LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Kiến nghị của 17 người đòi trả tự do cho HSP


Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Kính gửi
Ông Nông Đức Mạnh - Tổng Bí Thư Đảng
Ông Trần Đức Lương - Chủ Tịch Nước
Ông Phan Văn Khải - Thủ Tướng Chính Phủ
Ông Nguyễn Văn An - Chủ Tịch Quốc Hội

Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, xin được trình bày cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đôi điều suy nghĩ và mấy kiến nghị sau đây :

Trong suốt quá trình cách mạng của chúng ta, bên cạnh các lĩnh vực quân sự, ngoại giao, kinh tế, ... đấu tranh chính trị luôn có vị trí quan trọng và đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên những năm gần đây, đặc biệt là từ sau Đại Hội IX, trong lĩnh vực này đã thể hiện rất nhiều bất cập, sai trái, đặc biệt là ở các hoạt động liên quan đến bảo vệ an ninh chính trị.

Do quá non yếu trong cập nhật và phát triển về lý luận, cũng như không tổ chức được đấu tranh tư tưởng một cách chính quy, hợp lý, hợp pháp, các lực lượng an ninh văn hóa tư tưởng thường phải lạm dụng quá nhiều thủ đoạn bất minh và các biện pháp trấn áp thô bạo. Do vậy xã hội ngày càng trở nên bức bối và những hậu quả tai hại rồi đây sẽ không thể lường được. Sức trỗi dậy của ý thức trách nhiệm công dân, của những tư tưởng đúng đắn cần thiết cho công cuộc đổi mới đích thực bị đè nén không chỉ làm cho xã hội không thể phát triển lành mạnh mà còn ấp ủ những hiểm họa mục ruỗng có nguy cơ sụp đổ. Mặt khác, tình trạng này còn đang làm xấu đi hình ảnh của đất nước, của dân tộc trên trường quốc tế. Do vậy không chỉ cản trở tiến trình hội nhập cần thiết mà conụ nguy cơ đẩy ngược đất nước về trạng thái cô lập trước đây cùng với lởn vởn rất nhiều kẻ thù tự tạo ra để luôn luôn phải đương đầu.

Chúng tôi xin điểm qua một số sự việc xảy ra rất đáng phàn nàn do các lực lượng an ninh chính trị đã gây ra trong thời gian vừa qua :

1/ Hai ngày sau khi Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh nhậm chức, công an Hải Phòng chặn bắt người cựu chiến binh gần 70 tuổi Vũ Cao Quận rồi tống giam ông suốt 9 ngày chỉ để tra hỏi về các bài viết của ông và của các trí thức và lão thành cách mạng khác. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Phan Thúy Thanh phải bai bải chối rằng ông Vũ Cao Quận không hề bị bắt. Như vậy thì còn đâu thể diện quốc gia khi cả thế giới đều biết Nhà nước ta, Đảng ta nói dối một cách trâng tráo.

2/ Ngày 12 tháng 7 năm 2001, công an thành phố Hồ Chí Minh chặn bắt để cướp đoạt bản ghi chép những cảm nhận của Tướg Trần Độ về Đại Hội IX. Hành động thô bạo, nhục mạ nhân phẩm một cách tàn tệ đó làm cho vị công thần cách mạng huân chương Hồ Chí Minh này uất ức phải vào bệnh viện cấp cứu thập tử nhất sinh.

3/ Ngày 5 tháng 9 năm 2001, chỉ vì lá đơn xin thành lập Hội Nhân Dân Ủng Hộ Nhà Nước Chống Tham Nhũng mà đại tá Phạm Quế Dương, nhà nghiên cứu xã hội học Trần Khuê, cựu viện trưởng triết học Hoàng Minh Chính cùng gần 20 người, đa số là các cán bộ cách mạng kỳ cựu hoặc bị bắt bớ, hoặc bị sách nhiễu.

4/ Suốt tháng 9 và tháng 10 năm 2001, cho người viết bài ký nặc danh rồi tán phát rộng rãi để xuyên tạc, bôi nhọ nhà văn Hoàng Tiến, nhà xã hội học Trần Khuê, dựng lại cảnh đấu tố nồng nực khắp các khu dân cư đối với các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Lê Chí Quang. Đặc điểm của các cuộc đấu tố này đều là tổ chức vắng mặt đương sự để dễ bề tạo dựng một số tên cò mồi mạt hạng thóa mạ bừa bãi bất chấp sự thật, bất kể đạo lý.

5/ Chặn đường bắt nhà thơ cách mạng Bùi Minh Quốc trên đường về nhà sau một chuyến đi tìm thực tế ở mấy tỉnh biên giới phía Bắc. Ra lệnh quản chế 2 năm đối với ông chỉ vì khám hành lý của ông có mấy trăm trang ghi chép và tư liệu không liên quan gì đến bí mật quốc gia. Cùng bị đẩy vào cảnh tù tại nhà hiện nay còn có nhà xã hội học Trần Khuê, tiến sĩ sinh vật học Hà Sĩ Phu.

6/ Tháng 1 năm 2002 thứ trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin Phan Khắc Hải ký quyết định truy tầm và tiêu hủy 4 cuốn sách : "Gửi lại trước khi về cõi" của Vũ Cao Quận, "Đối thoại năm 2000" của Trần Khuê và Nguyễn thị Thanh Xuân, "Suy Tư và Ước Vọng" của Nguyễn Thanh Giang, "Nhật ký rồng rắn" của Trần Độ. Quyết định này vô giá trị vì không ai thực hiện. Chẳng những thế mà nó còn bị dư luận trong nước và thế giới lên án rất mạh mẽ.

7/ Bắt giam hàng loạt anh em trẻ với những lý do không xác đáng. Giam cựu chiến binh chống Mỹ Nguyễn Khắc Toàn đã hơn 4 tháng với "tội trạng" : dám quan tâm thu thập và hỗ trợ chuyển đơn của bà con vì chống tham nhũng, vì bị ức hiếp ở các địa phương mà kéo về biểu tình trước hội trường Quốc Hội. Giam cử nhân luật Lê Chí Quang đã hơn 4 tháng chỉ vì những bài viết bày tỏ những quan điểm của anh trước các vấn đề đối nội và đối ngoại của Đảng, Chính phủ. Giam bác sĩ y khoa, thạc sĩ kinh tế Phạm Hồng Sơn chỉ vì bản dịch tài liệu "Thế nào là dân chủ" và bức thư gửi tổng bí thư Nông Đức Mạnh trao đổi về dân chủ hóa đất nước...

8/ Không hề thông báo chính thức nhưng suốt gần năm trời, đã cắt điện thoại cả gia đình của các ông : Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến, Trần Khuê, Trần Dũng Tiến, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đan Quế, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Vũ Bình... Hành động lén lút này không đem lại hiệu quả cần thiết (vì hầu hết đã chuyển sang sử dụng Mobai và nhiều ông càng trả lời phỏng vấn nước ngoài quyết liệt hơn) mà chỉ làm cho chính quyền bị mang tiếng là hành động quẫn. Có lời bình luận rằng : ở Việt Nam nhiều công dân bị đối xử tồi tệ hơn tù nhân ở các nước phương Tây; ở đấy, ngày nay tù nhân vẫn còn được sử dụng điện thoại.

9/ Sách nhiễu, giam cầm hàng loạt tín đồ và các chức sắc tôn giáo...

Tình trạng đàn áp liên tục, trắng trợn, bất chấp đạo lý, không cần chứng cứ, lý lẽ, ngang nhiên vi phạm ngày càng thô bạo luật pháp, Hiến pháp làm cho nhiều người nhận xét rằng : cùng với "Nhân Văn Giai Phẩm" và "Xét lại chống Đảng", đây là một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử đảng CSVN trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, lý luận.

Vì vậy chúng tôi đồng thanh kiến nghị :

1/ Bộ Chính Trị cần mở hội nghị nhận định lại về việc thực thi các biện pháp an ninh chính trị, văn hóa, tư tưởng trong thời gian gần đây, có các cơ quan nội chính, đối ngoại, thương mại, khoa giáo... tham gia. Phân tích sâu sắc những tác hại trước mắt và lâu dài mà các lực lượng an ninh đã gây ra để uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết xử lý những cán bộ do cơ hội hoặc non kém đã gây nên tình hình xấu đó. Xác định rõ nguyên nhân vì sao có tình trạng buông lỏng để xảy ra hàng loạt những hiểm họa lớn như Năm Cam, Thái Bình, Tây Nguyên..., trong khi tập trung xoay ngược vũ khí tấn công vào các trí thức và lão thành cách mạng tâm huyết với đất nước.

2/ Nếu đủ bằng chứng tội phạm thì sớm đưa ra tòa xét xử công khai; nếu không thì phải trả tự do ngay cho cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn, cử nhân luật Lê Chí Quang, Bác sĩ - thạc sĩ Phạm Hồng Sơn...

3/ Giải quản ngay cho nhà thơ chiến sĩ Bùi Minh Quốc, nhà xã hội học Trần Khuê, tiến sĩ sinh vật học Hà Sĩ Phu, đồng thời hủy bỏ Nghị Định 31/CP, một bản nghị định hoàn toàn vi hiến, phi pháp.

4/ Nối lại điện thoại cho những gia đình đã kể tên trên đây. Chấm dứt mọi hành động trù dập , bôi xấu, sách nhiễu công dân của các cơ quan công quyền.

Nỗi uất ức, phẫn nộ, tiếng kêu than, lời phỉ báng... đã râm ran khapé đất nước cũng như cả hoàn cầu, để tránh những phán xét nặng nề nhất định sẽ có trong lịch sử, chúng tôi khẩn khoản kính mong quý vị hết sức lưu ý đến nội dung bản kiến nghị này vì tính chất nguy khốn của nó. Thực tế đang nghiêm khắc đòi hỏi ở sự sáng suốt, công minh cần thiết của quý vị vì một chính quyền của dân, do dân, vì dân, vì một đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 2002

Những người ký tên

Tên tuổi và địa chỉ những người ký :

1/ Nguyễn văn Bái - 82 tuổi - Nhà giáo - thân sinh Nguyễn Khắc Toàn
11 Ngõ Tràng Tiền - Hà Nội
Điện thoại : 8 260244

2/ Nguyễn Vũ Bình - nguyên phóng viên Tạp Chí Cộng Sản
Số nhà : 26 tổ 67b - phường Vĩnh Tuy - Hà Nội

3/ Hoàng Minh Chính - nguyên tổng thư ký đảng Dân Chủ Việt Nam, nguyên tổng thư ký Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Triết Học
26 Lý Thường Kiệt - Hà Nội

4/ Nguyễn Kim Chung- Kỹ sư nông nghiệp - thân sinh Lê Chí Quang
22 phố Trung Liệt - Hà Nội
Điện thoại : 8 514000

5/ Phạm Quế Dương - đại tá QĐNDVN - nguyên tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự
37 Lý Nam Đế - Hà Nội

6/ Nguyễn Thanh Giang- Viện sĩ tiến sĩ Địa Vật Lý
Nhà A13P9 - Tập thể Phòng không Hòa Mục
Phường Trung Hòa - Quận Cầu Giấy

7/ Vũ Thúy Hà - thư ký Văn phòng giám đốc Francophonie Châu Á - Thái Bình Dương
Nhà riêng: 72b Thụy Khuê - Hà Nội
Điện thoại : 9 840858

8/ Vũ Kính - 73 tuổi - Cựu chiến binh, thương binh chống Pháp, tham gia quân đội 1947, vào đảng năm 1947, thiếu tá QĐNDVN
41c - ngõ 120, đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội
Điện thoại: 8 472968

9/ Trần Khuê - cán bộ Viện Hán Nôm đã nghỉ hưu
296 Nguyễn Trãi - Tp Hồ Chí Minh
(đăng ký tham gia nhưng bị quản chế, không tiếp xúc để lấy chữ ký được)

10/ Phan Long (Hồng Long) - 85 tuổi đời, 56 tuổi đảng, tham gia CM từ năm 1936 trong phong trào Đông Dương Đại Hội, nguyên Phó Chủ Tịch tỉnh, nay vẫn sinh hoạt Đảng đều đặn.
Số nhà : 2, ngách 43/43 đường Chùa Bộc - Hà Nội
Điện thoại : 5 743698

11/ Nguyễn Xuân Phúc - Cựu chiến binh chống Mỹ
11 Ngõ Tràng Tiền - Hà Nội

12/ Trần thị Quyết - cán bộ hưu trí
11 Ngõ Tràng Tiền - Hà Nội

13/ Chu Thành - Nhà thơ, bút danh Tú Sót
16 Nguyễn Thượng Hiền - Hà Nội
Điện thoại : 8 535911

14/ Nguyễn Thụ - 75 tuổi, nguyên cán bộ cơ mật xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên vụ phó Vụ Trọng Tài KinhTế Trung Ương
Điện thoại : 9 430718

15/ Trần Dũng Tiến - Cựu chiến binh, quyết tử quân Tiểu Đoàn 523 Hà Nội
12/95 Cự Lộc - Thanh Xuân - Hà Nội

16/ Hoàng Tiến - nhà văn
Phòng 420, nhà A11, Thanh Xuân Bắc - Hà Nội

17/ Trần Đại Sơn - 54 tuổi Đảng, quyết tử quân đội tự vệ chiến đấu Thành Hoàng Diệu (1945), nguyên trưởng ban Trinh Sát đặc công Sư đoàn 308b
51 Hàng Bài - Hà Nội
Điện thoại : 8 263700

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ