu qua các tác phẩm của ông đã minh chứng được những lý luận sâu xa, vững chắc, có tính triết học và khoa học của thời đại.

Ông Hà Sĩ Phu là người góp công rất lớn đánh đổ cả học thuyết Mác-Lê và những huyền thoại chung quanh các lãnh tụ nào núp sau học thuyết này.

Vậy ông Hà Sĩ Phu là ai mà vừa có khả năng, vừa cả gan đánh đổ cả một học thuyết như thế ?

1. Nguyệt Như: Nguyệt Như xin kính chào ông Hà Sĩ Phu. Thưa ông, nói đến tên tuổi Hà Sĩ Phu thì đa số những người quan tâm đến Việt Nam, dù là người Việt hay không phải Việt đều biết. Thế nhưng người ta biết đến các tác phẩm của Hà Sĩ Phu thì nhiều, xong lại biết rất ít về cá nhân Hà Sĩ Phu. Vậy Nguyệt Như xin phép ông cho biết vài nét chính về tiểu sử của mình.

Hà Sĩ Phu: Chào chị Nguyệt Như. Tôi tên thật là Nguyễn Xuân Tụ, sinh năm 1940, người xã Song Hồ là xã có nghề vẽ tranh Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thuở nhỏ tôi học chữ nho. Trước 1954 học Trung học ở Hà nội. Giai đoạn sau 1954, tôi tốt nghiệp Khoa Sinh vật học trường Đại học tổng hợp Hà Nội, giảng dạy tại trường Đại học Dược khoa Hà Nội, nghiên cứu tại Viện Dược liệu Hà Nội. Sau 4 năm nghiên cứu và bảo vệ Luận án Phó tiến sĩ về nuôi cấy tế bào tại Viện Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc, tôi về nghiên cứu tại Viện Khoa học Việt Nam - Phó giám đốc Phân viện Khoa học Đà Lạt, ... rồi về hưu. Tham gia Hội Văn học ở Lâm Đồng do nhà thơ Bùi Minh Quốc làm Hội trưởng, từ đấy viết văn thơ và lý luận.

2. Nguyệt Như: Xin ông cho biết vài nét về lĩnh vực chuyên môn mà ông có trách nhiệm, trước khi ông ngừng hẳn công việc nghiên cứu này ? Và theo ông thì lĩnh vực khoa học này tại Việt Nam so với tầm nghiên cứu và phát triển của thế giới thì như thế nào ?

Hà Sĩ Phu: Từ năm 1970, tôi thuộc những người đầu tiên ở Việt nam nghiên cứu về nuôi cấy mô và tế bào thực vật để nhân giống cây thuốc quý và sản xuất "sinh khối" nhằm thu hoạch các chất thuốc quý cũng bằng phương pháp nuôi cấy tế bào. Ngoài những đề tài nghiên cứu về sự phân hóa tế bào và quy luật tổng hợp các sản phẩm của tế bào dưới ảnh hưởng của các chất điều khiển sinh trưởng, tôi đã tạo ra một phương pháp định lượng mới, cho phép chỉ dùng 20mg sinh khối mà cùng một lúc định lượng đồng thời được cả 3 nhóm chất (sterol, sapogenin và glycoalcaloid), quy trình này là công cụ phân tích rất thuận tiện trong lĩnh vực này. Một số phòng thí nghiệm đã áp dụng.

Lĩnh vực nuôi cấy mô và tế bào thực vật ở nước ta mới xuất hiện từ những năm 1970 còn rất mới mẻ so với thế giới. Những năm gần đây nước ta đã có nhiều thành tựu trong việc nhân giống, nhưng trong việc sản xuất "sinh khối" và hoạt chất thì chưa có thành tựu gì đáng kể, vì cần đến sự phối hợp của nhiều ngành khoa học và công nghệ tiên tiến khác, mà ta chưa có điều kiện.

3. Nguyệt Như: Được biết ông đã từng đi du học tại Tiệp Khắc. Thời kỳ đó Đông Âu vẫn còn thuộc khối Cộng sản. Ông có cơ hội đi thăm viếng các quốc gia trong vùng này không ? Và chuyến đi du học này có góp phần nào trong những suy tư của ông về Chủ nghĩa Cộng sản không ?

Hà Sĩ Phu: Trong những năm du học ở Tiệp Khắc, tôi đã đi qua Trung Quốc, Mông Cổ, Ba Lan, Liên Xô và đã sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức. Ngoài lĩnh vực chuyên môn, những điều tôi thu hoạch được trong cuộc viễn du này là: Nhân dân ở đâu cũng rất nhân hậu, nhưng dưới chế độ Cộng sản nhân dân bị nhồi sọ và bị phân hóa sâu sắc, làm khổ lẫn nhau. Khắp nơi trong phe XHCN đều thể hiện tính chất nhồi sọ bằng tuyên truyền và sự áp đặt bằng bạo lực. Đặc biệt là ở Tiệp Khắc tôi còn thấy rõ sự áp đặt bằng bạo lực của Liên Xô; sự ôn hòa nhưng rất thông minh của người Tiệp và sự nung nấu ngấm ngầm chống lại sự bất công và phi lý. Điều này đã củng cố cho những nghi ngờ của tôi đối với chủ nghĩa Mác từ khi tôi còn là sinh viên. Cho nên sau này, tôi đặc biệt kính trọng cuộc "Cách mạng nhung", kính trọng tổng thống Vaclav Havel, người trí thức anh hùng của nhân dân Tiệp Khắc.

4. Nguyệt Như: Bài Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ được hoàn tất ngày 2-9-1988, tức ngày Độc lập (Quốc khánh) của CHXHCNVN. Trước hết ông nghĩ sao mà chọn ngày 2 tháng 9 làm ngày hoàn tất bài tham luận của mình? Và ông mất bao lâu để biến những trăn trở, suy tư này trở thành những cuộc nghiên cứu tìm hiểu chủ nghĩa Mác-Lê, để rồi kết luận rằng con đường đi tới, con đường tiến hóa phải bằng Trí tuệ ?

Hà Sĩ Phu: Bài Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ tôi hoàn tất trước ngày mồng 2-9-1988 khoảng vài ngày, nhưng tôi quyết định đề đúng ngày kỷ niệm đó cho dễ nhớ. Vả lại nội dung bài viết của tôi về một ý nghĩa nào đó cũng liên quan đến ngày này.

Tôi là người vốn nặng tư duy lý luận, nên tôi trăn trở về học thuyết tiến hóa Mác xít từ khi tôi học nó cùng với học thuyết tiến hóa Darwin. Tôi thấy Mác trái với Darwin, mà Darwin mới là khoa học, là quy luật tự nhiên. Suy tư "bất đồng" của tôi với Mác cứ được thực tế củng cố dần, nhưng tôi bận nhiều việc chuyên môn nên mãi đến năm 1988, tức là 25 năm sau, sau một buổi chuyện trò của tôi với một số bè bạn và nhà văn tôi mới quyết định cầm bút viết.

Hạt nhân suy tư lúc đầu của tôi gồm 3 điểm: Điểm thứ nhất là mô hình xã hội Mác xít khử mất yếu tố tự do cạnh tranh là nhân tố căn bản thúc đẩy tiến bộ, thay vào đó lại muốn sắp xếp xã hội theo sự chỉ huy chủ quan. Điểm thứ 2 là Mác coi nhẹ vai trò của cạnh tranh Trí tuệ là nhân tố tiến hóa đặc trưng ở loài người. Điểm thứ 3: tôi thấy phải chia mọi người thành 3 loại Duy lý, Duy tín và Duy lợi. Những người Mác xít tuy gọi Chủ nghĩa Xã hội là khoa học, là thuận quy luật, ... Nhưng thực tiễn cho thấy họ không phải những người Duy lý, mà luôn Duy lợi và Duy tín. Xã hội chủ nghĩa khử mất yếu tố Duy lý nên khó phát triển và khó lòng đối thoại với nhau. Phải viết để phát triển tính Duy lý của xã hội. Khi trong đầu hình thành rõ rệt 3 hạt nhân ấy, tôi bắt đầu tập trung suy nghĩ và viết.

5. Nguyệt Như: Chủ thuyết Cộng sản thì không mấy coi trọng trí thức hay tư duy của thời đại. Trong khi đó hầu hết các bài viết của ông đều đề cao Trí tuệ như là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình canh tân đất nước. Có phải vì thế mà ông thẳng thắn phê bình chủ thuyết Mác-Lê hay có lý do nào khác ?

Hà Sĩ Phu: Lúc đầu tôi viết bài vì thấy cần vạch rõ nhân tố quyết định sự tiến hóa là "sự Cạnh tranh Trí tuệ" chứ không phải sự "đấu tranh Giai cấp, một mất một còn" như hòn đá tảng của chủ nghĩa Mác khẳng định. Tôi muốn sửa chữa một sai lầm về lý luận để xã hội bớt đi tính giai cấp cực đoan và trở nên nhân ái và hợp lý hơn. Việc này hầu như thuần lý luận, xuất phát chủ yếu từ khoa học thôi.

Nhưng rồi tôi nhận ra tính cách rất thấp về Văn hóa của trào lưu Cộng sản và việc đổi mới Kinh tế nhưng vẫn cố thủ, giữ chủ nghĩa Mác-Lê làm bình phong lại càng làm đạo đức xã hội thoái hóa, nhân cách suy đồi thì tôi thấy việc viết lý luận đã trở thành sự thôi thúc của lương tâm, cần viết để dóng lên tiếng chuông, góp phần đấu tranh chống lại hiểm họa thoái hóa xã hội. Và tôi nhận ra tiếng nói nhỏ bé của mình là cùng với mọi người lương thiện và tiên tiến, góp sức đưa xã hội ra khỏi một chủ nghĩa ảo tưởng một cách êm ả, một cách văn hoá.

6. Nguyệt Như: Đến năm 1993, ông hoàn tất bài Đôi điều suy nghĩ của một công dân. Phần kết ông nói: Đảng đã đưa dân tộc sang bờ Độc lập, và đang cùng dân tộc dấn bước trên con đường đến Tự do, Hạnh Phúc. Ta biết ơn chiếc thuyền đã đưa ta sang sông, nhưng sang bờ rồi mà cứ cắm cúi mang chiếc thuyền "Mácxít chỉ huy" trên lưng như cái mai rùa thì tránh sao khỏi người ngoài đàm tiếu và người thân nghi ngờ rằng có sự che đậy hoặc cất giấu cái gì trong đó". Nói cách khác thì chủ nghĩa Mác-Lê không còn ích lợi gì cho con đường canh tân đất nước Việt Nam. Lời kết luận này có vẻ rất có lý, có tình, rất hiền lành nhưng cũng rất vững chắc.

Cho đến 2 năm sau, bài Chia tay Ý thức hệ thì hoàn toàn dứt khoát, nội cái tựa đề không thôi cũng đủ nói lên tính không khoan nhượng đối với Ý thức hệ này. Xin ông cho biết những dòng suy nghĩ tư tưởng của ông trong khoảng thời gian 1993 đến 1995 ? Những yếu tố chính yếu nào đã tạo nên nhân vật Hà Sĩ Phu qua các tác phẩm mà thế giới biết đến hôm nay ?

Hà Sĩ Phu: Do điều kiện rất ngặt nghèo, hạn chế, tôi không tiên liệu được rằng mình sẽ viết một mạch 3 bài lý luận ấy. Viết bài nào cũng nghĩ rằng xong bài ấy là thôi. Nhưng viết xong một bài lại nghĩ kỹ thêm, lại muốn bổ sung cho rõ. Bài thứ 2 (năm 1993) đã khá hệ thống, đến bài thứ 3 Chia tay Ý thức hệ thì suy tư mới thật chín và rõ. Từ 1993 đến 1995 với tôi rất quan trọng; khó khăn của tôi là một bài viết hệ trọng như thế nhưng viết buông tay là gặp rắc rối ngay, rắc rối liền 10 năm trời, không có điều kiện xem lại, sửa lại gì hết. Có gì sai sót do mình, sai sót do "tam sao thất bản" tôi cũng không biết nữa. Về phần mình tôi nghĩ những nhân tố chính yếu đã gắn với bút danh Hà Sĩ Phu của tôi gồm:

a) Thứ nhất, vạch rõ tính phản khoa học, phản quy luật của Chủ nghĩa Mác :

  • Nhân tố quyết định sự tiến hóa của Nhân loại là sự tích lũy và cạnh tranh Trí tuệ chứ không phải sự đấu tranh giai cấp.
  • Bất công xã hội là do quan hệ tương sinh giữa chiếm hữu quyền lực và chiếm hữu tư liệu sản xuất. Dùng sự chiếm hữu quyền lực của Đảng cộng sản để diệt sự chiếm hữu tư liệu sản xuất là sai lầm tai hại. Nó vừa làm mất dân chủ, lại kìm hãm sản xuất, rốt cuộc đâu vẫn hoàn đấy, lại còn xấu hơn. Mác quá chú ý đến quan hệ giầu - nghèo, mà không quan tâm đến một quan hệ gốc rễ hơn là quan hệ 2 cực thống trị và bị trị, nên không phát hiện ra nhu cầu dân chủ. Mác đã hiểu lầm mâu thuẫn cơ bản và giải nhầm bài toán cơ bản của nhân loại. Vấn đề là phải đấu tranh để Dân chủ hóa xã hội chứ không phải lật đổ Tư bản để thiết lập chuyên chính Vô sản.

b) Thứ hai, Vạch rõ công và tội của chủ nghĩa Mác-Lê :

  • Công: Đã phê phán những bất công tàn bạo của xã hội tư bản thời ấy, đã kích thích khát vọng giải phóng, đã tập hợp được lực lượng bị áp bức, giúp nhiều dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang, phát xít, đã tạo ra một "phe" mới tạm thời làm đối trọng với khối tư bản độc quyền, kích thích để chế độ tư bản tự hoàn thiện.
  • Tội thứ nhất : Tạo ra một hệ thống quyền lực tuyệt đối, chặn đứng con đường dân chủ hóa là một nội dung căn bản của tiến hóa nhân loại.
  • Tội thứ hai : Giai cấp thống trị mới được Mác dán cho nhãn hiệu giai cấp bị trị. Mâu thuẫn "thống trị - bị trị" muôn đời vẫn còn nhưng lại bị xóa sổ trong xã hội đảng trị, thế là Mác đã khử mất chỗ đứng của người bị trị, tước hết vũ khí vốn có của họ.
  • Tội thứ ba : Sau một giai đoạn quá độ thực thi chủ nghĩa Mác-Lê tất yếu sẽ hình thành giai cấp tư bản mới. Giai cấp tư bản này mọc ra từ quyền lực chứ không phải từ cạnh tranh kinh tế và sản xuất. Xã hội tư bản kiểu này rất tai hại cả về kinh tế, chính trị và văn hoá. Chủ nghĩa Mác chỉ tạo thêm một con đường để lên tư bản, mà con đường này tai hại hơn con đường tư bản hóa truyền thống.
  • Tội thứ tư : Tạo ra một tập đoàn thống trị đặc quyền, đặc lợi tuyệt đối, nên khi quy luật buộc phải quay ngược hướng đi, thì họ nhất định không chịu "đằng sau quay" mà lại duy trì trật tự để đi vòng, mỗi bước trên con đường vòng này là một cơ hội kiếm chác thêm lợi nhuận siêu ngạch, và thêm một bước làm suy thoái đạo đức xã hội và nhân cách. Tội thứ tư này chỉ xảy ra ở những nước lạc hậu nhất, chưa có nền tảng dân chủ.

c) Thứ ba, về Văn hóa, tôi luôn quan tâm đặc biệt đến khía cạnh Văn hóa của mọi vấn đề lớn nhỏ; đào sâu tính cách Việt Nam, tính cách quân tử và tiểu nhân, những mưu mẹo và ngụy biện, khái quát một Tiến trình 4 bước để đoạt lấy "tiền phong", dự đoán một trào lưu tổng khủng hoảng Nhân cách, ... Có thể đó cũng là những ấn tượng của người đọc về tôi chăng ?

7. Nguyệt Như: Sau khi bài tham luận Chia tay Ý thức hệ được nhiều người biết đến, hàng trăm bài viết và các tác giả thuộc các ngành nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lê trên các tờ báo lớn, nhỏ khác nhau của Đảng và Nhà nước đã phản luận và phần nhiều là tấn công cá nhân ông, nhưng kết quả vẫn không bẻ gẫy được những lý luận của các bài này. Nguyệt Như muốn hỏi ông là các bài viết của ông có được phổ biến ở trên báo chí nào ở trong nước không, hay có được chuyền tay không? Và cuộc tranh luận này có mang tính khoa học gì không thưa ông ?

Hà Sĩ Phu: Chỉ bài đầu tiên, ngắn nhất Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ là tôi được hưởng tý chút cái không khí của tranh luận. Tuy không được đăng, không được cãi lại, nhưng dù sao cũng được bị đánh một cách công khai và bị đánh về tư tưởng và lý luận. Nhưng sang đến bài thứ hai, thứ ba thì chút may mắn ấy cũng không còn, chỉ còn sự hỏi cung của Công an và hoảng nhất là sự giúp đỡ "chân tình", "trên tình làng nghĩa xóm" của những cuộc họp dân phố. Như tôi đã nói ở trên, nếu không có tinh thần Duy lý, mà chỉ Duy tín và Duy lợi thì làm gì có tranh luận khoa học, mà cần gì đến tranh luận khoa học nữa ?

Nhưng niềm an ủi cho tôi đã lớn hơn mọi điều bất hạnh, nhiều người vẫn chuyền tay nhau đọc; không có "kẻ địch" nào đọc tôi cả, hầu hết người đọc trong nước là những cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh, trí thức, văn nghệ sĩ, v.v ... và bây giờ cả những đảng viên cao cấp nữa cũng ngày càng phát biểu giống tôi. Gian nan càng làm tôi yên tâm rằng mình đã viết đúng và viết trúng. Việc ngăn cấm chỉ gây tác dụng ngược.

8. Nguyệt Như: Từ khi bài Chia tay Ý thức hệ được phổ biến trong phạm vi nhỏ hẹp ở trong nước và rộng rãi ở hải ngoại, đời sống của ông được biết là gặp rất nhiều khó khăn. Ông đã bị bắt, bị bỏ tù, bị quản thúc, bị sách nhiễu. Nhà thì bị cắt điện thoại, quán hàng để kiếm sống thì bị gây khó khăn, quyền đi đứng cũng bị tước đoạt, v.v... Nhiều người cho rằng ông là kẻ thù số 1 của chế độ, nên chế độ thù dai là vậy. Tại sao một người ốm yếu như ông, trong tay không có gì khác ngoài vốn liếng trí tuệ, mà lại làm cho cả một hệ thống và guồng máy cai trị to lớn phải ngại đến như vậy thưa ông ?

Hà Sĩ Phu: Quả thực tôi không động đến một vụ chính trị nào, nhưng tôi lại bị quy kết chính trị nặng nề nhất, dai dẳng nhất, quy đến tội "phản bội Tổ quốc" là nặng nhất trong tội hình sự rồi. Tôi đã viết đơn yêu cầu được xử công khai và yêu cầu được xử bắn nếu có tội, mà không được xử, cứ lai rai mãi. Có ai vì những bài viết ấy mà bị thù dai đến thế không thì không rõ. Riêng phần tôi, viết được ra là tôi thanh thản, là tôi trả được món nợ với cuộc đời, nợ với quê hương. Tôi không thù ghét ai cả.

9. Nguyệt Như: Vợ ông, tức bà Đặng Thị Thanh Biên là người đã chia sẻ mọi khó khăn gian truân và thử thách mà cá nhân ông phải gánh chịu một thời gian dài như thế. Bây giờ thì hoàn cảnh sống của gia đình ông như thế nào ?

Hà Sĩ Phu: Bà Biên nhà tôi chỉ vì một lòng thương yêu tôi mà phải nhẫn nhục, chịu hy sinh bao nhiêu quyền lợi thông thường, mà bất cứ người phụ nữ nào xung quanh cũng có. Tôi thương nhà tôi và nhiều khi thấy mình mắc nợ lớn với vợ. (nợ với đời thì trả được, mà nợ với vợ thì mắc nợ hoài). Nhưng nghĩ đến tấm gương của những người hơn tuổi vợ tôi như bà Hoàng Minh Chính, bà Phùng Quán, bà Phùng Cung và những người trẻ tuổi như chị Nguyễn Vũ Bình, chị Phạm Hồng Sơn, v.v... thì tôi thấy những người phụ nữ đáng kính phục cũng còn nhiều lắm. Chuyện bị quy chính trị làm vợ chồng tôi khốn khổ về nhà cửa, gần hết đời vẫn chẳng có mảnh đất hay mái nhà nào là của mình. Nhưng bù lại, chúng tôi có tình thương của bè bạn, đó là mái nhà của chúng tôi. Chúng tôi sống bên nhau vui vẻ, kiên nhẫn và yêu đời.

10. Nguyệt Như: Ông đã gặp được Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang trong một chuyến du hành từ Bắc vào Nam vừa qua. Ông có ngạc nhiên khi Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ghé thăm ông không? Xin ông cho biết vài cảm nghĩ về cuộc gặp gỡ đó.

Hà Sĩ Phu: Tôi biết ông Nguyễn Thanh Giang từ năm 1963, khi cùng ở trong ban Hợp xướng của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng lúc ấy chưa có ấn tượng gì, ngoài giọng hát rất hay của anh bạn sinh viên khoa Lý ấy. (cả ông Hoàng Tiến và Bùi Minh Quốc cũng từ trường Đại học này). Về sau biết nhau qua các bài viết và do vụ hoạn nạn của tôi năm 1995. Trong anh em dân chủ chỉ có tôi, ông Thanh Giang và ông Phan Đình Diệu là dân Khoa học tự nhiên. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ghé qua Đà Lạt tháng 4/2004 vừa rồi thăm anh em chúng tôi chẳng có gì là ngạc nhiên. Đó là một kỷ niệm. Nhưng ngạc nhiên ở chỗ chỉ vì ghé thăm chúng tôi mà chuyến đi của ông gặp trắc trở nặng nề. Sao sự thăm hỏi nhau của những người bình thường như chúng tôi lại được quan tâm đến thế, lại khó khăn đến thế ?

11. Nguyệt Như: Ông nghĩ sao về việc họ bắt giam các ông Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn, v.v... rồi lại thả Lê Chí Quang, giảm án Linh mục Nguyễn Văn Lý, ... rồi lại tiếp tục đàn áp người Thượng, bắt giam Mục sư Nguyễn Hồng Quang, ... Tại sao cái trò bắt rồi thả này liên tục xảy ra như vậy ? Phải chăng không thể không bắt và không thể không thả được ? Tại sao vậy ?

Hà Sĩ Phu: Chị vừa dùng hai lần ba chữ "không thể không", không thể không bắt và không thể không thả là đúng lắm đấy. Cũng như không thể không đổi mới, rồi lại không thể không kìm hãm đổi mới vậy. Cái ý đồ bên trong mãnh liệt quá cũng bất khả kháng, mà cái sức ép của quy luật từ bên ngoài cũng mạnh đến bất khả kháng. Thành ra tiến thoái lưỡng nan. Đi thì cũng dở mà ở thì không xong. Chừng nào cuộc đổi mới chưa phải là tự giác thì hành vi chưa thể nhất quán, sự lúng túng ấy không thể tránh được. Khi sức ép bên ngoài yếu đi là cái ham muốn bên trong lại phình trở lại. Vì bản chất không có gì thay đổi.

12. Nguyệt Như: Có người nói Việt Nam bây giờ thay đổi nhiều lắm. Theo ông thì những thay đổi đó chính yếu là gì? Phục vụ cho ai ?

Hà Sĩ Phu: Hơn mười năm trước, thấy tôi phê phán chủ nghĩa Mác, nhiều người bảo tôi: Xã hội bây giờ thay đổi nhiều lắm rồi ông ạ, người ta có như trước đâu mà ông phê phán. Tôi nói: tôi phê phán chính vì "nó" thay đổi nhiều quá đấy ông ạ! Trong bài Chia tay Ý thức hệ tôi đã phân tích rằng một cuộc thay đổi vì lợi ích của Đảng đã được áp đặt cho dân tộc. Trong tính toán ấy không thấy dân tộc đâu cả. Tôi vẫn giữ ý kiến ấy. "Đổi mới hay không" không quan trọng bằng "Đổi mới như thế nào, theo chiều hướng nào, vì ai mà đổi mới ?".

Nhớ lại bài Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ năm 1988, khi ấy phe XHCN còn nguyên, tôi đã vẽ một sơ đồ, dự đoán thế nào cũng có sự đổi mới Kinh tế nhưng không đổi mới về Chính trị và Tư tưởng. Có lẽ thế thật.

13. Nguyệt Như: Có khuynh hướng cho rằng dùng kinh tế để thay đổi chính trị. Ông nghĩ sao về nhận định này ?

Hà Sĩ Phu: Dùng kinh tế để thay đổi chính trị, tức là thay đổi hạ tầng thì thượng tầng ắt sẽ phải đổi. Nói như thế là nêu một mảng của quy luật chung. Cũng như nói: Việt Nam tất cũng phải đi theo thế giới, cứ hòa nhập là khắc phải thay đổi; cứ chơi với Mỹ là Mỹ nó không để như thế này đâu. Họ ngoan cố cũng chẳng chống được quy luật; thế hệ trẻ sau này họ sẽ làm khác đi chứ lo gì, v.v ....

Những điều ấy là những mảng của quy luật chung, nói thế không sai. Nhưng chân lý mà nói vắn tắt, nói nửa vời, quên đi sự nỗ lực chủ quan, có định hướng thì vô cùng nguy hiểm và không hiểu quy luật. Mọi điều đều có tính hai mặt: có quy luật ắt có lợi dụng quy luật và phản quy luật. Quy luật vừa rất chung lại vừa cụ thể, rất riêng. Dừng ở cái chung là vô cùng nguy hiểm. Kết cục có thể là những cái riêng hoàn toàn ngược với dự tính, ngược với lý thuyết chung.

14. Nguyệt Như: Theo ông thì thành phần nào sẽ góp phần đem lại thay đổi tích cực cho Việt Nam ? Thanh niên, sinh viên ? Thương gia ? Trí thức ? Các nhà văn hóa ? Chính trị gia ?

Hà Sĩ Phu: Thưa chị Nguyệt Như, chính trị - xã hội xưa nay vẫn phân biệt hai yếu tố: Nền tảng và Thời cơ. Dân trí là nền tảng, tất cả những ai góp phần nâng Dân trí đều là tích cực, có công. Kinh tế cũng là nền tảng. Thanh niên, sinh viên vừa là yếu tố nền vừa là yếu tố thời cơ, rất quan trọng. Thế hệ trẻ bây giờ phải khắc phục rất nhiều trở ngại mới xứng đáng với thiên chức của mình. Nhưng trực tiếp thay đổi xã hội thì thời cơ mới là quan trọng. Chính trị gia sẽ biến thời cơ thành sức mạnh. Giữa Doanh gia và Chính trị gia có thể chuyển hóa nhau và hỗ trợ nhau. Ở Việt Nam ngày nay, tôi nghĩ trí thức và các nhà văn hóa đã đi tiên phong, nhưng chủ yếu họ thuộc yếu tố nền, ít có khả năng chuyển hóa trực tiếp thành nhà chính trị.

15. Nguyệt Như: Ông nghĩ sao về viễn ảnh của Việt Nam trong 5 hoặc 10 năm tới nếu vẫn còn chế độ độc tài ? Còn nếu Việt Nam có tự do dân chủ thì theo ông sẽ như thế nào ?

Hà Sĩ Phu: Trước hết chữ "độc tài" có thể làm người cầm quyền khó chịu, nhưng Đảng cộng sản đã tự nhận là Chuyên chính Vô sản kia mà, Chuyên chính với Độc tài thì cùng một nghĩa (vẫn là một chữ Dictator!).

Trong hai lá thư trước đây gửi các ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng tôi đã bộc lộ những suy nghĩ của mình về tích chất đặc thù của xã hội Việt Nam. Việt Nam không có hệ tư tưởng nào hết, cũng không cứng nhắc, không giáo điều, trái lại khả năng thực dụng và thích nghi rất cao. Cả người lãnh đạo và bị lãnh đạo đều như vậy. Mà dân chủ thì chủ yếu là quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo; hai bên cùng thực dụng và tìm được cách thích ứng với nhau thì sẽ khó có đột biến. Chữ "thời cơ" tôi dùng ban nãy cũng chỉ có ý nghĩa vừa phải thôi. Tôi không tin có một mốc thời gian cho một biến cố đột biến nào cả. Độc tài không thể cực đoan, mà dân chủ cũng không chính thống gì. Nghĩa là độc tài cũng nửa vời, dân chủ cũng nửa vời; kiểu Việt Nam là vậy: cứ dần dà, rỉ rả. Một thể bùng nhùng vô định hình, một hợp kim, một hợp chất. Tính chất của hợp chất này thế nào là do tương quan, tỷ lệ các hợp phần trong đó, không có hình mẫu tiền định nào cả. Một hợp chất không có tên trong tự điển.

Chỉ có một điều đáng mừng là xu thế hòa nhập vào cái chung chắc chắn ngày càng tăng lên. Và một điều đáng buồn tôi đã nói từ lâu: Cái gì rồi cũng có cả, xin đừng lo, có thiếu chăng là thiếu một sự tử tế, một phong thái quân tử. Tòa nhà Dân chủ, Nhân quyền Việt Nam hiện nay cũng đủ mọi phòng ốc như các Tòa nhà khác trên thế giới. Chỉ có điều mọi chìa khóa trong tòa nhà Nhân quyền này đều do một bộ máy "Quản trị" tối cao nắm giữ, độc quyền phân phối và thưởng - phạt (phân phối Nhân quyền cũng như phân phối tem phiếu theo tiêu chuẩn); độc quyền mở ra - khóa lại. Trên nguyên tắc quyết không trao chìa khóa cho ai, nhưng thực tế chợ đen luân chuyển trong nội bộ thế nào thì có trời mà biết.

16. Nguyệt Như: Xin ông cho biết những ước nguyện và hoài bão trong quãng đời còn lại ?

Hà Sĩ Phu: Những điều mà lương tâm và đầu óc tôi bắt tôi phải viết, tôi đã viết rồi. Những điều tôi nói hôm nay với chị cũng là nói lại những điều đã viết trước đây thôi. Tôi thanh thản. Nhưng đã hơn một năm nay đầu óc tôi sa sút lạ thường, cứ quên và nhầm lẫn, quên cả những điều rất thông thường, gần như mất khả năng làm việc. Tôi không phải nhà chính trị, tôi thấy thế là đủ. Về hạnh phúc chung, tôi chỉ mong cái Tốt sinh đẻ ra nhanh hơn cái Xấu; của cải của đất nước không bị cướp vào túi riêng hoặc bán đi; người oan khuất không còn oan khuất; mọi người có nhu cầu lắng nghe nhau vì lợi ích chung. Tôi mong thực tiễn sẽ tốt hơn những điều tôi đã viết, tức là mong được ân hận rằng mình đã viết quá tay. Về đời riêng, ngoài câu thơ, câu phú thù tạc, nếu có một lần lại được ra nước ngoài, thăm lại đất nước Tiệp Khắc đầy ân tình của tôi, gặp bè bạn khắp nơi để học thêm những người tài, người tốt để thêm tự hào về Con Người và cuộc sống Con Người. Thế là mãn nguyện.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ