LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Thư một người dân kể chuyện Hà Sĩ Phu


Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3 tháng 11 năm 1998

Kính gửi ông X,

Trước hết xin ông tha lỗi vì bức thư đường đột này của một người chưa quen biết. Tôi viết, chỉ vì chút lương tâm của một người dân hết sức bình thường trước sự việc xảy ra với gia đình ông bà Nguyễn Xuân Tụ ở Đà Lạt chiều ngày 31 tháng 10 năm 1998. Tôi biết hiện nay gia đình ông bà Tụ vẫn bị cắt điện thoại, vẫn bị Công an ngày đêm canh gác, việc thông tin chắc không thể dễ dàng, nên tôi tự nguyện làm một việc không liên quan đến mình, như một nhu cầu tự thân của tôi, nếu có thừa thì ông cũng coi như một kỷ niệm cho vui.

Khoảng 1 giờ chiều ngày 31 tháng 10, tình cờ tôi được chứng kiến một đám đông người xôn xao trước cửa quán bà Tụ (4E Bùi Thị Xuân, dạo này thường do cậu Quý con trai ông Tụ ngồi bán). Hỏi ra thì mới biết cậu Quý bỗng dưng bị một thanh niên khoảng 19-20 đến định hành hung, thanh niên này lăm lăm trong tay một cái chai thủy tinh và một cái ly thủy tinh! Cậu Quý không hiểu duyên cớ gì, sợ quá bỏ quán chạy xuống phía hồ Xuân Hương, thanh niên kia đuổi theo.

Một lúc sau, (chắc có người báo tin) ông bà Tụ từ dưới nhà đi lên quán, mấy người xung quanh cho biết thanh niên kia say rượu tự nhiên đến cà khịa, cậu Quý chỉ nói “ Anh say rồi, về ngủ đi”. Nhưng không hiểu sao gã thanh niên kia cứ bám theo đe doạ.

Rồi gã thanh niên kia từ phía hồ đi lên. Gặp hắn, bà Tụ nói: “Bác chưa biết đầu đuôi ra sao, nhưng thôi bác xin lỗi cháu, nếu anh Quý có gì sai bác sẽ mắng anh Quý”. (Có lẽ gã thanh niên cũng ở đâu đó quanh khu chung cư). Trả lời lại lời nói ôn tồn của bà Tụ, gã hằm hằm xông vào đánh bà Tụ. Một anh hàng xóm kịp thời đẩy hắn ra, hắn đi về quán bi-a phía bên kia đường, nơi có mấy gã cùng bọn (nếu tôi không nhầm thì những người làm nhiệm vụ canh gác ông Tụ đóng “trụ sở” ở đó). Một thanh niên làm nghề sửa xe đã đi xe máy đón cậu Quý từ Hồ Xuân Hương về. Ông bà Tụ bắt cậu Quý đóng cửa quán lại, rồi cả gia đình về nhà (qua một cái sân).

Câu chuyện thế tưởng đã xong, nhưng bất thần thanh niên kia lại từ quán bi-a đi xuống, dùng hết sức đạp tung tấm cửa quán (đã khoá) của ông bà Tụ, rồi xông vào dùng gạch phá tan các tủ hàng, những mảnh kính 5 ly bắn tung toé. Xong việc hắn lại quay về quán bi-a.

Lúc này ông bà Tụ lên quán một lần nữa, thấy quán đã bị phá phách như vậy, mới la lên. Thanh niên kia lại từ “trụ sở “ bi-a lừ lừ đi xuống. Lần này hắn xông thẳng đến trước mặt bà Tụ, còn hung hăng hơn trước, vừa tay vừa chân đá thẳng vào bà Tụ, nhưng hai người hàng xóm khoẻ mạnh đã chẹt lấy cổ hắn và vật hắn ngã ra. Hắn xông đến ông Tụ và hỏi “ Ông muốn gì?”. Ông Tụ nhìn thẳng vào mặt hắn qua cặp kính lão, từ tốn nói một điều gì đó, khiến hắn bớt hung hăng đi, rồi mọi người lại lôi hắn ra. Hắn lại về quán bi-a. (Vào giờ này các “nhân viên an ninh mặc áo dân “ nhất định phải có mặt tại đó! Nếu họ ngại lộ mặt không xuống can thiệp, thì sẵn máy bộ đàm sao họ không gọi các bạn đồng nghiệp mặc sắc phục của họ xuống giải quyết giúp nhỉ?)

Có người đã nói đùa: “Có cả một tiểu đội thay nhau gác từ sáng đến tối, ông Tụ tha hồ mà được đảm bảo an ninh”. Nhưng tôi thấy ngay trước mắt rằng điều đó chẳng đúng tí nào. Họ giữ cái an ninh gì chứ chẳng phải an ninh của người dân!

Trong lúc diễn biến, mọi người xung quanh đã gọi điện thoại cho công an phường, nhưng khi một công an mặc sắc phục tới thì mọi chuyện đã xong rồi. Tôi thấy mọi người bước vào quán, chắc là lập biên bản. Tôi còn được biết chiều đó cậu Quý sợ không dám đi đón con ở nhà mẫu giáo về, phải nhờ người đón. (Cậu Quý này thấy nói là bộ đội về, nhưng tính hiền và nhát như con gái). Sau đó, tôi mới được biết thêm: gã thanh niên kia là con của tổ phó an ninh và em của đội trưởng tự vệ chứ không phải ai xa lạ! Bà Tụ bị đánh vào tay, may không có gì trầm trọng. Lúc bị đánh, bà Tụ còn nói: “Thật vô lý, giữa thằng bé này và nhà tôi xưa nay chẳng có xích mích gì, bỗng dưng từ đâu nảy ra cơ sự này? Chẳng lẽ có ai xúi dục nó?”

Â'y, câu chuyện mà tôi vừa chứng kiến và nghe xung quanh xì xào là như vậy. Những chuyện vặt làm khổ người dân thế này chỗ nào mà chẳng có, nhưng chuyện xảy ra với gia đình ông Tụ thì hơi khác, vì tôi biết khả năng tự vệ của những người trí thức tử tế thường kém lắm, hễ bị tách ra khỏi môi trường nhân ái là họ thành vật hy sinh cho đủ mọi thứ tai quái trên đời. Chuyện rắc rối oan trái của ông Tụ ở Hà Nội thì tôi chỉ được biết sơ qua, còn việc ông ở đây đang bị người nhà nước theo dõi xít xao, thì chúng tôi biết cả. Nhưng chỉ biết nghe, biết nhìn, chứ chẳng ai dám nói gì.

Tôi cũng được biết chỗ ở của gia đình ông Tụ (cái lán để xe cũ phía sau quán), họ đã ở 5-6 năm, nay đã xin mua với giá cao để có đủ chỗ ở cho gia đình, nhưng vẫn chưa được mua. Khi ông Tụ bị tù về, vợ chồng lão giám đốc cạnh nhà thừa thế đánh hôi, giành giật không được thì hắn phá (có lẽ vợ chồng hắn được tuyên truyền trong nội bộ rằng ông Tụ là thành phần bậy bạ trong xã hội nên cứ việc tha hồ bắt nạt, nhưng nhiều người cho biết đã thấy vợ chồng ông Tụ trả lời họ bằng sự khinh bỉ như thế nào). Có lần chị vợ giám đốc gây gổ với người cháu ông Tụ, rồi đem cả ông Tụ ra mà chửi “thằng nọ con kia” (ông Tụ chắc đáng tuổi chú của chị ta). Thật chẳng còn gì để bình luận nữa, có lẽ Trời Phật bắt ông bà Tụ phải tu cho tròn chữ “nhẫn”, hay ông biết đấy là cái giá đương nhiên phải trả cho những bài viết đầy ắp tư tưởng của mình?

Tuy chưa được đọc các bài viết của ông Tụ (mà chỉ nghe nói lại), nhưng tôi có nhận xét rằng những người quý trọng ông Tụ đều là người có nhân cách cả. Tôi biết khi ông Tụ mới ở tù về, có một cụ già ngoại 90 chống gậy đến nhà, cụ chỉ nói một câu vắn tắt: “ Ông chẳng có tiền bạc gì cho tôi, nhưng tôi đến chào ông vì quý ông cái nhân cách”. Đoạn, ông cụ bóp tay ông Tụ thật mạnh rồi xin cáo lui.

Trong câu chuyện bạo hành thô bỉ của thanh niên kia tôi không dám suy luận, vì cũng có thể là thế này, cũng có thể là thế khác, chưa nên võ đoán, ngờ oan cho ai cũng phải tội. Chỉ có điều chắc chắn là an ninh của gia đình ông Tụ thật dễ bị xúc phạm và gã thanh niên đã hành hung gia đình ông Tụ này rồi cũng chẳng bị tội vạ gì, giống như những kẻ đã giật túi của ông Tụ ở Hà Nội, giống như chị vợ giám đốc (Viện khoa học!) đã chửi bới ông bà Tụ vậy thôi. Có khi chúng còn được khen cũng nên. Người dân chúng tôi lo ngại đội ngũ này ngày càng đông. Với cách ứng xử ôn tồn và ung dung của ông bà Tụ, tôi tin câu chuyện cụ thể này rồi cũng qua đi. Nhưng điều còn dai dẳng là tình cảnh một trí thức, một phó tiến sỹ khoa học, như ông Tụ, mà lọt vào chỗ này hình như không phải chỗ của ông.

Ta nên coi tấn bi kịch “ba cùng” bất đắc dĩ này là điều day dứt hay cũng chỉ nên coi như một “ chuyện thường ngày ở huyện” (thấy nói hai người bạn của ông Tụ, ông Quốc với ông Cự, lại còn khổ hơn nữa kia!).

Thưa ông! Do thích văn chương mà tôi may mắn được biết tác phẩm của ông và tìm được địa chỉ của ông. Theo như cái chất nhân văn mà tôi cảm nhận được trong tác phẩm của ông, tôi tin là thư của tôi đã gửi không lầm địa chỉ. Chỉ mong ông giữ cho một điều: ông xem xong, ghi lại nội dung chính rồi huỷ thư này đi. Lỡ ra phiền cho tôi đã đành, lỡ phiền cả người đánh máy giúp tôi thì ân hận. Người tốt bụng dễ gặp tai vạ lắm ông ạ. Nếu thấy mình còn chút tình người thì phải lo giữ thân mình. Lạ thế đấy, thằng lưu manh thì cứ đi nhơn nhơn trước mặt mọi người như ông chủ, trong khi sự nhân ái cứ phải làm cách giấm giúi như ăn trộm. Sao lại thế, thưa ông? Hay chỉ mình tôi là hèn kém nên mới nghĩ ra như vậy? Nhưng viết được cho ông thế này tôi thấy nhẹ nhõm. Nếu các ông là bạn của ông bà Tụ, các ông có thể kiểm chứng lại tình hình xem sao.

Một lần nữa xin được tha thứ vì sự giao lưu không bình thường này.

Kính chúc bình an
Một Người Dân

(Xin có lời nguyền: Đứa nào bóc trộm, lấy trộm thư này, xin Trời Phật quật cổ nó!)

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ