LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Thư yêu cầu của HSP


Hà Sĩ Phu              Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam

                                     Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

                                          THƯ YÊU CẦU

                    (tiếp theo đơn khiếu nại không được trả lời)

Kính gửi :

         - Ong Trần Đức Lương, chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

          - Ong Nông Đức Mạnh, chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN

                                                                                       Việt Nam

           - Ong Lê Minh Hương, bộ trưởng Bộ Công an

           - Ong Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao

           - Ong Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm đồng

           - Ong Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Lâm đồng

                                    ...

   Tôi là Nguyễn Xuân Tụ, tức Hà Sĩ Phu, 61 tuổi, Tiến sĩ  Sinh học, cán bộ hưu trí, hiện ở 4E Bùi thị Xuân, Phường 2, Đà lạt, Lâm đồng.

    Ngày 19 - 5 - 2000 tôi đã gủi tới các quý ông một đơn khiếu nại, để các quý ông thấy rõ việc năm nay Nhà nước lại tiến hành khám nhà, thu giữ nhiều tài sản và khởi tố tôi về tội Phản bội Tổ quốc là một việc làm phi lý, phi nhân tâm. Tới nay đã 5 tháng tôi không nhận được một văn bản trả lời nào từ các quý ông, thế là tôi không được sống và đối xử theo đúng pháp luật.

    Trong khi đó tôi đã bị các cán bộ anh ninh của Bộ Công an và Công an Lâm đồng hỏi cung suốt 3 tháng trời, hiện nay tuy được tạm nghỉ hỏi cung nhưng tôi vẫn phải tiếp tục chấp hành lệnh cấm ra khỏi nhà một cách không ấn định thời hạn (mặc dù tôi được giải thích rằng chỉ cấm tôi ra khỏi nhà, còn bạn bè vẫn được tới nhà tôi bình thường).Theo luật của Nhà nước ta, văn bản khởi tố để điều tra chỉ có hiệu lực trong 4 tháng, hết hạn đó các cơ quan pháp luật phải ra một văn bản khác để giải quyết. Tới nay đã quá hạn 49 ngày mà tôi vẫn không nhận được bất cứ một văn bản theo thủ tục pháp lý nào cả, nhưng vẫn phải sống trong điều kiện cấm cố tại gia, tài sản chưa được trả, và lúc nào cũng phải chờ đợi gặp Công an. Vậy là tôi không được sống và đối xử theo đúng quy định và tinh thần của pháp luật (mặc dù chính pháp luật hiện hành của ta cũng còn rất nhiều điều phải bàn luận, nó còn chứa đựng rất nhiều điều bất lợi và nguy hiểm cho những công dân nào muốn hành xử quyền tự do tư tưởng và độc lập suy nghĩ.)

    Vì không thấy nhà nước thực thi những quy định mà chính nhà nước đã ban hành nên tôi viết thư này yêu cầu các cơ quan hũu trách trả lời tôi bằng văn bản về những vấn đề đã nêu trên.

                                                                            *

Nhân đây tôi thấy cần tóm tắt sơ lược những nét chính trong những vụ việc của tôi từ năm 1995 tới nay để các quý ông thấy việc nhà nước sử dụng luật pháp tùy tiện đối với tôi lần này không phải là lần đầu, không phải ngẫu nhiên , trái lại sự ứng xử ấy của nhà nước là có hệ thống :

- Vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” năm 1995 (xử năm 1996) : Vụ này nhà nước quy kết rất vô lý vì : bài phát biểu của thủ tướng Võ văn Kiệt khi đến tay tôi thì đã có rất nhiều người biết, báo nước ngoài đã đăng, chỉ có tôi là chưa được đọc, vậy tại sao tài liệu này còn là tài liệu bí mật được , và tại sao người làm lộ lại là tôi? Nhưng nhà nước cứ xử tôi một năm tù.

- Năm 1999, lấy cớ có 3 bức thư riêng của tôi gửi đích danh cho 3 ông Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà và Trần Độ, mà các thư này không hiểu vì  sao xuất hiện trên Internet để quy kết tôi là đã xuất bản một cách phi pháp, lấy cớ này để lại khám nhà và tịch thu toàn bộ thiết bị vi tính cá nhân của tôi. (trong khi điện thoại của tôi vẫn bị cắt dài dài, và tôi không gửi các thư ấy cho bất kỳ cơ quan thông tin nào),  Trong thời đại của xa lộ thông tin ngày nay, tôi không hiểu các cơ quan nhà nước hiểu thế nào là xuất bản? Tôi không hề làm gì liên quan đến việc xuất bản sao lại có thể phạm luật xuất bản ?.

- Năm 2000, lấy cớ tôi đã viết 2 thư riêng cho 2 nhà báo người Việt ở Pháp, cơ quan An ninh đã quy tôi vào tội đã “câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho nền độc lập, chủ quyền, chế độ...và như vậy là phản bội Tổ quốc” ! (tôi viết thư để từ chối không ký một văn bản lên tiếng chung về dân chủ, trong thư tôi đã nói rõ nhận thức của tôi về quy luật tiến triển rất đặc biệt của xã hội Việt nam để giải thích vì sao tôi không tham gia vào việc ký văn bản lên tiếng chung này), Tại sao nhận thức và ý kiến của một cá nhân không hề tiếp xúc gì với các bí mật của nhà nước lại có thể là mối nguy đối với một Nhà nước được? Đau lòng vì dân trí còn thấp, đất nước còn thua kém người ta về dân chủ , phê phán sự thiếu dân chủ và sự sống thiếu nhân cách lại là phản bội Tổ quốc ư ? Kẻ gây được nguy hại cho nền độc lập của một quốc gia hẳn phải là kẻ có một tổ chức, một sức mạnh vật chất ghê gớm chứ ; tôi có tổ chức gì, có sức mạnh vật chất gì ? Thế nào là “câu kết với nước ngoài”? Viết một bức thư cho một nhà báo người Việt ở nước ngoài nói về nhận thức xã hội và cảm xúc cá nhân của mình trước thời cuộc là một sự câu kết ư ? Câu kết với “nước ngoài” là nước ngoài nào ? (* Xin xem ghi chú ở cuối thư)

   Chính do sự phi lý rất dễ nhận thấy của những vụ quy kết đó nên rất nhiều nhà cách mạng lão thành, nhiều trí thức trong và ngoài nước, kể cả nguyên thủ của một số quốc gia mà chắc chắn Đảng CSVN không thể coi là thù địch đã lên tiếng bênh vực tôi, đòi trả lại cuộc sống tự do cho tôi, trong đó hầu hết là những người không quen biết gì tôi cả, nhưng qua các tác phẩm của tôi, người ta tin chắc chắn rằng đây là một người trí thức yêu đất nước mình, nên đã vắt óc suy nghĩ những việc chung, những quy luật chung đến quên cả nguy hiểm có thể ập đến cho bản thân. Vì thế những người ấy đã dám gắn cả uy tín, thân thế của họ vào một người mà họ chưa bao giờ quen biết như tôi.

    Hiện nay khắp nơi nói về thời đại của Kinh tế Trí thức mà ít ai lưu ý rằng trong thời đại ngày nay Trí thức chẳng những thâm nhập và quyết định trực tiếp vào Kinh tế mà đồng thời nó cũng thâm nhập và quyết định trực tiếp vào Chính trị, Văn hóa, Xã hội. Tương ứng với nền Kinh tế Trí thức không thể là nền Chính trị Mác Lê được, mà phải là một nền Chính trị Trí thức ! Nền Chính trị Mác Lê mà chúng ta đã hiến định và pháp định nó, được thiết lập dựa trên một hệ lý luận chỉ tương ứng với Kinh tế Công nghiệp giai đọan đầu, hoàn toàn xa lạ với nền Kinh tế trí thức ngày nay. Tất cả những bài lý luận của tôi chính là nhằm tiếp cận một cách cơ bản đến nền Chính trị Trí thức đó, tiếp cận từ phía Triết học. Chính trị Mác Lê phải được thay bằng một nền Chính trị Trí thức để đón nhận một nền Kinh tế Trí thức! Trong những bài lý luận, tôi đã nhận ra chân lý rằng mâu thuẫn cơ bản và trước tiên của mọi xã hội không phải là mâu thuẫn giai cấp đối kháng như Mác nói, mà đó là mâu thuẫn biện chứng tương sinh tương khắc giữa hai cực lãnh đạo và bị lãnh đạo (thống trị và bị trị ), quan hệ đó chính là phạm trù DÂN CHỦ, và đó cũng là vấn đề xã hội trung tâm của sự Tiến hóa nhân loại.Không giải quyết đúng đắn vấn đề này thì tiến bộ Kinh tế đến một lúc sẽ dừng lại và rối loạn; Sự “đổi mới” này người Cộng sản hoàn toàn có thể thực hiện thành công nếu đặt lợi ích nhân dân và đất nước lên trên hết. Tôi không làm Chính trị, nhưng quan điểm Tiến hóa ấy của tôi bắt nguồn vững chắc từ khoa học , nên nó sẽ chinh phục trí tuệ và lương tâm mọi người. Đó là nguyên ủy của những “tội trạng” mà tôi bị áp đặt, điều đó sáng rõ như ban ngày.

                                                                             *

   Trong khi những căn cứ để kết tội tôi chẳng có gì là thuyết phục cả, thì sự trừng trị và trấn áp của nhà nước đối với tôi lại đã quá nặng nề, dai dẳng. Hãy bỏ qua cái án một năm tù giam. Suốt năm sáu năm nay, dù ở trong nhà tù hay ngoài nhà tù tôi đều không có cuộc sống của một công dân tự do bình thường , lúc nào cũng bị bao vây, theo rõi đến từng bước đi, từng lời đàm thoại. Và bây giờ đang cấm không được ra khỏi nhà ! Mới có 5 năm mà ập vào khám nhà 3 lần, mang đi tất cả những gì là máu thịt của một người khoa học cầm bút. Mang đi tất cả những bài viết của tôi đã công bố và chưa công bố. Điều này vi phạm nhân quyền rành rành: Tác phẩm của tôi chẳng có bài nào bị ra lệnh cấm, vậy sao lại được tịch thu? Một văn phẩm hay nhạc phẩm chưa công bố của tôi mà bị thu đi, trong khi trong tay tôi lại không có, giả sử có một người nào đó đem in và nhận là của họ thì tôi lấy gì để bảo vệ bản quyền của mình? Thu đi những vật kỷ niệm cá nhân như băng ghi lời kể chuyện thủ thỉ của bà mẹ đã khuất của gia đình tôi, tập thơ của ông bác cách mạng lão thành của tôi, những sách vơ và thiệp chúc của bạn bè tặng, sổ tay ghi nhũng điều lặt vặt hàng ngày..., nhũng thứ riêng tư chẳng để lật đổ ai cả, như thế có vi phạm quyền con người  không? Về phương tiện làm việc , sau 3 lần khám nhà, đến nay nhà nước đã mang đi của tôi : một máy đánh chữ, 3 máy vi tính cá nhân, 2 máy in (printer), tổng số tiền lên tới vài chục triệu đồng. Nếu nói thu giữ để phục vụ việc điều tra liên quan đến các văn bản thì tất cả thông tin chỉ nằm trong đĩa cứng, đĩa mềm, sao lại thu đi chẳng những toàn bộ computer mà cả máy in, bàn phím, con chuột, loa nghe nhạc..v...v...? Những việc làm như vậy mang tính triệt hạ, và thất nhân tâm, cũng chẳng đúng về tinh thần luật pháp. 

                                                                           *

   Vì  những lý do trên , tôi viết thư  này yêu cầu các quý ông và các quý cơ quan như sau :

1/ Nếu Nhà nước có đủ tự tin rằng tôi là người có tội phản quốc thì hãy xúc tiến ngay việc thiết lập phiên tòa xét xử công khai (phải công khai vì việc của tôi không liên quan đến bất cứ một bí mật quốc gia nào cả),tạo điều kiện đầy đủ nhất để tôi thực hiện quyền mời luật sư và làm việc với luật sư. Và nếu vấn đề được làm sáng tỏ trước mọi người rằng quả là tôi là kẻ phản quốc thì tốt nhất là nên xử bắn, vì kẻ phản bội nhân dân và Tổ quốc mình, kẻ đó không đáng sống.

2/ Nếu thấy không có căn cứ để truy tố tôi thì phải trả lại ngay quyền tự do công dân đầy đủ cho tôi, đình chỉ vụ án, chấm dứt việc cấm cố tại gia, nối lại điện thoại, trả lại tất cả những tài sản đã thu giữ của tôi từ trước tới nay.

   Trong mọi trường hợp, tôi yêu cầu các cơ quan nhà nước chấm dứt ngay cách ứng xử mập mờ, nửa luật pháp nửa không luật pháp như hiện nay.

                                                    Đà lạt ngày 26 / 10 /2000

                                        Công dân: Tiến sĩ  Nguyễn Xuân Tụ

                                                             (tức Hà Sĩ Phu)

                                                     4E  Bùi thị Xuân, Đà lạt

 

Ghi chú: * Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các Hiến chương triển khai tuyên ngôn này đã được Chính phủ và Quốc hội Việt nam chuẩn y tôn trọng. Điều 19 của Tuyên ngôn này như sau:

“ Mỗi người đều có quyền tự do phát biểu ý kiến. Quyền này bao gồm quyền Tự do bảo vệ ý kiến mà không bị cản trở, cũng như tự tìm kiếm, thu nhận và truyền đạt những tin tức và ý tưởng bằng mọi phương tiện và qua mọi biên giới”. Việc làm của tôi chỉ là thực hiện một phần rất nhỏ trong quyền tự do này.


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ