LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Câu Đối

Ất Dậu, lại nghĩ về Tú Xương

                                                      

    Vế mời đối năm nay, lúc đầu tôi định viết rằng : Chúc vào Vê-kép-tê-ô, tê liệt ô dù, phát lộc phát tài, đừng phát xít ! (Vê –kép-tê–ô hay WTO là tên viết tắt của tổ chức Thương mại Quốc tế ,  được diễn dịch thành 4 chữ Việt để đưa vào câu đối ). Tôi cũng đã có vế đối lại, nhưng rồi thấy cách chơi chữ ấy ngoắt ngoéo quá, khó đối quá, sẽ mất vui, nên đã đổi thành : Chúc cho Phát triển, Phát minh, Phát lộc, Phát tài, không Phát...Xít ! Mẹo chơi chữ chỉ tập trung vào chữ Phát Xít cuối cùng : cũng là “Phát” nhưng là tiếng Anh tiếng Pháp chứ không phải tiếng Việt. Chữ Xít lại viết hoa nên hàm ý rằng “phát gì cũng được nhưng đừng phát ra cái ông Xít ta lin!”. Thế là chữ Phát đa nghĩa, chữ Xít đa nghĩa. (Câu đối Hán Nôm nhiều khi còn thâm thúy và đa nghĩa hơn cả câu đối thuần Hán nữa).

 

   Theo tin bạn bè cho biết,  đã có khoảng 30 vế đối lại, trong đó có những câu rất “được”. Xin nêu mấy câu ra đây làm ví dụ :

               1/ Hai câu của nhà thơ Tân Văn ở Canada :

                   - Mong đợi Công tâm, Công lý, Công bình, Công chính, bớt Công... an !

                   - Xin hãy Tương thân, Tương trợ, Tương sinh, Tương ái, chớ Tương...tàn!

              2/ Hai câu của bút danh Hà thành tạp bút :

                   - Buồn vì Tăng lương, Tăng giá, Tăng chi, Tăng thuế , sẽ Tăng...xông!

                   - Để cho Dân bàn, Dân biết , Dân làm , Dân kiểm , kẻo Dân...khinh !

              3/ Một câu của bạn Sầu Đông :

                   -Cầu rằng Cầu phước, Cầu Thọ, Cầu Tài, Cầu lộc, chẳng Cầu ...Vinh!

  Còn các câu khác đều có ý hay nhưng đa số bị thất luật, cụ thể là hỏng về luật đối bằng trắc. Có những trường hợp có thể linh hoạt châm chước về bằng trắc , nhưng trong trường hợp này,  để đối lại các cặp từ Phát triển , phát minh, phát lộc, phát tài, phát xít thì cần giữ luật đối bằng trắc đối với từng chữ thì câu đối mới hay được (xin phép không thể giải thích ở đây vì sẽ dài dòng).

 

    Nhưng với câu đối , thì điều cốt lõi vẫn nằm ở nội dung, ở cái hàm ý , và nhất là ở cái sắc thái của tư tưởng và tình cảm muốn diễn đạt.

Thôi thì “Phát” gì cũng  được, miễn là đừng “Phát xít Hít-le”, đừng phát ra cái ông Xít-ta-lin ! Cái thói muốn dùng bạo lực để áp đặt đối với con người, dù trong gia đình hay trong xã hội , dù là thói Gia trưởng hay Tù trưởng cũng đều thuộc phạm trù Luật Rừng, nó là tàn tích của Thú tính mà trên đường tiến hóa ta chưa gột rửa hết. Dân chủ hóa là quá trình dai dẳng chống Thú tính trong quá trình hoàn thiện Con người, đó vốn là chuyện của muôn đời, nhưng không hiểu sao bỗng dưng Tết này tôi lại nghĩ đến nó mà nảy ra lời chúc ấy.

 

  Xuất đối rằng : - Chúc cho Phát triển, Phát minh, Phát lộc, Phát tài, không Phát...Xít ! và tôi đã tự đối như sau: –Xin hãy Thu lôi, Thu vũ,

                                                                  Thu dung, Thu phục, chẳng Thu...mình !   

(Thu và Phát vốn là một cặp đối nhau. Thu gì cũng được, thu sấm sét giông bão , thu phục nhân tâm lại càng tốt, nhưng đừng thu mình lại trong cái tôi ích kỷ nhỏ bé để cầu an).

 

    - Kể ra cũng chẳng có gì mới. Năm Canh thìn 2000, tôi cũng mời đối : Trời đã sang CANH đừng vị KỶ ! (mà đã có nhiều vế đối lại rất hay!). Con người càng văn minh càng gắn chặt cá nhân mình vào cộng đồng. Một người sống được trên đời là từng giây từng phút chịu ơn Nhân quần nhiều lắm. Nếu không nghĩ việc trả nợ Nhân quần mà chỉ lăm lăm vơ mọi thứ cho mình thì chỉ là kẻ ăn quịt. Vị kỷ là ăn quịt. Thu mình lại, tuy có nhẹ hơn, cũng là quên nợ.

   Luật Rừng đi đôi với Vị Kỷ đều là những bản năng thú tính, chưa tiến hóa. Dân chủ đi đôi với tự do cá nhân, giải phóng cá nhân, là biểu hiện tiến hóa cao hơn. Nực cười thay nhiều người đạo đức giả, hô hào chống Chủ nghĩa Cá nhân nhưng lại khư khư giữ chế độ Chuyên chính, không biết rằng Chuyên chính là cái nền thuận lợi nhất để cho chủ nghĩa Cá nhân vị kỷ cực đoan phát triển ! Đã chuyên chính ư,  thì dù là chuyên chính tập thể chăng nữa, trước sau thế nào cũng vơ vào cho cá nhân hàng tỷ đô la, hàng tấn vàng gửi Ngân hàng nước ngoài cho mà xem, trong khi dân thì cứ việc tự hào  đứng ở bậc nghèo gần nhất thế giới !. Cuộc sống sa hoa của gia đình Markos, của Sadam Hussein, của Brê-giơ-nép, Ceau Cescou, cha con Kim Nhật Thành, gia đình Suharto... là những ví dụ sinh động về tính tất yếu giữa Chuyên chính và Vị kỷ.

 

- Câu đối năm xưa mong đừng Vị kỷ, năm nay mong đừng Phát xít thì chung quy cũng chỉ là chúc cho quá trình Phát triển Nhân tính , như  cụ Tú Xương chúc cho “Vua quan, sĩ thứ người trăm nước (trong nước), sao được cho ra cái giống Người” thôi

Tôn Ngộ Không múa cây thiết bảng, tung hoành, đằng vân giá vũ mãi mà vẫn không vượt khỏi ngón tay của Phật Bà Quan Âm, còn tôi múa may chữ nghĩa mấy năm nay vẫn chưa vượt khỏi lời chúc Tết của cụ Tú Vị Xuyên .

     Dám chúc cho cả đám vua quan cao ngạo vị kỷ và đám lê dân đáng thương đáng giận sống cho ra cái giống người ! Lời chúc thật oai hùng và bất hủ. Tú Xương là một nhà câu đối, một “nhà thi hỏng” vĩ đại, một nhà chúc tết kiệt xuất mà ta mến yêu. Vậy nên xin mượn lời chúc Tết bất hủ ấy để kết thúc lời tâm sự đầu năm này (*) .

                                                                                                   HSP- Xuân Át Dậu

------------------------------

(*) Trước khi kết thúc cũng xin bộc lộ chút lòng ghen tỵ với cụ Tú Xương : Cụ chúc cho cả VUA QUAN, cả SĨ THỨ và mọi người trong nước sống cho ra cái giống NGƯỜI ! Lời chúc Tết “nặng” ngàn cân thế mà cụ chẳng hề hấn gì, mà sao chưa mắc cái tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để “xâm hại đến nhân dân và lãnh đạo” kể cũng lạ. Chứ tôi thì viết câu gì cũng phải nhẹ nhàng, ý tứ, vậy mà cứ sắp đến Tết là y như rằng bị Công an gọi lên thẩm vấn về tội viết lách gây nguy hại đến An ninh quốc gia!.Tết Át Dậu này cũng vậy, xuýt nữa thì tôi mất cả Tết, mất cả Câu đối. Vậy xin được thắp nén nhang trước bàn thờ Tú Xương, nhà thơ bậc thày về câu đối và chúc Tết (sống giữa thời nô lệ cách đây hơn một thế kỷ), để khấn rằng:  “ Chạch ơi, mày  đẻ ngọn đa ! Để tao được viết như là... Tú Xương!

    Cũng có người cho rằng câu chúc nổi tiếng kia có thể của một người nào đó thêm vào bài Chúc Tết của Tú Xương, nhưng tôi nghĩ nếu đúng như vậy mà không biết người viết thêm kia là ai thì điều ấy cũng không quan trọng, khi câu chúc ấy hoàn toàn nhất quán với văn phong và con người Tú Xương.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ