LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu

Thanh Phương (RFI) phỏng vấn ông Hà Sỹ Phu: "Muốn đoàn kết dân tộc, phải bỏ chủ nghĩa Mác- Lênin"


RFI, Buổi phát thanh ngày 5.9.05

TP : Thưa ông, vào cuối tháng Tám vừa qua, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt có cho đăng trên nhiều tờ báo trong nước một bài viết có nhan đề : ‘’ Đại đoàn kết dân tộc, cội nguồn của sức mạnh của chúng ta ‘’, trong đó,  ông đã công khai thừa nhận những sai lầm của chính quyền trong thời kỳ sau năm 45 , chẳng hạn như cuộc cải cách ruộng đất, hoặc sau năm 75, trong cuộc cải tạo công thương nghiệp tư . Theo ông Võ Văn Kiệt, những sai lầm đó là do Đảng và Nhà nước không thực hiện đúng đoàn kết dân tộc. Trước hết, theo ông, việc một nhà cựu lãnh đạo nhấn mạnh trở lại vấn đề đoàn kết dân tộc có ý nghĩa như thế nào ?

HSP :  Thưa anh Thanh Phương và thưa quý vị thính giả RFI. Bài viết của ông Võ Văn Kiệt gợi ra một ý rằng chuyện Đoàn kết không phải là chuyện phụ, không phải chỉ là chuyện của Mặt trận Tổ quốc, mà chính là cội nguồn của xã hội. Nó còn quan trọng hơn cả chính trị, quân sự và kinh tế . Nó là nguyên lý kết cấu của một xã hội. Cho nên tôi thấy thủ tướng Võ Văn Kiệt nói đến vấn đề này vào lúc này là nói trúng cái gốc, chứ không phải là nói một chuyện có tính chất trang trí, có tính cách tuyên truyền hay Mặt trận , không có trọng lượng gì, như người ta vẫn hiểu đâu.

TP : Thưa ông, bài viết của ông Võ văn Kiệt đã gây nhiều sự chú ý và phản ứng. Gần đây, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự có bài hoan nghênh tinh thần phê phán của thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng đề nghị là ông Võ Văn Kiệt cũng như những nhà lãnh đạo khác phải nhận sai lầm của mỗi cá nhân, chứ không nhận sai lầm tập thể như vậy. Ý kiến của ông như thế nào ?

HSP: Ý kiến của ông Tiêu Dao Bảo Cự trùng với một suy nghĩ của tôi. Tôi thấy rằng giá trị phê phán của bài viết của ông Võ Văn Kiệt là rất tốt. Nhưng thế thì cuối cùng phải quy về những việc cụ thể . Chẳng hạn như ông Tiêu Dao Bảo Cự đã nhắc đến nghị định 31/CP là một việc rất cụ thể làm mất đoàn kết, mà nghị định này do chính ông Kiệt ký . Ông Kiệt đã nhận định được như thế, vậy thì ông phải nhận rằng cái đó là sai đi. Thế rồi những người khác cũng làm theo như ông Kiệt mà vận dụng vào những cái cụ thể như thế đi . Nhưng tôi còn muốn nói rốt ráo hơn một chút: Phát hiện những thiếu sót là rất đúng, nhưng phải truy cho được những nguyên nhân để tìm ra giải pháp toàn cục.

TP: Như vậy theo ông, đoàn kết dân tộc phải được định nghĩa như thế nào cho đúng đắn?

HSP: Thực ra là có ba tầng đoàn kết. Trước hết là đoàn kết của những người Cộng sản, tức là những người chủ trương Chuyên chính Vô sản mà lại nói đoàn kết thì đấy là đoàn kết của trường phái Duy lợi. Cái đoàn kết đó phải có một chủ thẻ. Cái chủ thể đó bao trùm lên hết, anh ta gom sức của những anh khác vào để làm một cái sự nghiệp chung , nhưng đến lúc làm xong sự nghiệp đó rồi thì những thành tố phụ kia bị thanh toán . Cho nên không lấy gì lấy làm lạ rằng trong thời gian kháng chiến, các nhà điạ chủ, phú nông đóng góp rất nhiều, nhưng đến lúc thắng lợi thì bị đảng Cộng sản thanh toán mất cả. Cái gọi là lực lượng thứ ba trong cuộc chiến chống Mỹ cũng như thế thôi. Khi đánh Mỹ thì đoàn kết để huy động, đến lúc thắng lợi rồi thì chẳng thấy Chính phủ lâm thời đâu, chả còn thấy lực lượng thứ ba nữa. Cái đoàn kết đó là đoàn kết của những người duy lợi cực đoan, nó không đúng với bản chất của đoàn kết.

Còn cái đoàn kết thứ hai, mà ông Kiệt ca ngợi và ông cho là bắt nguồn từ cụ Hồ, đó là đoàn kết của nhân nghĩa, của tấm lòng, cũng tức là phải bỏ yếu tố giai cấp để trở về yếu tố dân tộc . Đấy đã là rất tiến bộ. Nhưng nếu dừng ở mức độ “duy nhân nghĩa, duy đạo đức” như thế thì sẽ dẫn đến một mâu thuẫn mà ta thấy rất rõ, đó là: Chủ nghĩa đạo đức nào rồi cũng dẫn đến những hành vi trái đạo đức, vì nó sẽ bế tắc trước những xã hội đa dạng, phức tạp, đối lập. Chính con đường rất đẹp của cụ Hồ đã dẫn đến cái ngày hôm nay chứ không gì khác. Đã thấy là đoàn kết có vấn đề , nhưng tại sao ông Võ Văn Kiệt không đưa ra được một giải pháp cụ thể nào? Đó là vì ông không thể nói rốt ráo cho ra nhẽ. Muốn trở về với cụ Hồ thì ông Kiệt hãy vận động thành lập lại  đảng Xã hội và Đảng Dân chủ, trở về hiến pháp cộng hoà, hiến pháp đoàn kết năm 1946 đi xem nào!

   Cho nên, cần phải có tầng đoàn kết thứ ba, đó là đoàn kết của sự Duy lý. Cách đây ít lâu người ta có nhắc nhiều đến bài phát biểu của tiến sĩ Phan Đình Diệu. Ngay trong hội nghị ở Đà Nẳng vừa rồi, ông ấy có nói rằng: ‘’Trong các yếu tố đối lập , không chỉ có đấu tranh ai thắng ai, mà phải giải quyết theo cái tư duy của một  hệ thống gọi là complex adaptive system, tức là hệ thống thích nghi phức tạp. Đoàn kết phải trên cơ sở đó để các yếu tố tương tác có tính hợp trội tìm được khả năng  hợp tác với nhau , để đi đến một trạng thái gọi là ‘’ thắng thắng ‘’, tức là trạng thái mà trong đó tất cả đều thắng, chứ không phải là ai thắng ai . Đó là về mặt tư duy triết học, còn thực tế , cái tư duy triết học đó sẽ dẫn đến một xã hội Dân chủ, Đa nguyên, Pháp trị. Đấy mới là giải quyết được vấn đề đoàn kết thật. Phải có dân chủ thật mới có đoàn kết thật.

TP: Như vậy, theo ông , để thực hiện được đoàn kết dân tộc , chúng ta phải từ bỏ đấu tranh giai cấp, từ bỏ chủ nghĩa Mác- Lênin?

HSP: Phải bỏ học thuyết đấu tranh giai cấp mới thực hiện được đoàn kết dân tộc. Bây giờ tôi xin phân tích. Ngay trong bài của thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thể hiện ba ý như thế này:

Thứ nhất, muốn thực hiện đoàn kết thì phải khoan dung. Thế nhưng, đã đấu tranh giai cấp thì không thể khoan dung, đấu tranh giai cấp là “đấu tranh một mất một còn, không khoan nhượng”. Không khoan nhượng thì làm sao có thể khoan dung được!  Đã chủ trương đấu tranh giai cấp thì không thể thực hiện được đoàn kết theo kiểu khoan dung như lời ông Kiệt nói . Khoan dung theo đúng nghĩa là gì? Đoàn kết là sự tập hợp những yếu tố khác nhau, các yếu tố đó muốn gia nhập khối đoàn kết chung , thì anh nào cũng phải khoan dung. Đảng khoan dung cho những người khác Đảng và những người khác Đảng cũng phải khoan dung với Đảng. Chứ đây không phải là sự khoan dung của người trên đối với kẻ dưới, của kẻ cầm quyền đối với người không có quyền. Nghĩa là cùng bình đẳng mà khoan dung cho nhau, chứ không có chuyện Đảng thống soái hết  rồi mở lòng ban sự khoan dung cho người này người nọ như vua chúa phong kiến.

Thứ hai, ông Kiệt đã nói rằng : ‘’ Chúng ta đã áp dụng quan điểm đấu tranh giai cấp, một cách máy móc, một chiều .  Muốn giải quyết được chuyện này thì đảng không những là đảng của giai cấp công nhân, nông dân mà còn phải là đảng của cả một dân tộc”. Thế thì, khi một đảng của dân tộc lãnh đạo, chỉ huy Nhà nước, thì Nhà nước đó cũng phải là Nhà nước toàn dân. Nếu nói Đảng của dân tộc và Nhà nước của toàn dân thì phải bỏ chủ nghĩa Mác. Bởi vì Mác nói rằng “Nhà nước là công cụ của giai cấp này đàn áp các giai cấp khác”. Như thế nếu còn chính thức theo Mác thì làm sao Nhà nước có thể là công cụ của toàn dân được?

Thứ ba, chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường. Trong bài viết, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhấn mạnh đến hai yếu tố Trí tuệ và Doanh nhân, những chủ thể để làm nên kinh tế thị trường. Nhưng đây lại là hai yếu tố phi giai cấp. Trí tuệ thì tập trung ở tầng lớp trí thức, mà trí thức không phải là một giai cấp. Còn doanh nhân,  thì theo định nghĩa của  nhà kinh tế học J. Schumpeter người Áo là : «  Doanh nhân : kẻ đóng vai trò chủ yếu trong nền  kinh tế thị trường hiện đại, nhưng doanh nhân cũng không phải là một giai cấp theo nghĩa xã hội học ». Như vậy, rõ ràng hai yếu tố quan trọng quyết định sự thắng lợi của kinh tế thị trường , lại mang tính chất phi giai cấp. Thế thì làm sao có thể chấp nhận một học thuyết đấu tranh giai cấp trong nền kinh tế này được ? Cho nên , với tư cách một nhà khoa học, rốt ráo mà tiếp lời cái bài của thủ tướng Võ Văn Kiệt, ta thấy ngay rằng muốn thực hiện đoàn kết dân tộc theo đúng như ước muốn của Hồ Chí Minh, thì phải bỏ học thuyết Mác Lênin, tức là bỏ Cộng sản. Nếu mà ta cứ bưng cả hai vào thì khi nói rất tốt, rất hay, nhưng khi làm lại hỏng. Ví dụ : những chủ trương chuyên nghĩ mẹo , nghĩ luật, để kỳ thị, để đàn áp những người dân chủ và tôn giáo bất đồng chính kiến , ở cả trong nước và ngoài nước, chính là phá hoại đoàn kết dân tộc, nhưng thủ tướng Võ văn Kiệt lại không dám động đến những chủ trương cụ thể phá hoại đoàn kết này, đến những kẻ phá hoại đoàn kết này, và trả tự do cho những người bất đồng chính kiến đang bị tù tội.

      Tóm lại, ông Kiệt đã nêu ra một vấn đề trọng đại rất hay, nhưng muốn thực hiện đại đoàn kết dân tộc như điều mình nói, ông Kiệt không thể không tách mình ra khỏi tập đoàn những người đang mượn chủ nghĩa Mác đấu tranh giai cấp làm công cụ để đưa mình thành tập đoàn bóc lột mới , đối lập với dân tộc, hòng khống chế, khai thác và thống trị cả dân tộc !

TP : Chúng tôi xin cám ơn ông Hà Sỹ Phu./.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ