LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Hội luận trong-ngoài về Ðại hội 10 và đảng CSVN

Hội luận trong-ngoài về Ðại hội 10 và đảng CSVN (phần 1)
Hà Sĩ Phu (VN)-Âu Dương Thệ (Đức)

RFA 2006/04/19 21:00
RFA 2006.04.19 Việt Hùng, phóng viên đài RFAÐại hội 10 đảng Cộng sản Việt Nam khai diễn trong bối cảnh vụ tham nhũng PMU 18 đổ bể, dính dáng đến nhiều quan chức trong chính quyền, dư luận xã hội đòi hỏi phải có thay đổi.· Bấm vào đây để theo dõi cuộc hội luận này· Tải xuống để nghe Tiến sĩ Hà Sĩ Phu. RFA PHOTO.Thay đổi như thế nào, trong hay sau Ðại hội 10, đó là những vấn đề được đặt ra trong cuộc Hội luận chính trị trong ngoài nước do Việt Hùng điều hợp với sự tham dự của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một trong những nhà dân chủ hàng đầu tại Việt Nam. Khách mời thứ hai là tiến sĩ chính trị học Âu Dương Thệ từ Cộng Hòa Liên Bang Ðức.Với câu hỏi, qua vụ PMU 18 đã cho dư luận thấy điều gì, trước tiên tiến sĩ Hà Sĩ Phu đưa ra cái nhìn:
Tòa Soạn Đối Thoại (doi-thoai.com): Đối Thoại đã sao chép bài phỏng vấn từ các chương trình phát thanh cuả RFA. Trong mục đích gởi đến độc giả các bài phỏng vấn bằng dạng viết thật nhanh, nếu có sự sơ sót , xin tác giả , độc giả và đài RFA thông cảm. Mời độc giả nghe lại buổi phát thanh để hiệu đính các chỗ sai trước khi xử dụng.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Tôi thấy đây nó là một cuộc giải phẫu đấy, có lẽ nó là "trung phẫu" thôi chứ chưa phải là "đại phẫu" đâu, nó giải phẫu cái cơ thể quyền lực của Việt Nam và cũng là cơ thể chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc giải phẫu này biểu hiện cái gì, cuộc giải phẫu này biểu hiện tình trạng bệnh đã quá quá nặng, nếu không giải phẫu thì không được, không giải phẫu thì nguy. Mặt khác nó cũng cho thấy tương quan giữa "cái chính - cái tà", giữa người tiến bộ với phía bảo thủ đó, cái tương quan này đã khá hơn trước cho nên mới phanh phui được vụ đó ra.
Việt Hùng: Từ bên ngoài, tiến sĩ Âu Dương Thệ, ông có đồng ý với cái nhìn của tiến sĩ Hà Sĩ Phu hay không?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Chúng tôi rất chia sẻ quan điểm của ông Hà Sĩ Phu. Nếu chúng ta theo dõi như ông Phan Diễn hay ông Phan Văn Khải và nhiều nhân vật khác đã cho biết. Các cơ quan điều tra của công an, thanh tra của chính phủ, kiểm tra của đảng và giám sát Quốc hội đã hoàn toàn bất lực trước bọn tham nhũng. Chế độ độc tài đã đẻ ra tham nhũng và các lãnh tụ độc tài đã bao che cho bọn tham nhũng, đây là một qui luật trong chính trị.
Việt Hùng: Cái nguyên nhân chính của mọi nguyên nhân từ đâu mà sau cái vụ việc PMU 18 theo như lời Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, "5 năm trước đã được phát hiện nhưng mà được đảng bao che"?
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Nếu mà nói nguyên nhân xuất hiện những vụ như vụ PMU 18 mà như theo ông Dương Trung Quốc nói đó, nó cả tới hàng nghìn vụ chứ không phải một vụ… Bởi vì chúng ta biết rằng, trước Ðại hội, "bao nhiêu cái bẩn thỉu nó phóng uế thành ra bãi nọ bãi kia" thì rất là khó chịu cho nên người ta thường giữ không khí trước Ðại hội là không khí rất đẹp, thế nhưng đặc biệt Ðại hội này, trước thềm Ðại hội sinh ra một vụ rất bê bối mà chính như lời đại tướng Võ Nguyên Giáp nói, đấy là một thắng lợi, ông ấy nói ngay, ai bao che, chính là đảng, đảng là cái bình phong, ông nói hẳn ra như thế. Tôi thì tôi muốn nói, là cái bình phong này là một cái bình phong sống, nó không phải là cái khối bình phong chết đâu. Cái bình phong này đó nó vẫn ăn uống, nó vẫn bài tiết, chỉ có cái bộ phận gọi là bộ phận vận động của nó thì bị cái độc tố vi khuẩn tham nhũng làm tê liệt thôi, chân tay nó bị tê liệt, các cơ quan vận động của nó là bị liệt rồi. Một cái ý rất hay của đại tướng Võ Nguyên Giáp nói,tức là cái “cơ chế bộ ba” tiêu biểu cho cái nguyên lý lãnh đạo; đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ …. Rõ ràng rành mạch như thế, kết hợp với nhau như thế thì kẻ địch chỉ có chết thôi chứ không có biết phê phán vào đâu được, nhưng mà chính cụ Giáp đã chỉ rõ, chính do bọn tham nhũng, chính do cái lợi quyền cá nhân đó thôi mà nó làm tất cả “bộ ba” tê liệt.
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Chúng tôi thấy rằng, chính chế độ độc tài là nguyên nhân của tất cả những nguyên nhân từ tham nhũng cho đến lộng quyền và tất cả những tệ trạng đang xảy ra trong Việt Nam, bởi vì trong vụ PMU 18 tất cả các cơ quan và các ông lớn đều dính trực tiếp vào, rồi nhiều khi họ cho thân nhân nhảy vào những vụ này để "ăn bẩn" mà không phải ăn bẩn một vài trăm ngàn đồng mà hàng ngàn tỷ đồng vào những công trình xây dựng. Số tiền này là do sự tài trợ của các nước và của các tổ chức tài chánh quốc tế.... Nhưng cuối cùng tiền này là tiền của nhân dân, nhân dân sẽ phải trả vốn lẫn lời sau này, thành thử ra vụ tham nhũng PMU 18 đang là một hoen ố danh dự cho đất nước và sẽ tạo những khó khăn lớn cho Việt Nam đối với các nước và các tổ chức tài trợ cho Việt Nam.
Việt Hùng: Với cái nhìn của các ông, liệu rằng PMU 18 này có được đưa ra tại đại hội 10 này hay không ạ?
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Tôi thấy là một trong những cái trọng điểm của bức thư đại tướng Võ Nguyên Giáp là đại hội phải đưa vụ này ra mổ xẻ trước đại hội và cái đó mới có thể góp phần để xây dựng cái bộ máy sắp tới. Thế nhưng mà ngay sau cái lời phát biểu của cụ Giáp, thì ông Phan Diễn đã thay mặt họp báo và nói rằng đại hội sẽ chỉ đề cập cái vụ PMU 18 để rút ra cái bài học thôi chứ không có dành thời giờ để mổ xẻ phân tích như là một đề tài lớn ở trong đại hội. Thực ra, đó là ngụy biện, bởi vì thế này, vụ án rất lớn mà hiện nay đã xong đâu mà nói tới cái chuyện chỉ cần nói tóm tắt mấy cái bài học là xong, nó đang cần được điều tra, đang cần được phân tích, đang cần được mổ xẻ thì phải mổ xẻ nó, thứ hai nữa là chính trong quá trình mổ xẻ nó mới đem lại những ánh sáng…
Việt Hùng: Qua cái sự trình bày của ông Hà Sĩ Phu, người ta có cảm tưởng rằng ông đang kỳ vọng vào những đại biểu về tham dự đại hội 10 này?
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Vâng, thế người ta còn hy vọng chứ. Tất nhiên cái quyết định là của ban tổ chức thôi, thế nhưng trong cái lời phát biểu của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, tức không phải quan điểm của một mình thủ tướng Kiệt đâu, lại cho rằng đại hội là quyền tối cao, chứ còn cái ban trù bị đó, cái ban tổ chức mà đứng ra lo trước công việc đó cũng chỉ làm phác ra thế thôi, còn có đưa cái nọ cái kia ra không, thậm chí ông Kiệt còn nói là có quyết định họp ngần ấy ngày hay là kéo dài hay là rút ngắn là do chính người trong đại hội quyết định, chứ không phải định thế nào là cứ như thế ấy, nếu như thế các đại biểu đến đại hội chỉ là thừa hành thôi à? Thế cho nên là tôi cũng hy vọng rằng với cái sức chiến đấu và một phần nào hồi sinh trong đảng CSVN, thì những cái người tiến bộ, vì cái quyền lợi của đất nước sẽ đấu tranh để phải đưa được cái vụ này ra thảo luận ở đại hội như là ý kiến của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Việt Hùng: Từ bên ngoài, thì ông Âu Dương Thệ ông nhận định về cái xu hướng của những đại biểu về tham dự đại hội 10 lần này như thế nào?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Chúng ta để ý nữa, phó trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương Đào Duy Quát chiều 17 tháng 4 đã cho biết là đại hội sẽ không đem vụ tham nhũng PMU 18 ra bàn và quyết định này của nhóm lãnh đạo bảo thủ độc tài đã phản ảnh cái quán tính suy nghĩ và hành động của họ là quen ở trong độc tài độc đảng, khi nào họ cảm thấy bám víu được thì họ sẽ không chịu lui, không chịu nhìn vào sự thật và không dám nhận những sai lầm, nhưng có những tin tức cho biết các đại biểu đã nhận được nhiều thông tin về vụ tham nhũng. Nghĩa là trên nguyên tắc có đưa ra những kết luận và đòi hỏi trách nhiệm của những người tổ chức liên lụy hay không? Việc này chúng ta phải chờ đợi trong ít ngày nữa.
Việt Hùng: Nhưng nếu nói như vậy thì phải chăng rằng số đại biểu về tham dự đại hội này, họ sẽ đại diện cho ai?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Nếu câu hỏi của ông thì chúng tôi thấy như thế này, thứ nhất là những ảnh hưởng tiếng nói của đại tướng Võ Nguyên Giáp, của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay của tướng Chu Huy Mân, hay của TBT Lê Khả Phiêu đã có những tiếng nói hiệu lực nhất định của nó. Thế nhưng chúng ta phải để ý và thận trong thêm nữa là trong gần 1200 đại biểu tham dự Đại hội 10 đã được sắp xếp trong các đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố và cơ quan trung ương vào cuối năm vừa qua. Trong đó rất nhiều phần tử đã là vây cánh của nhóm bảo thủ và tham nhũng ở trung ương cũng như ở nhiều địa phương. Cho nên chưa biết thành phần cấp tiến trong các đại biểu có đủ sức mạnh và thuyết phục được thành phần đứng giữa để đòi phải đưa vụ PMU 18 ra thảo luận nghiêm túc và đi đến những quyết định nghiêm khắc đối với những nhân vật dính liếu tham nhũng tày trời này không? Đấy là điều mà chúng ta cần phải theo dõi.
Việt Hùng: Trước khi đóng lại phần I cuộc hội luận chính trị trong-ngoài nước, trong những ngày vừa qua, nhất là giai đoạn cuối này thì ghi nhận có nhiều cuộc vận động hành lang với các nhân vật từ cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, rồi việc lên tiếng của đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng Chu Huy Mân, ông Mai Chí Thọ, ông Lê Khả Phiêu... phải chăng đây là một cuộc tranh dành quyền lực đã đến hồi kết ạ?
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Trước khi trả lời câu hỏi cuối cùng của phần I, tôi xin phép tiếp lời ông Âu Dương Thệ một chút. Ý này rất hay, anh Việt Hùng có hỏi là ý kiến nhân dân mình đều muốn đưa vụ này ra mà lại sợ không có ai ?? để đưa ra trong hội nghị. Vậy tính chất của đại biểu đến dự đại hội có đại diện được cho đa số quần chúng, đảng viên bên ngoài hay đại diện cho nhân dân bên ngoài hay không? Tôi nghĩ ý này rất quan trọng, tôi xin tiếp lời một chút như thế này: Chính đại diện của các vị đi dự đại hội, trước hết phải so với quốc hội: quốc hội là một tổ chức mà tôi nghĩ là gần quần chúng hơn vì nó không phải hoàn toàn đảng mà ông Võ Văn Kiệt còn nhận xét rằng trong 3 chức năng của quốc hội, chức năng đại diện là kém nhất, quốc hội cũng không đại diện được cho nhân dân. Quốc hội thì còn thế huống chi đảng, họ đại diện cho ai để họ ngồi vào đấy. Tôi nghĩ rằng họ cũng chả đại diện gì cho các công nhân đâu, họ cũng không đại diện gì cho giai cấp nông dân cả đâu. Nếu có thì đại diện một chút cho thỏi tiểu nông thôi. Còn số đông phải nghe ngóng để xem xu hướng nào thắng thế để họ theo. Tức là số đông họ đại diện cho anh nào đang thắng thế.
Cho nên, bộ máy cũ khi chỉ đạo bầu ra các đại biểu đi dự đại hội đã là qua sự gạn lọc của mình.Vào đại hội thì họ phải bầu các người mà đã đưa họ ra. Tóm lại là gì, thật ra đại hội tưởng là mới nhưng cũng lại phục vụ cho bộ máy cũ.
Vì thế cho nên hiểu rõ được nguyên nhân rất sâu xa này làm mất tính chủ động của đảng viên, làm mất dân chủ trong đảng. Cho nên tôi nghĩ rằng một trong những ý kiến sâu đậm nhất của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt là yêu cầu vào đại hội, đại hội sẽ quyết định hết.
Việt Hùng: Trở lại câu hỏi liệu rằng đây có phải là cuộc tranh dành quyền lực đến hồi kết không ạ?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Hiện nay, mâu thuẩn chống đối ở ngay trung ương đảng đã tới mức độ rất lớn là những mâu thuẩn về đường lối, chính sách, và tranh giành về nhân sự, chức vị đã bùng nỗ ra ngay trước Đại hội 10. Trong những đại hội trước thì các khác biệt, mâu thuẩn này vẫn có, nhưng ém nhẹm và giải quyết theo cách khác. Tình hình hiện nay có thể nói đến hai điểm quan trọng.
Điểm thứ nhất là khác biệt về đường lối và chính sách đã đạt tới mức cao cho nên giữa các phe đã thấy không thể ngồi chung một chiếu được với nhau nữa.
Điểm thứ hai là những mâu thuẩn và quyền lợi, tranh giành ngôi thứ đã tới mức mà hai bên không thể nhường lẫn nhau.
Đó là hai đặc điểm của Đại hội 10 so với các đại hội trước. Từ những đặc điểm này đã có dư luận nghĩ rằng rất có thể là đại hội 10 sẽ là đại hội chân chính độc quyền cuối cùng của phe nhóm độc tài. Nhưng sự thật ra sao thì chúng ta phải theo dõi để sau Đại hội 10 này sẽ rõ hơn.
Hà Sĩ Phu: Tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận xét của tiến sĩ Âu Dương Thệ. Sự đấu tranh nội bộ là một trong những đặc điểm khác hẳn của đại hội này so với các đại hội trước.
Tức là sự vận động hành lang của những người tiến bộ, sự vận động hành lang rất kiên trì, bề bỉ hàng nữa năm liền của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Gần đây nữa thì đến bài phát biểu rất mạnh của tướng Võ Nguyên Giáp. Mọi người thở phào là quả thực những người có chút lòng với đất nước, đối với sự dân chủ đã mạnh hơn trước rất nhiều. Mạnh và có hiệu quả.
Một biểu hiện hiệu quả là chính phanh phui vụ PMU 18 này ra. Khởi phát của hai bên này gần ngang nhau, làm chúng ta mừng. Nhưng phải kiên trì chờ mấy hôm nữa. Xem là, không khí đó có duy trì được trong đại hội hay không?

Việt Hùng: Trong bối cảnh đại hội 10 đảng cộng sản Việt Nam khai diễn báo cáo chính trị không có gì thay đổi, con đường đi của Việt Nam là chủ nghĩa xã hội trong kinh tế thị trường, trước ngưỡng cửa WTO, trước hội nghị thượng đỉnh APEC vào cuối năm, đó là những thử thách mà Việt Nam sẽ phải giải quyết, trong khi những cái vụ tham nhũng ở cấp cao đã tạo cho Việt Nam nhiều nan đề. Câu hỏi mà dư luận quan tâm nhiều đó là đại hội 10 có giải quyết được những vấn đề hay không?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Theo dõi dư luận báo chí trong nước công khai và bán công khai trong những tuần lễ gần đây thì có thể thấy, đây là lần đầu tiên có một dư luận rộng rãi như vậy trước đại hội 10 so với đại hội trước đây. Nói chung đa số mong rằng cần có một sự thay đổi thực sự và toàn diện trong đảng, từ nhân sự tới đến đường lối và cách tổ chức xã hội thì mới có thể đưa đất nước ra khỏi bế tắc, tụt hậu và nhất là mới giải quyết được nạn tham nhũng và mua quan bán tước đang ngày trở nên quá lộng hành. Nhưng, liệu các chờ đợi chính đáng này có được đại hội 10 đáp ứng hay mọi việc vẫn như cũ, chúng ta phải theo dõi thêm nữa.
Việt Hùng: Từ Việt Nam, cập nhật những thông tin và đánh giá của ông Hà Sĩ Phu thì ông .....?
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Tôi quan sát và nghe ngóng trong nhân dân thì tôi thấy là đã gọi là kỳ vọng đối với một cái đại hội đảng hay là kỳ vọng đối với toàn đảng nói chung thì kỳ vọng là lớn. Và cái kỳ vọng lớn nhất là người ta muốn rằng tất cả những cái đuôi có gắn chữ xã hội chủ nghĩa là được cắt hết đi. Luật pháp là luật pháp chứ không phải luật pháp xã hội chủ nghĩa. Tổ quốc chẳng hạn, tổ quốc là tổ quốc thôi chứ không thể tổ quốc xã hội chủ nghĩa nữa. Tất cả các cái đuôi xã hội chủ nghĩa mà gắn vào danh từ làm cho cái danh từ nó biến tính đi thì phải cắt đi hết. Hy vọng cụ thể vào cái đại hội 10 này thì ta lấy cái gì cho nó thiết thực một chút, chứ còn cái kỳ vọng của dân tộc kia thì chắc không trông mong gì ở cái đại hội này. Ở cái đại hội 10 này thì người ta mong như thế này, người ta nghĩ đến cái câu của ông thủ tướng Võ Văn Kiệt so sánh là cứ rút kinh nghiệm là cứ mỗi lần đại hội thì lại tạo ra một bộ máy tồi hơn cái bộ máy trước, cứ cái sau là kém cái trước như thế tức đây là giai đoạn thoái hóa. Mà quả nhiên như thế, người ta cho là ý kiến này là một ý kiến mạnh dạn và đúng đắn, đúng đắn chính xác lắm. Cái hy vọng của người dân mà đặt vào cái đại hội 10 này “thôi, nhân sự nó có đỡ xấu được chút nào thì tốt chút ấy, đỡ được một vị xấu nào thì tốt vị xấu ấy, thế cũng đã là thắng lợi rồi, chứ còn người tài thì chưa ló ra được, người tài thì bị triệt ngay từ dưới rồi”, đấy là về nhân sự. Chứ còn về đường lối thì mọi thứ ngay buổi sáng hôm nay là thấy đã rõ rồi phải không ạ? Mọi thứ vẫn cứ là xã hội chủ nghĩa, vẫn cứ như cũ đâu có thay đổi gì, đấy là vẫn câu giờ thế thôi. Thế thì, nếu có thể có điều chỉnh thì cũng chỉ có điều chỉnh ít nhiều để mà thích nghi trước mắt với cái việc vào WTO hay là để tránh bớt các cái mũi dùi công kích của quốc tế.
Việt Hùng: Thưa ông Âu Dương Thệ trong phần một hội luận, thì ông cho rằng đại hội 10 có thể là đại hội cuối cùng của chuyên chính độc quyền?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Chúng tôi nghĩ là sở dĩ như vậy đó là hiện nay theo cái tình hình phân tích diễn tiến ở trong trung ương đảng, hai phe, phe cấp tiến một bên, và phe độc tài bảo thủ bên kia, nó khác biệt nhau rất lớn và các bên đã tới một cái giai đoạn mà họ thấy là khó có thể sống chung được với nhau. Đấy là những cái chuyện, những cái điều mà chúng tôi quan sát từ phía ngoài nhìn thấy, không rõ là trong nước thì ông Hà Sĩ Phu có nhìn thấy những vấn đề khác hay không?
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Về việc này thì tôi thấy là các vị ở bên ngoài lại lạc quan hơn chúng tôi đấy. Tôi thấy cái tình trạng nó như thế này. Là nó cứ thích nghi dần dần, dưới sức ép của quốc tế, dưới sức ép của thực tế thì cứ thích nghi dần dần. Trong cái độc quyền, tức là một đảng với tính chuyên chính, thì tôi thấy cái đa đảng có thể dễ xảy ra trước. Nhưng mà nếu xảy ra mà cái anh dân chủ mà không có lực lượng cho nó ra hồn, mà không có xúm nhau vào mà để làm cho nó đàng hoàng thì cái đa đảng ấy chính là đa đảng cuội, cái đa đảng ấy chính là đa đảng do đảng CS đạo diễn. Thế thì, tuy là có đặt cái đa đảng, nhưng cái chuyên chính thật sự lại vẫn cứ còn, tức là cái đa đảng ấy cũng không khác cái chuyên chính là bao, bởi vì vẫn là do một đảng đạo diễn hết thôi.
Việt Hùng: Cả hai ông đều đưa ra ý kiến và cho rằng cái đại hội 10 là đỉnh điểm của sự tranh giành quyền lực, cái toan tính của các cái phe nhóm này, về phía những người bảo thủ đó…
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Về cái toan tính của phe độc tài bảo thủ đó thì chúng tôi thấy là nếu chúng ta theo dõi những đòi hỏi của họ nêu ra trong dự thảo báo cáo chính trị của đại hội 10 và những lời tuyên bố gần đây của ông Đỗ Mười và ông Nguyễn Đức Bình thì họ vẫn muốn duy trì 40 chương sau đây: Về cơ cấu tổ chức sẽ duy trì chế độ độc đảng và tập trung dân chủ, nghĩa là bộ chính trị vẫn đứng trên ban chấp hành trung ương, mà trong thực tế chỉ có vài người trong bộ chính trị chỉ huy toàn đất nước. Về sự liên hệ giữa đảng và nhà nước thì phe bảo thủ độc tài đòi duy trì vai trò thống trị của đảng trong các cơ quan nhà nước, chính phủ và quốc hội. Trong kinh tế, thì nhóm bảo thủ độc tài muốn duy trì các doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo mặc dù lãnh vực này rất thua lỗ, nhưng chúng ta biết đây là nơi kinh tài cho đảng và nơi bòn rút tài sản của nhân dân cho các người có quyền chức. Lý do thứ tư mà chủ trương của nhóm bảo thủ là về vấn đề đối ngoại thì chúng tôi thấy là họ thân về Bắc Kinh, và coi Bắc Kinh là chỗ dựa cả về ý thức hệ lẫn quyền lợi bản thân của họ.
Việt Hùng: Ông Phu, ông có chia sẻ những cái trình bày của ông Thệ hay không ạ?
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Vâng, trong cái cuộc tranh giành quyền lực giữa những người bảo thủ và những người thức thời hơn ở trong đảng, tất nhiên những người thức thời hơn ở trong đảng thì họ gần gũi với dân chủ hơn,họ chưa phải là người dân chủ, nhưng họ gần với những người dân chủ hơn. Đánh giá như tiến sĩ Âu Dương Thệ là rất chính xác, tôi hoàn toàn chia sẻ. Thế, tôi không có nói lại những cái cụ thể nữa, bây giờ tôi chỉ có nói một cái nhận xét tổng quát về phía của những người bảo thủ mà tôi cho rằng, phía bảo thủ hiện nay, các vị không cẩn thận thì bảo thủ là gắn với phản bội đấy. Bởi vì bảo thủ là chống lại cái quyền lợi chân chính của dân tộc, chống lại cái tiến hóa của đất nước. Cho nên rằng cái mà gọi là bảo thủ hiện nay là rất dễ gắn với cái phản bội đấy. Cho nên cũng có người gọi là cái phe bảo thủ phản bội. Tôi chỉ nói một cái đặc điểm chung của phe bảo thủ là như thế này, trong lòng họ biết rằng xu thế của thời đại là họ bị đào thải, họ rất biết cái đó, mặc dù họ có kiên trì chủ nghĩa Mác-lênin, rồi thì là viện nọ viện kia nói đủ “trăm thứ bà dằn” thì trong thâm tâm của họ, họ biết rằng họ là lực lượng bị lịch sử đào thải. Thế thì, đã là cái anh mà ở vào cái tư thế mà bị thời đại đào thải thì họ không thể ứng xử một cách vương đạo được mà phải ứng xử cách bá đạo thôi.
Việt Hùng: Thế còn về phía phe cấp tiến, họ chờ đợi điều gì và đặc biệt là trong cái thời gian cuối này đó, có vẽ như là họ trực tiếp họ gởi thẳng cho các cơ quan truyền thông báo chí ở trong nước loan tải những cái quan điểm của họ.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Cái phe mà gọi là phe cấp tiến đó, thế thì gần một năm những người tiến bộ đã chuẩn bị cho cái cuộc đấu này, có một cái rất hay, tức là họ đã vượt ra khỏi 19 cái điều cấm phải không ạ. Các ông bảo thủ các ổng khôn lắm, các ông đặt ra 19 cái điều cấm đối với đảng viên, cái này để khóa tay những các cái người mà muốn phê phán, họ khóa tay lại. Thế nhưng mà không, những người tiến bộ hiểu rằng nếu tuân theo 19 điều mà của đảng tức là giữ cái nguyên tắc tổ chức mà ở trên mà chụp xuống đó thì những người tiến bộ là bó tay. Cho nên các vị quyết xé rào, ngay từ thời ông Nguyễn Nam Khánh đã là xé rào rồi, “nếu mà các vị cứ kiên quyết không thông báo cho nhau rồi không đưa vụ này ra xử thì buộc lòng chúng tôi phải có cách của chúng tôi, chúng tôi đưa ra công luận”, mà bây giờ thì rõ ràng là các bài của thủ tướng hay là của các tướng tá cuối cùng là đưa ra bên ngoài. Các vị lại dùng đúng phương pháp tự do dân chủ rồi, phải nói là về phương pháp đó thì cái phía đổi mới, cái phía thức thời đó là có những cái bước xé rào rất ngoạn mục, về quan điểm thì họ cũng phát biểu mạnh mẽ hơn trước nhiều lắm. Thế nhưng mà phải nói là thế này, đi vào quan điểm mà nói , nói cho nó thẳng thắn ra thì phải đánh giá như thế này, cái phía gọi là cấp tiến trong đảng ấy mà, thực ra cũng chỉ muốn có một sự “hài hòa” giữa lợi ích riêng với lợi ích dân tộc, chứ cũng không thấy có vị nào gọi là dám hy sinh cái lợi ích riêng cho lợi ích dân tộc đâu, mà chẳng qua là muốn có sự “hài hòa” giữa lợi ích riêng với lợi ích dân tộc, tốt với xấu còn xen kẽ thì người ta chọn cái nhiều tốt hơn và ít xấu hơn thôi. Chứ còn thực sự ra, đánh giá cho công bằng, đối chiếu với cái tư tưởng dân chủ hiện đại của thế giới , kể ra bây giờ mà xét thì cái lực lượng gọi là cấp tiến trong đảng cũng là lực lượng cải lương thôi.
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Chúng tôi rất chia sẻ với những cái nhận xét của ông Hà Sĩ Phu, để hệ thống hóa cái sự so sánh giữa phe độc tài bảo thủ đó với phe cấp tiến ở trong đảng CSVN hiện nay thì chúng tôi cũng thấy là bốn cái điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức, thì chúng tôi thấy là những người cấp tiến ở trong đảng đòi dân chủ hóa nội bộ trong đảng và cụ thể nhất là tổ chức đảng đại hội một cách dân chủ từ ứng cử, đề cử và bầu cử trong cái cơ quan chính, còn về liên hệ giữa đảng và nhà nước, phe cấp tiến muốn rằng là đảng chỉ giữ vai trò hoạch định đường lối lớn, còn để cho nhà nước, chính phủ và quốc hội có quyền lớn hơn trong chính sách quyết định về nhân sự và điều hành. Còn về trong kinh tế, phía cấp tiến muốn rằng để cho tư nhân, các doanh nhân được quyền tham gia rộng rãi hơn vào các hoạt động kinh tế, và điểm thứ bốn liên quan tới vấn đề đối ngoại, thì những người cấp tiến chủ trương là mở rộng quan hệ với tây phương để canh tân kinh tế của Việt Nam nhanh hơn. Đồng thời, rất là quan trọng, tạo một cái thế đối trọng đủ mạnh để có thể chống lại áp lực của Bắc Kinh ngày càng lớn, và chúng ta thấy là những sự khác biệt giữa phe cấp tiến và phe bảo thủ đang rất rõ ràng trong cái đại hội 10 mà chúng ta đã nhìn thấy là các phe đương tranh giành từ cách bầu cử, cách ứng cử cho tới vấn đề nhân sự và chính sách mà chúng ta đương theo dõi hiện nay.
Việt Hùng: Thay mặt quý thính giả của đài, cám ơn tiến sĩ Âu Dương Thệ, tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã tham dự trong cuộc hội luận chính trị trong, ngoài nước hôm nay.



LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ