LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Câu Đối

   

 Hà Sỹ Phu             Câu đối tết con Chó 2006

------------------------------------------------------------------------------------------------------

                          CÂU 1 :             (Gà đi, Chó đến)

                                          - Gặp cúm gia cầm, GÀ biệt xứ !

                                          - Đến thời lục súc, CHÓ lên ngôi !

------------------------------------------------------------------------------------------------------

                          CÂU 2 :        ( Mừng một trại nuôi CHÓ thịt )

                    - Bảy món cầy tơ, mấy chú vện vằn đang khởi “ sắc”!

                    - Một bầy chó đẻ, ba quân  í  oẳng sắp lên “hương” ! (*

------------------------------------------------------------------------------------------------------              

                         CÂU 3 :                 (Vịnh con Chó):

                                      -  Trung thành ra phết, mà ăn bẩn!

                                   -  Nô lệ   thò đuôi,  chẳng biết dơ ?

                                            HSP-những ngày đón Tết Bính Tuất 2006  

 

 Hà Sỹ Phu                                 Mời đối !

                         ( NĂM CON CHÓ,TẬP ĐÁNH VẦN ) (**)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

 KHUYÊN HỎI        CÂU 1 :  Năm Khuyển,vừa khuyên vừa hỏi !

                                             

     CHO SẮC            CÂU 2 :  Hoa Đào “cho sắc mừng năm Chó !

 

                                          CÂU 3 :   ( Dán cổng nhà Lý luận mác-xít )    

                 Vẫn nghề Giai cấp đấu tranh, lê mác lại mài …cho sắc  nhỉ?

 

                                         CÂU 4 :           (Vịnh cây đào Đà lạt)

                    Đào của xứ Hoa, cho sắc để mừng… năm Chó đấy!                                                                      

    ( hoặc :  Anh mê Đào của xứ Hoa, năm Chó say Đào,

                                                                  mê mẩn vì Đào cho sắc đấy!)               

                                                     HSP- Đàlạt những ngày đón Tết Bính Tuất 2006

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

    (*)  Khởi sắc : hiện màu chó thui . Lên hương : bốc mùi giềng mẻ,mắm tôm .

    (**) Câu đối chiết tự chữ Hán đã khó, câu đối “đánh vần” tiếng Việt cũng là chiết tự,

  nhưng có lẽ còn khó hơn, nhiều khi phải phá cách mới đối được.Vậy xin mạo muội lấy

  mấy câu làm ví dụ :  

  CÂU 1 : Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi ! - Đấu tranh, biết tránh vào đâu ?

  CÂU 2 : Hoa Đào “cho sắc” mừng năm Chó!  -  Mỹ Tửu “chờ ai” uống mấy Chai!

 

2006.01.03

Việt Hùng, phóng viên đài RFA     ------------------------------------------------------------------

                           RFA phỏng vấn Hà Sỹ Phu

      Phần 1 : Ba Câu đối Tết năm Con Chó  

Trong không khí "khởi sắc" của những ngày đầu Xuân Tết Dương Lịch 2006, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu từ Ðà Lạt qua câu chuyện tản mạn với Việt Hùng để gửi tới tất cả quí thính giả cả trong và ngoài nước những câu đối đầu Xuân. Từ Ðà Lạt ông khai bút.

Một trong những phong tục của Việt Nam vào mỗi đầu năm mới đó là chuyện Câu Ðối Tết. AFP PHOTO

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Thưa các quí thính giả, tôi rất cảm ơn Ðài Châu Á Tự Do đã cho chúng ta có dịp để trò chuyện về một phong tục của dân tộc đó là chuyện Câu Ðối Tết.

Trước hết tôi xin giới thiệu 3 câu đối Tết của tôi năm nay, quanh cái Tết con Chó, tức là con Gà thì đi mà con Chó thì đến.

Trước hết tôi xin nói, năm nay, mặc dù là năm Gà sắp hết, nhưng xúc cảm của tôi đối với năm Gà cũng rất mạnh, bởi vì anh Gà năm nay bị một cái tai nạn Cúm Gia Cầm H5N1. Ðộc đáo là thế này, chúng ta biết là trong 12 con Giáp, toàn là con thú 4 chân, loài Bò Sát là Rồng, Rắn thì chỉ có 2 thôi ,và đặc biệt loại Cầm Ðiểu đó chỉ có mỗi mình anh Gà. Ðúng cái năm con Gà thì lại sinh ra Cúm Gà.

Câu Ðối thứ nhất là như thế này:

Gặp cúm gia cầm, GÀ biệt xứ !
Ðến thời lục súc, CHÓ lên ngôi !

Việt Hùng:Dạ vâng, lục súc ở đây thì xin được hiểu là như thế nào ạ?

           Bạn nghĩ gì về những câu đối này?Xin mời email về Vietnamese@www.rfa.org

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Ðến thời lục súc, CHÓ lên ngôi!

Tại sao tôi lại dùng “đến thời lục súc”, bởi vì trong 12 con Giáp cái anh Cầm Ðiểu chỉ có mỗi con Gà, sau Gà trở đi là đến anh Chó, sau Chó là đến anh Lợn, thế mà xét về Gia Súc thời ngoài ra còn có anh Ngựa, anh Dê, thế sau đó là đến Chuột, Trâu, rồi Hổ, Mèo thì cũng là loài thú 4 chân cả.

Thế cho nên rất là lạ là cái anh thú 4 chân chiếm tới 9 con, thế cho nên tôi mới gọi là: Ðến thời lục xúc, CHÓ lên ngôi ! tức là thời của Gà quá ngắn ngủi mà lục xúc thì không chỉ năm nay thôi, còn kéo dài nhiều năm nữa. Cảm xúc của tôi năm đi mà năm CHÓ đến là câu đó.

Thế nhưng mà câu thứ 2 mà tôi cho là tôi có nhiều cảm xúc nhất, trước hết là vì thế này, trước đây độ 1 tuần, ông Bùi Minh Quốc có viết môt cuốn Tiểu Thuyết và có đưa tôi xem đọc bản thảo, trong đó đặc biệt là ông ấy có tả quang cảnh của một Trại nuôi Chó, để làm thịt bán, mà nuôi một cách công nghiệp.

Ðọc những cái đó thì tôi mới nảy ra ý định là năm Chó này tôi phải tặng các xí nghiệp nuôi chó công nghiệp một Câu Ðối. Câu đối của tôi để dán cổng các xí nghiệp đó là :

Bảy món cầy tơ, mấy chú vện vằn đang khởi "sắc" !
Một bày chó đẻ, ba quân í oẳng sắp lên "hương" !

 Khởi sắc tức là khi Chó thui thì sẽ lên cái mầu Chó thui. Bảy món cầy tơ, mấy chú vện vằn đang khởi "sắc" !  Ðối với: Một bày chó đẻ, ba quân í oẳng sắp lên "hương" !

Việt Hùng:Nhưng mà thưa ông, nếu mà Chó lại vừa có cả "sắc" cả "hương" thì mới "cho sắc hướng" hay là "hương sắc chó" hay sao ạ?

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Tôi bằng lòng với câu này, bới vì tôi thấy có một tứ xuất hiện rất bất ngờ, tức là ở đời mà có cả "hương", cả "sắc" thì khó lắm. Ðến rất nhiều thứ đẹp ở trên đời là Hoa, thì có Hoa có "sắc" mà lại không có "hương". Có Hoa có "hương" mà lại không có "sắc".

Ấy thế mà trong giới động vật thì chỉ có mỗi con Chó là có đủ cả "sắc" lẫn "hương", nhưng mà phải là Chó chết cơ !

Nó phải là cái đồ Chó chết cơ thì người ta thui thì nó mới ra "sắc" , nói mới "khởi sắc". Và người ta đem nấu với Giềng, Mẻ và Mắm Tôm thì mới lên "hương". Tôi thấy ý này thì chí có anh Chó mới có.

Thế còn Câu thứ 3, cũng là câu Vịnh con Chó, làm sao mà có thể đưa các đặc điểm điển hình của con Chó vào câu đối thì tôi nghĩ ra câu thế này.

- anh Chó một là trung thành, trung thành nhất là con Chó, người ta gọi là nó có nghĩa đó.

- thứ hai nữa Chó là loại ăn bẩn, ăn cái thứ mà không động vật nào ăn được thì nói lại khoái khẩu nhất.

Ðầu tiên là tôi nghĩ ra câu:

Trung thành rất mực mà ăn bẩn
Hống hách như xồm, chẳng biết dơ

Chó thì hung hăng, chó xồm thì xông ra cắn người. Nhưng mà sau đó nhà thơ Bùi Minh Quốc, ông đọc, ông bảo là, trung thành rất mực là một đặc điểm tốt, trung thành là một đức tính, thế nhưng mà văn cảnh ở đây là để chê.

Thế thì ,ông Quốc nói trung thành rất mực, cũng có cái hay "mực" cũng là con Chó,để đối với con Chó xồm. Nhưng mà trung thành hết mực mà lại ăn bẩn thì thấy tội nghiệp cho đức tính trung thành. Thế thì, tôi nghĩ là ông Quốc góp thế, thì tôi mới chuyển thì ra câu thế này:

Trung thành ra phết, mà ăn bẩn !
Nô lệ thò đuôi, chẳng biết dơ !

Trung thành, trung thành ra phết thì cũng không có phải là cái hay ho gì. Vế thứ hai nữa là, tôi cũng thích câu thứ hai, tức là: Nô lệ thò đuôi, chẳng biết dơ !

Chẳng biết dơ này, "dơ" có nghĩa đen tức là đi với ăn "bẩn" ở trên. Sở dĩ nó không biết dơ thì nó mới ăn bẩn được, chứ còn nó thấy cái "cục" đó "dơ" thì nó cũng không dám ăn.

Còn, anh nô lệ thì anh cảm thấy anh phải cúi đầu, rồi nếu là loài có đuôi thì phải cụp đuôi, cúp đuôi lại, thế nhưng anh Chó lại đặc biệt ở chỗ, anh Chó là nô lệ rõ ràng, là tai sai đắc lực đây, thế mà nó cũng không cúp đuôi đâu. Nó cũng vểnh đuôi, thò đuôi tử tế mà thậm chí lại tung tăng, rất là hãnh diện, nhưng kỳ thực thân này vẫn là thân nô lệ. Thế cho nên, anh này thò đuôi nhưng vẫn là nô lệ. Nô lệ thò đuôi, mà chẳng biết dơ !

Thà rằng, cụp đuôi vào thì lại còn hợp cách hơn. Thế tóm lại đó là 3 câu mà nhân năm con Chó, con Gà đi, con Chó đến thì tôi xin làm 3 câu đối như vậy.

Việt Hùng:Tại sao lại là: Trung thành ra phết, mà ăn bẩn !

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Thưa ông, những câu đối thì nó vẫn cứ đa nghĩa thế , thì tác giả có khi cũng chưa hiểu hết những các ý của mình nói ra đâu, thế cho nên rằng ý khác phải nhường cho người đọc....

Ngoài  những câu mà tôi đã làm hoàn chỉnh, tức là có cả vế trên vế dưới, thì chúng tôi cũng xin làm vài ba cái mẫu, mới có một vế, vế đối xin để nhường các quí vị thính giả của Ðài ở đây hôm nay.

Việt Hùng:Thế những câu Mời Ðối mà ông Hà Sĩ Phu từ Ðà Lạt gửi tới quí thính giả trong và ngoài nước ra sao? Mời quí vị nhớ đón nghe trong một buổi phát thanh tới.

 

RFA phỏng vấn Hà Sỹ Phu

Câu đối Tết

phần 2: Mời đối

 

RFA : Phong tục Việt nam nhân dịp tết nguyên đán là  bánh trưng xanh cùng câu đối đỏ. Ở buổi phát thanh trước tiến sĩ Hà Sĩ Phu, trong câu chuyện đầu năm dương lịch với Việt Hùng đã đọc và giải thích vài ý nghĩa trong ba câu đối mà ông đã khai bút. Tiếp theo đây ông mời đối như sau.

 

HSP : Năm nay thì tôi nảy ra một cái tứ, mời đối bằng cách chiết tự , tức là cái chữ bị bẻ ra làm nhiều, tức là bẻ cái chữ ra. Chúng ta đã từng tiếp xúc với câu đối chiết tự của chữ Hán. Tôi lấy ví dụ , một câu đối chiết tự chữ Hán nổi tiếng ta đã biết là :

-Thằng quỷ ôm cái đấu, đứng cửa khôi nguyên ! Câu đối ấy nó khó ở chỗ chữ Khôi chính là chữ Quỷ ghép vào chữ Đấu. Có người đã đối lại thế này:

-Con mộc tựa cây bàng, dòm nhà bảng nhãn ! Chữ Mộc mà đứng cạnh chữ Bàng thì thành chữ Bảng. Thế mà đối lại rất luyện, vì khôi nguyên và bảng nhãn, khôi nguyên là đứng đầu kỳ thi hội, còn bảng nhãn là đỗ thứ nhì khoa thi đình, chỉ có dưới trạng nguyên, cùng là chuyện khoa bảng. Câu đối chiết tự thế quả là rất khó, nhưng tôi nghĩ tiếng Việt mình thì còn khó hơn, vì tiếng Việt có vần lại có dấu. Thế cho nên năm nay tôi định “thử tài” quý vị bạn thơ bằng cách ra mấy câu đối chiết tự bằng tiếng Việt. Năm nay, năm con Chó, cũng tức năm Khuyển. Khuyển là khuyên hỏi khuyển.

Tôi ra vế đối : “Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi!” . “Hỏi” là chất vấn đấy.

VH : Vâng, vế chiết tự đầu là khuyên hỏi khuyển . Thế còn vế chiết tự thứ hai là thế nào ạ?

HSP: Thứ hai là đánh vần chữ Chó.Cho sắc chó mà. Thế thì có mấy câu thế này.

Hoa đào cho sắc mừng năm Chó!” Hoa thì cho hương cho sắc mà.

VH : Đó là câu mời đối thứ hai., đánh vần, tức là Cho sắc Chó, phải không ạ? Vậy thì câu thứ ba sẽ là như thế nào ạ?

HSP: Câu thứ ba là…Nhân cái tứ “cho sắc” thì ta thấy mài dao cho sắc phải không ạ, mài kiếm cho sắc. Ngoài cái ý là hoa cho sắc cho hương, thì đồng thời cũng là mài cho sắc. Tôi kết hợp cái tứ đó để làm một câu đối, làm một vế để dán cổng một nhà lý luận mác xít. Bây giờ thì các vị ấy đang phải chiến đấu rất ghê, vì thực tế thì cái lý luận mác xít ấy thì thời đại người ta đã đẩy nó vào…quá khứ rồi, thế nhưng cái nghề của các vị ấy vẫn làm cho nên vẫn cứ còn phải tiếp tục. Tôi tặng cho các vị lý luận mác xít ấy một cái vế ra đối thế này :

Vẫn nghề Giai cấp đấu tranh, lê mác lại mài…cho sắc nhỉ?

Thế thì, chuyện này nó một câu chuyện vui, có một vài anh bạn ở gần đến chơi, hỏi năm nay tôi có câu thách đối nào không, ông ấy ghi về để thử đối xem sao. Tôi đọc câu này, ông ấy ghi xong, tôi nhìn cái tờ giấy ông ấy ghi, thì thấy chữ Lê chữ Mác lại viết hoa. Tôi hỏi những chữ này sao ông lại viết hoa. Ông ấy bảo, thôi chết, tôi cứ viết theo thói quen (ông này trước trước đây cũng làm công tác giáo dục hay tuyên huấn mà). Tôi bảo chữ Lê Mác ông viết hoa thế là không ông được, ông phải viết lại không có thì chết tôi. Đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, một mất một còn, thì tượng trưng vũ khí đấu tranh của nó là lê là mác, thì cái lê cái mác ông phải viết chữ thường thôi, viết hoa là không được, là không đúng ý tôi.

Còn câu thứ tư thì cũng là do một cái dịp thôi, tôi đi qua  một cái vườn thấy có một cây đào ra hoa sớm, ra mấy hoa thôi, vì cũng chưa phải là tết. Đi cạnh là một anh bạn, anh ấy bảo cái giống hoa đào này là đào của Đà lạt thật đấy, còn những cây đào khác thì hầu hết là họ nhập cái giống đào Nhật tân từ Hà nội vào. Trước khi nhập giống đào Hà nội vào đây, thì Đà lạt đã có một giống hoa đào “cổ truyền”. Thế thì tôi nảy ra một cái tứ, tôi vịnh một câu thế này:

Đào của xứ Hoa, cho sắc để mừng năm Chó đấy!

Thế rồi nhà thơ Bùi Minh Quốc nghe tôi được câu này, ông ấy bảo : Ô, câu này lãng mạn nhỉ? Đào của xứ Hoa, cho sắc để mừng năm Chó đấy. Hoa mà cho sắc thì thật là lãng mạn!

Tôi bị kích thích bởi câu đó, bèn nghĩ phải làm thêm câu khác cho nó càng lãng mạn hơn cơ, thậm chí còn phải si tình nữa. Tôi nghĩ thêm câu thế này, vẫn cái tứ hoa đào cho sắc đấy:

Anh mê Đào của xứ Hoa, năm Chó say Đào, mê mẩn vì Đào cho sắc đấy! ” Tôi mê Đào quá, tôi mê Đào quá, sắc của em đẹp quá. Nên tôi phải nói Anh mê Đào của xứ Hoa, năm Chó say Đào, mê mẩn vì Đào cho sắc đấy.

VH : Nhưng Hoa đây có phải là hoa, sắc có phải là sắc không ạ?

HSP (bật cười sảng khoái ) Thế thì nhân tiện ông hỏi thế, tôi xin nói một cái ý thế này, coi như là để kết cái buổi nói chuyện nhỏ của tôi về câu đối Tết.

VH: Thì…

HSP (ngắt lời) Chữ nghĩa của câu đối ấy mà nhiều khi giải hết ra thì nó lại mất hay.

Vì câu đối là một dạng văn học rất tách biệt, nó rất ít chữ. Bài thơ tứ tuyệt còn có bốn câu, câu đối thì chỉ hai câu, có khi câu chỉ bảy chữ thậm chí năm chữ. Vì số chữ nó ít nhưng vì nó ít mà lại muốn mang những nội dung lớn, thì mỗi một chữ phải mang rất nhiều ý nghĩa.Cái khổ của câu đối chính ở chỗ số chữ chỉ được ít rồi, nhiệm vụ của mỗi chữ đã nặng rồi, mà các chữ này không hề được tự do mà bị ràng buộc bởi rất nhiều điều kiện, như luật bằng trắc, cái chữ đó phải là vần bằng mới đối với trắc được, rồi ở chỗ đó nó phải là danh từ mới đối với danh từ được, thậm chí chữ ấy là chỗ người ta chơi mẹo thì anh cũng phải chơi mẹo vào cái chỗ ấy. Thế thì tôi thấy cái lạ là thế này, tại sao số chữ của nó ít thế mà nó phải gánh một cái trọng lượng nặng thế, phải làm nhiều nhiệm vụ thế, mà lại không cho nó điều kiện, mà lại gò cái chữ ấy vào trong rất nhiều điều kiện khác nhau, tại sao giời lại ác với nghệ thuật câu đối như thế? Thế nhưng rồi tôi ngẫm lại, thấy những người phải mang một cái trong lượng mà cuộc đời nó đè lên vai nhiều khi cũng thường là phải hoạt động trong những điều kiện hiểm nghèo hơn, chật hẹp hơn những người khác. Ngẫm ra đấy cũng là quy luật của nhân sinh ông ạ.

VH: Vâng, xin được cảm ơn ông Hà Sĩ Phu.


                                                        Phỏng vấn Hà Sĩ Phu

                  VỀ CÁC VẾ ĐỐI CỦA CÁC QUÝ THÍNH GIẢ

 

1/ VH : (Với tư cách người đã ra các vế mời đối năm nay, ông nhìn chung cuộc vui hưởng ứng Câu đối năm nay thế nào?)

HSP : Qua thông báo của đài RFA và thông tin từ bạn bè tôi được biết bạn bè khắp nơi đã nhiệt tình tham gia cuộc vui Câu đối năm nay nhiều hơn mọi năm. Vừa tạo được không khí đón Tết, vừa tăng cường giao lưu rộng rãi đấy là hiệu quả chính đã đạt được. Nghệ thuật câu đối là một trò chơi rất dân chủ, nó cho phép hai vế đối đáp tự do bộc lộ cái trí và cái tâm của mình, đồng cảm cũng tốt, mà đối chọi lại càng tốt. Những vế đối chọi của những địch thủ như Ngô thì Nhiệm và Đặng trần Thường, như Phạm đình Trọng và Nguyễn hữu Cầu, như các sứ thần nước ta với triều đình phương bắc, hay địch thủ bỡn cợt như Đoàn thị Điểm và Trạng Quỳnh…đều để lại những câu đối muôn đời truyền tụng.

     Dù đồng cảm hay đối địch nhưng nghệ thuật phải giỏi, phải hay. Về mặt này ta không thể đòi hỏi cao, vì đây chỉ là cuộc vui chung rộng rãi, số đông chưa nắm được luật Câu đối nên hỏng về luật bằng trắc . Theo cảm nhận thô sơ của cá nhân tôi thì mấy chục vế đối có thể chia làm ba cấp độ.

2/ VH : (Trong ba cấp độ ấy, cấp độ 1 chắc là khá nhất, ông thấy có được nhiều không?) 

HSP : Câu mời đối năm nay chẳng những hóc hiểm mà còn rơi vào tình huống khó đối, chứ không dễ như câu năm Canh thìn “Trời đã sang Canh đừng vị Kỷ”. Vế đối thật toàn bích thì chưa có, nhưng cũng có gần 10 câu khá tốt.

Ví dụ : 3 câu của  Hải Vân.

- Hoa Đào cho sắc mừng năm Chó ! Trúc mọc bờ ao đẹp biết bao !

    (lấy tứ từ ca dao : Trúc xinh trúc mọc bờ ao)

- Đào của xứ Hoa, cho sắc để mừng năm Chó đấy ! Trúc miền đất tổ, bờ ao đứng thẳng tự bao đời! (Trúc ở đây tượng trưng cho những người quân tử- trượng phu của đất nước, không chịu cúi đầu)

- Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi! Trẻ ranh, không được rờ anh ! (mắng một cô tiếp viên nhà hàng lả lơi) (Nếu đổi là “Trẻ ranh, cấm rờ vào anh” thì chỉnh hơn).

 Câu của  Ngang Cung :

- Vẫn bài Giai cấp đấu tranh, lê mác lại mài…cho sắc nhỉ ? Còn cái Hoà bình diễn biến, búa liềm thôi hãy…chôn lùi đi ! (Không bỡn cợt bằng cách đánh vần mà bằng cách nói lái). 

  Câu của Tú Rớt :

- Hoa Đào cho sắc mừng năm Chó ! Lá lay câu hỏi, đón xuân Cầy ! ( đánh vần Câu hỏi Cẩu, rồi chuyển Cẩu thành Cầy) (Nếu đổi Lá lay thành Lá Mơ có lẽ hay hơn, vì Mơ và Đào đều vừa là danh từ vừa là động từ)

   Và cũng có thể kể hai câu của ông Nguyễn Thanh Giang, đối để đùa cho vui:

- Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi ! Thanh hoá, đầy hoa đầy sắc !

- Hoa đào cho sắc mừng năm Chó ! Em gái mi huyền chén bánh !

3/ VH : ( Cấp độ thứ 2 thì thường khiếm khuyết về điểm nào?)

HSP : Cấp độ thứ 2 thì coi là đúng luật, nhưng chữ dùng hơi bị tối nghĩa, tức là hơi gò ép, không được tự nhiên nên cần phải giải thích mới hiểu được. Loại này khá nhiều ví dụ:

- Hoa đào cho sắc mừng năm chó! Chậu quất chờ im đón tiếng chim! (Trường Sơn)

- Hoa đào cho sắc mừng năm Chó ! Tặng chùm dâu nặng tiễn năm ! (Cao Huấn)

- Hoa đào cho sắc mừng năm Chó! Trúc bạch mơ huyền tết bụi mờ ! (Ngang Cung)

- Đào của xứ Hoa, cho sắc để mừng năm Chó đấy! Đảng nơi quê Việt, mơ huyền còn phủ bụi mờ chi!(Ngang Cung)

   …  …

4/ VH : (Thế còn những câu ở cấp độ 3 theo sắp xếp của ông thì có đặc điểm gì, có chấp nhận được không ?)

HSP : Loại này thì “thất luật”, tức là phạm luật bằng trắc, một luật cơ bản nhất của câu đối.

Hai vế của câu đối ví như hai chiếc giày của một đôi giày,hay như người và hình trong gương, nó đối xứng nhau chứ không giống trùng nhau. Người ta đưa một chiếc giày chân trái thì mình phải đối bằng chiếc giày chân phải thì mới thành một đôi được. Nhiều bạn lắp lại cấu trúc bằng trắc của vế xuất đối tức là ta có 2 chiếc giày cùng một bên. Tiếc rằng nhiều câu có nội dung rất tốt, nhưng thất luật nên không chấp nhận được.Ví dụ một số câu như :

- Hoa đào cho sắc mừng năm Chó! Nam quan ai hỏi đau lòng ải ! (Trương Cang)

- Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi ! Năm Cẩu, vừa câu vừa hỏi ! (Mèo Mun)

- Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi ! Chó đẻ, vừa đe vừa hỏi ! (Phùng Mai)

- Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi ! Năm Chó, viết cho thật sắc! (Cao Huấn)

- Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi ! Cách mạng, có mang nặng! (V.Lang)

- Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi ! Năm rắn, lời răn chưa sắc! (Cao Huấn) …  …

5/ VH : (Chúng tôi thấy ngoài những vế đối còn có những bài viết, những lời bình, ông có đọc không?)

HSP : Tôi mới chỉ có hai bài của Phùng Mai và Ngang Cung. Cảm ơn hai bạn đã dành cho tôi nhiều thiện cảm và những lời phân tích rất hay. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm vài ý để thông cảm với nhau hơn.

Ví dụ : Con chó rất đáng mến, sao tôi lại nặng lời với nó, và lại rủa nó là đồ lục súc? Ở đây có sự khác biệt giữa con chó thực và chữ chó trong ngôn ngữ. Tôi dám cam đoan là hầu hết con người đều coi chó là một động vật nuôi có ích, gần gũi, đáng yêu. Nhưng trong ngôn ngữ Việt không hiểu sao có biết bao thành ngữ gắn chữ chó với sự xấu xa, phi nhân : ngu như chó, hỗn như chó, bẩn như chó, đểu như chó, dại như chó, đồ chó má…Cho nên khi cần phê phán tính “phi nhân” là ta dùng những từ ngữ ấy để diễn tả. Có thể nói ở đây chữ “chó” đã được nhân cách hoá, nó tách rời khỏi con chó cụ thể.

Còn chữ lục súc là chỉ 6 con vật nuôi trong nhà, theo từ điển Hán Việt của Đào duy Anh thì lục súc gồm ngựa, trâu bò, dê, cừu, gà, lợn. Nhưng khái niệm gia súc gồm tiểu gia súc và đại gia súc thì lại không có gà. Còn mắng nhau là “ đồ cục súc” thì lại không liên quan gì đến chữ lục súc cả.

Có bạn đọc liên hệ chữ Hoa, chữ Đào với tên người, tên nước. Đa nghĩa vốn là quyền lực của câu đối. Nhưng xứ Hoa hiểu là xứ Trung Hoa, người Hoa thì còn có lý, chứ không ai gọi Hoa kỳ là xứ Hoa cả.

6/ VH : (Để kết câu chuyện của chúng ta về Câu đối Tết, ông có muốn gửi gắm điều gì với các quý thính giả của chúng ta?)

HSP : Trước hết ,sau khi thưởng thức các vế đối của các bạn bè gần xa, tôi thấy tự mình cũng phải cố đối những vế mà mình đã nêu ra. Thú thực tôi thấy mình cũng thấy khó đối thật. Nghĩ suốt một ngày hôm qua mới đối được 3 câu :

- Năm Khuyển, vừa khuyên vừa hỏi ! Mác , vẫn lờ thì ê ! (Chủ nghĩa Mác Lê đã bị nhiều đảng viên và quần chúng đề nghị bỏ đi, nhưng Đảng vẫn cứ lờ đi, nay vẫn cứ lờ nữa thì ê mặt!) 

- Hoa Đào cho sắc mừng năm Chó ! Mỹ Bút chờ ông vót mũi chông! (Bút mỹ hay Mỹ bút là bút đẹp, bút tốt, cũng lấy tên ông Bush để đối với ông Đào. Nên dùng bút tốt để viết nên những bài sắc sảo, như những mũi chông tiến công vào những gì bảo thủ, trì trệ, phi nhân bản)

- Đào của xứ Hoa, cho sắc để mừng năm Chó đấy !

  Thày trong lò Võ, đai huyền sao chịu rớt đài đây !  (huyền đai là đẳng cấp cao trong lò Võ. Trong trường đấu chính trị, nhiều khi một vị huyền đai mà thua một anh lái lợn hay anh cai đồn điền cũng nên)

  Còn câu “Anh mê Đào của xứ Hoa, năm chó say Đào, mê mẩn vì Đào cho sắc đấy!” thì tôi cũng như anh Phùng Mai đã nhận xét về tính hóc hiểm của vế đối, tạm thời chưa đối được, vì những chữ trọng yếu thì đa nghĩa đa đành, những chữ phụ trợ trong đó cũng đa nghĩa nốt, mà nghĩa nào cũng rõ ràng , rành mạch. Chúng ta cùng nghĩ thêm xem sao. Cũng như vế xuất đối của anh Sáu Hậu : “Đêm ba mươi mõ khua lóc cóc, khoá sổ năm Gà!”  cũng là một vế đối hay lắm,chưa ai đối được, vì lóc là LOCK là khoá, cóc là COCK là con gà. Ta còn nợ nhau khá nhiều đấy.

 Nhưng bình luận cũng để chơi cho vui, vui Tết mới là chuyện chính. Tôi xin nhắc lại ý đã nói ban đầu : Câu đối là một trò chơi Dân chủ, hai vế thuận chiều cũng tốt mà ngược chiều, chọi nhau lại càng thú vị hơn, miễn là phải văn hoá, phải nghệ thuật, phải hay!

Đấy cũng là ước vọng đầu xuân mà tôi muốn CÂU ĐỐI đem đến, tặng hết thảy quý thính giả gần xa.

VH : Xin cảm ơn ông../.                                                                   


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ