LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Thư ngỏ về Dân chủ (Bùi Minh Quốc)


Bùi Minh Quốc        THƯ NGỎ VỀ DÂN CHỦ

 

            Thân gửi anh Hoàng Tiến,

            Sang năm mới, tôi định nghỉ ngơi ít tháng đọc tư liệu để viết tiếp cuốn tiểu thuyết về kháng chiến. Thế nhưng loạt bài của Nguyễn Như Phong phó tổng biên tập tờ “An ninh thế giới” khiến tôi phải cầm ngay lấy bút viết những dòng này.

            Cũng chủ yếu nhắc lại những điều đã nói thôi, nhưng là một sự nhắc lại cần thiết.

            Vụ án”Phản bội Tổ quốc” người ta chụp lên đầu Hà Sĩ Phu đã phải đình chỉ. Công lý đã thắng. Cái mưu toan hình sự hoá các quan điểm bất đồng (với chính thống) đã phải lùi một bước.

            Hà Sĩ Phu vô tội.

            Không những thế, Hà Sĩ Phu còn có công. Theo nhận xét của riêng tôi, Hà Sĩ phu rất có công với dân với nước. Chắc Hà Sĩ Phu chẳng màng ai nói đến công lao, nhưng vì lẽ công bằng, tôi thấy cần phải nói. Xin nêu sơ bộ mấy công ấy:

            -Theo chủ trương của đại hội Đảng lần thứ 6, Hà Sĩ Phu là một trong số rất ít người đi hàng đầu (1988) mạnh mẽ khơi lại cho xã hội TINH THẦN PHÊ PHÁN và một thái độ triệt để trong tư duy “Trong tư duy, không có vùng nào là vùng cấm”( HSP )

            -Nếu tôi không lầm thì Hà Sĩ Phu là người đầu tiên ở nước ta nêu ra và trình bày một cách thuyết phục luận điểm động lực phát triển xã hội không phải là đấu tranh giai cấp mà là Trí Tuệ. Từ đó đặt ra vấn đề lực lượng xã hội nào quyết định sự phát triển, và chiến lược phát triển xã hội phải thay đổi một cách căn bản và toàn  diện. Đại hội lần thứ 7 đưa Trí Tuệ thành tiêu ngữ (tuy còn nặng hình thức nhưng cũng là một chuyển biến bước đầu về nhận thức). Hiện nay trong quá trình chuẩn bị đại hội Đảng lần thứ 9, các báo nói nhiều về xây dựng “Đảng của trí tuệ và dân chủ”, dự thảo báo cáo đề cập đến kinh tế tri thức.

            -Hà Sĩ Phu đã phát hiện cho xã hội một tình hình rất nguy hiểm : sau khi quốc hữu hoá, tập thể hoá, sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất không những không mất đi mà chỉ chuyển dạng - dưới cái vỏ quốc doanh, tập thể là sự chiếm hữu tư nhân về quyền lực. Luận điểm này là cái “kính chiếu yêu” làm lòi mặt những thế lực “thẻ đỏ tim đen” miệng hò hét chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác Lê tay thì hối hả đục khoét vơ vét, dùng” chuyên chính vô sản” để tích luỹ tư bản (hoang dã).  Đây là một thế lực ăn bám và ăn cướp đặc chủng, vượt hẳn tất cả những thế lực ăn bám ăn cướp đã có trong lịch sử đất nước về quy mô và tốc độ. Xã hội ta đang chịu một đại hoạ không những chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa, hậu quả lâu dài và khó khắc phục là về văn hoá.

            -Trong khi khẳng định mạnh mẽ những đóng góp tích cực của chủ nghĩa Mác-Lê nin trong giai đoạn giải phóng dân tộc, Hà Sĩ Phu đồng thời chỉ ra một cách thuyết phục cái hại rất lớn của chủ nghĩa đối với dân tộc khi bước sang giai đoạn hoà bình xây dựng và phát triển, yêu cầu phải coi chủ nghĩa chỉ là phương tiện, chỉ là cái để dùng chứ không phải để thờ, dùng xong rồi bỏ, như dùng thuyền qua sông thì để thuyền lại bến (với lời cảm ơn) chứ không nên lẩn thẩn đội thuyền trên đầu mà đi tiếp.  Hiện nay tôi thấy nhiều cụ cách mạng lão thành đề nghị bỏ chủ nghĩa là rất phải lẽ.

            -Cái luận điểm căn bản nhất, cái hòn đá tảng trong hệ thống lý luận của Hà Sĩ Phu là luận điểm cho rằng: mâu thuẫn căn bản và trường kỳ của mọi xã hội la mâu thuẫn giữa thống trị và bị trị,giữa guồng máy quản lý xã hội vàbộ phận chịu sự quản lý, đây là mối quan hệ tương sinh tương khắc không thể giải quyết bằng đấu tranh một mất một còn, chìa khoá để giải quyết mâu thuẫn này là DÂN CHỦ.  Dự thảo báo cáo chính trị đại hội Đảng lần thứ 9 đã đưa DÂN CHỦ vào mục tiêu xây dựng xãhội. (Tổng biên tập tạp chí Cộng sản Hà Đăng nói Dân chủ là điểm mới của đại hội 9) Tôi không chuyên về lý luận, tôi chỉ nói cái công của Hà Sĩ Phu ở những luận điểm anh thuyết phục được tôi, chứ không hề vì cảm tình riêng mà bốc thơm cho bạn. Rất mong giới lý luận chuyên nghiệp có sự nhận xét đánh giá toàn diện, nhưng muốn thế thì cần phải đòi cho xuất bản công trình của Hà Sĩ Phu đã.

           Ngoài phần lý luận, tôi thấy cần phải kể đến một đóng góp nữa rất quan trọng, nếu không nói là quan trọng hơn, của Hà Sĩ Phu, trước hết là đối với giới cầm bút, giới “kẻ sĩ” chúng ta.

           Đó là đóng góp về KHÍ PHÁCH

           Hà Sĩ Phu đã nêu một tấm gương khí phách đáng khâm phục, sẵn sàng chấp nhận tù đày, cho đến cả cái chết ,để bảo vệ niềm xác tín của mình, để giữ vẹn tấm lòng son và ngòi bút thẳng (xin đọc Thư yêu cầu của HSP ngày 30-10-2000)

           Trong hoàn cảnh những tiếng nói độc lập luôn bị cấm đoán và đàn áp, mà thiếu một khí phách như thế, thì dù thông minh đến mấy, sắc sảo đến mấy,uyên bác đến mấy cũng khó có thể phát huy được trí tuệ, và rất dễ sa vào cảnh đem “trí tuệ” đi bợ đỡ kẻ quyền thế hoặc “im lặng tìm vàng”.

           Cái mũ PHẢN BỘI người ta chụp lên đầu Hà Sĩ Phu đã bị làn gió công lý, dù còn hiu hiu, thổi bay.

           Nhưng tôi lại thấy trong xã hội có một sự PHẢN BỘI thực sự, nó nằm ở chỗ khác.  Chúng ta cùng thử xét ngẫm xem có phải nó nằm ở đây không:

           -Trước hết là PHẢN BỘI MÁC

           Cái sẽ còn lại lâu dài của Mác là TINH THẦN PHÊ PHÁN. Đặt Mác lên bàn thờ, đưa Mác thành một thứ quốc giáo, cấm đoán mọi sự nhận xét phê phán Mác là phản bội Mác. (Trong lời nói đầu bộ “Tư bản”, Mác đã long trọng tuyên bố hoan nghênh mọi sự phê phán đối với mình)

           Suốt bao nhiêu năm, sinh hoạt lý luận, sinh hoạt tư tưởng của xã hội ta bị rút bỏ hầu như cạn kiệt tinh thần phê phán, thay vào đó là sự lây lan thâm nhiễm thói nịnh nọt, nói theo, nói leo, nói dối, nói một đằng làm một nẻo, ngồi cơ quan nói khác ra ngoài nói khác (về cùng một việc)… thói tật này đã thành một lối sống gần như bình thường, lại được che đỡ bằng đủ thứ triết lý nguỵ biện. Tước đoạt của xã hội tinh thần phê phán, quyền được phê phán là một hành vi kìm hãm sự phát triển xã hội rất ghê gớm, một hành vi phản động.

           -PHẢN BỘI ĐẠI HỘI 6

           Ngay những dòng đầu tiên của văn kiện đại hội Đảng lần thứ 6 đã nêu ra chủ trương làm nức lòng người: nói thẳng nói thật, đổi mới tư duy… Rồi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh hô “cởi trói”.  Thế nhưng, chỉ sau đại hội 6 ít lâu và mãi cho đến nay, nhiều người cầm bút nói thẳng nói thật theo chủ trương ấy đã liên tục bị đàn áp, mà trường hợp dai dẳng nặng nề nhất là Hà Sĩ Phu.

           -PHẢN BỘI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

           Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh dặn phải tiết kiệm, phải hoả táng thì lại xây lăng thật to, ướp xác vĩnh viễn vô cùng tốn kém, người đã khuất không được thoả vong linh mà con cháu thì lại càng không yên, khó bề ngóc đầu lên nổi. Di chúc dặn phải thực hành dân chủ, xây dựng một đất nước dân chủ thì bao nhiêu năm ngay trên quốc hiệu cũng vắng bóng hai chữ dân chủ nói gì đến quyền tự do báo chí, quyền tự do ứng cử bầu cử cùng các quyền khác của người dân…

           -PHẢN BỘI NHÂN DÂN

           DÂN CHỦ là MÓN NỢ những người cách mạng Việt Nam nợ nhân dân Việt Nam. Ngọn cờ cách mạng có ghi rõ ràng hai chữ ĐỘC LẬP DÂN CHỦ thì dân mới theo.  Nhân dân đã đổ hàng núi xương sông máu làm nên cách mạng Tháng Tám 1945 và tiến hành 2 cuộc kháng chiến là để có không những chỉ độc lập mà cả dân chủ.  Những người cách mạng phải tự nhắc nhở mình hàng ngày rằng đây là món nợ xương máu, phải thấm thía rằng thời gian trôi như máu chảy, trì hoãn việc trả nợ ngày nào là thêm nặng tội với dân ngày ấy, tội với vong linh người đã khuất, với người đang sống và với muôn đời con cháu mai sau. Nợ vàng nợ tiền còn có thể khất, nợ dân chủ thì ngoại trừ những kẻ coi chiếc ghế quyền lực là sỡ hữu riêng của họ và phe nhóm họ mới vướng víu như gà mắc tóc, chứ người cách mạng chân chính thì nào có vướng víu gì mà không thể trả ngay?

           Nếu những điều tôi gợi ra trên đây là đúng thì sớm muộn gì nhân dân và lịch sử cũng sẽ làm rõ ai là người phải chịu trách nhiệm về sự phản bội đó. Tôi trông đợi kết quả khảo sát của các nhà khoa học lịch sử thực sự khoa học.

           Anh Hoàng Tiến à,

           Tôi hy vọng món nợ DÂN CHỦ đến đại hội 9 này sẽ được trả nghiêm chỉnh bằng một CHƯƠNG TRÌNH DÂN CHỦ HOÁ ĐẤT NƯỚC MỘT CÁCH CĂN BẢN TOÀN DIỆN VÀ CỤ THỂ CÓ THỜI GIAN BIỂU VỚI NHỮNG BƯỚC ĐI THÍCH HỢP chứ không chỉ dừng lại ở mấy khẩu hiệu suông.

           Tôi trông đợi các nhà lý luận dân chủ sẽ đóng góp trí tuệ cho đại hội 9 để hoạch định được một chương trình như thế hơn là các lý luận chung.

           Món nợ DÂN CHỦ, nếu đại hội 9 không trả, hẳn nhân dân ta, trước hết là những ai đã đổ máu vì độc lập dân tộc, ắt sẽ tiếp tục đòi , hợp sức lại mà đòi, đòi ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác…., đòi miết, cho kỳ được.

           Mấy dòng bày tỏ nhân dịp đầu xuân, mong được trao đổi ý kiến cùng anh và bạn hữu xa gần.

                                               Đà Lạt 31-1-2001

                                               Bùi Minh Quốc

 

TB –Tôi gửi kèm đây một số ý kiến về dân chủ của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu lúc sinh thời viết trong thư gửi một người bạn tôi, bạn này cho tôi bản photocopy.  Thư viết tháng 4-1988 từ chùa Pháp Hoa (Đồng Nai) khi anh Châu đang chữa bệnh tại đó. Tôi trích in vi tính để anh dễ đọc.

           …”Nhưng tôi vẫn thèm viết tiếp một bài đã dự định và đã tâm sự với ông Nhà văn và sự nghiệp dân chủ hoá đất nước”…

            …”Chiều qua, Thủy * (Hà Nội trong mắt ai) vừa đến thăm tôi, có kéo theo một ông thiếu tướng (hiệu trưởng trường lục quân 2) ở cách tôi 8km với mục đích: Ông này đọc anh nhiều và rất yêu anh-có gì anh cứ gọi nhờ ông ấy – Thuỷ nói.  Tôi đã thấy ông này chắp tay lạy tay Thuỷ như lạy một vị thánh:” anh can đảm lắm, dũng cảm lắm, tôi kính phục anh”  lúc tôi tiễn cả hai ra hai chiếc xe đỗ ngoài cổng chùa và ba người chúng tôi đi mỗi người mỗi ngả. Thế đấy, thằng nhà văn nước nào cũng vậy, ngoài tiếng nói trong tác phẩm, phải có tiếng nói ngoài xã hội, tiếng nói trước công bằng và bất công, trước chiến tranh và hoà binh- nhưng địa vị thằng nhà văn mình thấp quá, làm gì có tiếng nói ấy? Theo tôi, làm một thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách-kể cả việc anh núp sau lập luận rằng văn học là cái gì lâu dài và sâu xa, để đời-tôi đọc thấy trên VN một bài của VTN nói” ở Liên Xô đánh giá những đứa trẻ ở phố  Ác Bát là thua kém về văn học”- Ở cái chỗ này tôi thấy có cái gì đang thử thách, lại thử thách từng người rất tinh vi, và ai ra sao nó lại lộ ra thế, vẫn biết chỉ trong phạm vi một bài thông tin thôi.

            Tôi nghĩ rằng có khi mình phải quên mình đi cho sự nghiệp dân chủ (mình đây là tính văn học và có ai như thế, tôi kính trọng vô cùng”…

 

*Đạo diễn Trần Văn Thuỷ, tác giả các bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, trước đại hội Đảng lần thứ 6 không được phép chiếu. Bộ phim “Thày bói xem voi” của ông thực hiện từ năm 1990 đến nay vẫn chưa được công bố. (Chú thích của BMQ)

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ