LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu

Hà Sĩ Phu Trao đổi thêm về cuộc hội luận trên đài RFA ngày 10-7-2005


Đà lạt ngày 11-7-2005

                                                                                 Thân gửi : Giáo sư Trần Khuê

    Qua buổi phát thanh của đài RFA ngày 10-7-2005 , tôi được nghe cuộc trao đổi giữa ông với  ông Đoàn Viết Hoạt về một số vấn đề đáng quan tâm của đất nước hiện nay. Tôi hoan nghênh đài RFA đã có sáng kiến hưởng ứng  ‘thông điệp” hoà giải, hội nhập mà Thủ tướng Phan văn Khải mong muốn  truyền đạt trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua; tạo điều kiện trao đổi giữa những người trong nước và ngoài nước. Hãy mạnh dạn xé tan những rào cản hữu hình và vô hình vẫn chia rẽ dân tộc chúng ta như một định mệnh! Nếu có sự khác nhau về chính kiến để tranh luận càng tốt , miễn là thẳng thắn, chân thành , tự trọng và tôn trọng lẫn nhau, và nhất là đừng hình sự hoá sự trao đổi về nhận thức và ước vọng này!                           

    Tôi không nhắc lại những ý kiến của hai ông mà tôi tán thành. Chỉ xin nêu mấy kiến riêng để thêm rộng đường tranh luận.

 

A/ Chủ đề HỘI NHẬP.

 

      1/ Vị Trí, vai trò của Việt nam ở Đông Nam Á :

  Trong khu vực Đông Nam Á VIỆT NAM có vai trò nhạy cảm khá đặc biệt :

         - về số dân, về vị trí địa lý ,về sức mạnh quân sự (và nhiều tiềm năng khác): là 1 thành viên mạnh .

         - về kinh tế , khoa học, kỹ thuật : là 1 thành viên lạc hậu vài chục năm

         - về chính trị là thành viên tách biệt , từ một thực thể chính trị tiên tiến nhất trong khu vực năm 1946 đã diễn biến dần dần thành một thể chế tụt hậu cả thế kỷ, và nguy hiểm hơn lại tưởng sự tụt hậu ấy là tiên tiến ( giống như người dùng lầm phải chiếc la bàn ngược).           

         - vì thế trong tương lai sẽ là 1 thành viên thế nào thì chưa  biết được.

       2/ Vị trí, vai trò của Việt nam với các nước lớn :

- Con đường tự giải phóng của 1 nước chậm tiến là dựa vào 1 nước văn minh, kể cả nước đã xung đột, đã là kẻ thù của mình, đã xâm lược mình, nhưng hơn mình một tầm văn minh. Chân lý này đã được cụ Phan Chu Trinh phát hiện. Hiện nay dựa vào Hoa kỳ chính là áp dụng bài học đó. Còn với Trung hoa lại là một vấn đề khác hẳn, thậm chí trái ngược.

Hoa kỳ không cần VIỆT NAM làm công cụ chống Trung Hoa, chỉ cần VIỆT NAM đừng làm công cụ của Trung Hoa” , đó là một lời bình đáng quan tâm . Những đảng viên và người dân thường yêu nước đều mong muốn như thế.

Nhưng ở đây nên nghĩ xa hơn một chút :  Mặc dù thế giới rất cần đa cực để cân bằng lẫn nhau, nhưng nếu một Đại bá vụt lên được thành một Siêu cường một tỷ rưỡi người , gồm cả hiện đại nhất và hoang sơ nhất, với sự kết hợp nhuần nhuyễn  khát vọng Đại Hán với lề lối thống trị Cộng sản, thì đó là một thảm hoạ, vượt trên mọi thảm hoạ mà nhân loại đã phải trải qua ! Chợt nghĩ đến đó thôi toàn thân tôi đã nổi gai ốc. Cách mạng Văn hoá , giệt chim sẻ, Thiên an môn…! Nhân dân ơi, nhân dân không là gì cả !

(Hãy đem chiếc bản đồ châu Á, tô toàn bộ Trung Hoa và Việt nam bằng màu đỏ, sẽ thấy Việt nam nhỏ bé như một lưỡi kiếm của Trung quốc thọc xuống phía Nam, mà vùng khống chế của lưỡi kiếm,về cả đất liền và biển rộng, sẽ vung ra rộng gấp nhiều lần chiều dài của lưỡi kiếm ! Việt Nam trở nên vô cùng quan trọng, một cách đáng lo.

Từ nhận thức và thực tiễn tôi yêu và kính trọng nền văn hoá Trung Hoa, yêu và kính trọng người dân Trung Hoa, nhưng tấm lòng không thay được quy luật và sự thật lịch sử. Nói ra rồi, tôi lại chỉ mong đây là lời bàn ngu dại của một kẻ thất phu, chưa am tường lịch sử, mong được sự chỉ giáo và phản bác).

 

    B) Chủ đề ĐỔI MỚI , XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC :

 

1/ Vấn đề “Định hướng XHCN” (Bcáo Chính trị Đại hội 10)

       Dứt khoát nên bỏ cái gọi là Định hướng XHCN. Tại sao vậy?

  Ngoài những ý kiến mà hai giáo sư đã phát biểu, tôi bổ sung như sau.

Trước hết phải nhận thức rõ “Hoà nhập” ở đây thực chất là gì? Không phải là VIỆT NAM và thế giới hoà nhập vào nhau, mà là VIỆT NAM phải biến đổi để hoà nhập vào thế giới. Mình là nước tách ra, đi một đường khác, nay thấy sai, không ổn, thì phải biến đổi để hòa nhập, không thể nói theo kiểu : con đường của ta căn bản là đúng , chỉ vì ta nóng vội, ta chưa có kinh nghiệm, nên nay ta điều chỉnh cho hợp với thực tiễn!

Tôi chỉ xin đề cập đến 2 vấn đề , để thấy nếu còn giữ Định hướng XHCN thì  khó mà vận hành được Kinh tế thị trường. Đó là vấn đề Luật pháp và Năng lực cạnh tranh.

                           VẤN ĐỀ LUẬT

  - Xã hội chủ nghĩa vốn là xã hội có kết cấu theo chiều dọc, theo chiều từ trên xuống, nó chỉ tương thích với nền Kinh tế bao cấp và chỉ huy. Luật pháp chẳng qua cũng chỉ là công cụ cai trị, chứ Đảng ở bên trên không muốn gò mình vào luật pháp. Câu nói trứ danh của Thủ tướng Phạm văn Đồng là một minh chứng : “Làm luật làm gì, để nó trói tay mình vào à?”. Sau này, ta nói Đảng hoạt động trong khuôn khổ luật pháp là nói lấy lệ vậy thôi.

Trái lại,  mọi xã hội dân chủ bình thường ngày nay đều  kết cấu theo chiều ngang, bình đẳng, trong mối ràng buộc của luật pháp. Tương thích với nó là Kinh tế thị trường, thuận mua vừa bán, cả hệ thống liên tục tự điều chỉnh theo quy luật Cung cầu và theo những khế ước thoả thuận là Luật pháp.

 

Kết cấu xã hội và tính chất luật pháp của hai loại xã hội ấy bản chất khác hẳn nhau như vậy. Nay một cơ thể có kết cấu theo  chiều dọc mà lại muốn múa một vũ điệu chỉ dành cho những cơ thể kết cấu theo chiều ngang thôi, thì múa sao được, ruột gan sẽ lộn tùng phèo hết. Tóm lại, không thay đổi bản chất của kết cấu chính trị, mà  cứ tu sửa vặt mãi thì vất vả lắm, mà cuối cùng cái điều “lột xác”(theo nghĩa là phải trút bỏ hẳn cái cũ để thành một cơ thể mới) vẫn không tránh được. Các cụ vẫn bảo : Một lần không tốn , bốn lần không xong!

Trong Hoà nhập thì mặt bằng luật pháp giống nhau là điều tối quan trọng. Nhưng khi cái gốc chính trị của nền luật pháp vẫn không thay đổi thì dù Quốc hội có cố gắng làm cho đủ các luật cũng vẫn không giải quyết được tận gốc vấn đề Luật .

 

                       VẤN ĐỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH

  Việt Nam Xã hội chủ nghĩa là một cấu trúc quyền lực song trùng, vừa có bộ máy chính quyền vừa có bộ máy Đảng, song trùng từ trung ương đến phố phường làng xã. Điều đó chẳng những là trở ngại khi giải quyết những vấn đề bên trong của thủ tục hành chính, mà về kinh tế nó làm giá thành mọi sản phẩm đều đội lên rất cao, bởi lương và bổng của cả 2 bộ máy Chính quyền và Đảng , như một hệ thống bình thông nhau, cuối cùng đều trực tiếp hay gián tiếp chạy vào giá thành sản phẩm, thì sao mà cạnh tranh nổi với những nước chỉ có một bộ máy quyền lực gọn nhẹ? Giá thành thấp trong giai đoạn đầu chỉ là một ảo giác và gây ảo tưởng.

 

 2/ Muốn xây dựng đất nước phải bắt đầu từ đâu?

Tóm lại, dù có gắng câu giờ mãi rồi cuối cùng vẫn phải lột xác, tức là chuyển tiếp sang một CƯƠNG LĨNH MỚI về Xây dựng đất nước, nhẹ nhàng nhưng sáng sủa, minh bạch. Nếu không có dũng cảm từ bỏ hẳn học thuyết Mác-Lê ảo tưởng phi lý, thì cách “lột xác” êm ả nhất là   cải biến theo con đường Xã hội Dân chủ (Social-Democratic) như các nước Bắc Âu, như Tây Đức…, đó cũng là từ một nhánh của học thuyết Mác, mà trước đây vẫn bị các ngài Đệ tam miệt thị là bọn cơ hội Menshevik . Nhiều anh em dân chủ ở Đà lạt, ở Hà nội… đã tìm thấy sự đồng thuận này ở Giáo sư Phan đình Diệu. ở Ts Lê đăng Doanh, ở nhà Kinh tế học Nguyễn Xuân Nghĩa ở nước ngoài…và ở nhiều người khác nữa.

Phương án Xã hội Dân chủ là phương án trung dung, nhưng không đồng nghĩa với cải lương. Tuy trung dung thế mà vẫn đòi hỏi sự dũng cảm và thật lòng , chứ không dùng mẹo được. Cha ông ta vẫn bảo “Thật thà là cha quỷ quái”.

   Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Dân chủ ! Đơn giản thế thôi, dân chấp nhận ngay, vì như thế cũng chính là Xã hội Dân chủ Đa nguyên Pháp trị.

   Tiến hành song song các thay đổi Chính trị, Kinh tế, Văn hoá , nhưng ở chặng đầu kinh tế có thể được ưu tiến xúc tiến mạnh hơn các mặt khác, song vẫn phải đồng bộ (ví dụ có một vài thay đổi chính trị, lý luận phải làm ngay từ đầu). Đặc biệt có một ‘Chỉ dấu’ bước đầu rất quan trọng , gây tin cậy , làm bằng chứng cho sự thành tâm là có tự do báo chí. (Những người Cộng sản tiến bộ và người dân đều cần đấu tranh để có tự do báo chí, nếu không thì chính như Thủ tướng Võ văn Kiệt còn bị kiểm duyệt, kiềm chế , huống hồ dân thường, biết tự do lên tiếng ở đâu?)

      Đã đến lúc không thể nói “Yêu Xã hội Chủ nghĩa là Yêu nước” , mà phải nói “ Yêu DÂN CHỦ là YÊU NƯỚC!” , “Phản Dân chủ là phản lại Dân tộc!”.

    Tôi xin góp chuyện bằng một vài ý nghĩ thô thiển, mong được chỉ dẫn lại cho sáng tỏ thêm.

 

                                                                                                            Kính thư

                                                                                                  Hà Sĩ Phu

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ