LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

NHỮNG VỤ ÁN

Qua Đà lạt, thêm nhớ Trạng Quỳnh


 Ha Si Phu ( Cuối tháng 7-1997)      

      Trong chuyến đi thăm Việt nam vừa qua , bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ có đề cập đến vấn đề các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo. Sau đó mấy hôm đại diện nhà nước Việt nam tuyên bố một cách rất thành tâm rằng đã cố đi tìm khắp cả nước mà không thấy có một tù nhân lương tâm, cũng chẳng có một tù nhân chính trị hay tù nhân tôn giáo nào để phóng thích cảí. Thật đáng tiếc. Toàn là tù hình sự thôi.

        Cả thế giới loài người ngờ nghệch lúc ấy mới bừng tỉnh,để nhận ra cái lẽ rất thông thường là khi một thể chế đã “dân chủ gấp triệu lần” thì làm gì có những thứ tù ấy !

       Thật vậy, làm sao con người còn có thể bị đi tù chỉ vì thực hiện những quyền công dân và quyền con người, khi mà  ở nơi đó Đảng lãnh đạo tối cao đã quyết chí  đứng về phía người dân để “bảo vệ những quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng ...” ?

Những cán bộ cấp dưới,khi đã biết thượng cấp  của mình vốn rất quý trọng sự dân chủ ,hết sức yêu mến những người trung thực như thế thì họ đâu có dám tự tiện xúc phạm dân quyền và nhân quyền nữa; (có muốn làm bậy thì họ thà đi buôn ma túy, chứ dại gì chạm đến những người có suy nghĩ độc lập, chạm đến những người tự do tư tưởng hay tự do ngôn luận để mắc tội chống lại cái bản chất dân chủ của chế độ?). Tôi giải thích kỹ như vậy để các quý vị ở các nước phi Xã hội chủ nghĩa có thể hiểu vì sao ở Việt nam tuyệt nhiên không có những thứ tù như bà Albright nhắc tới.

        Đấy là chuyện tù. Bây giờ đến chuyện ngoài tù. 

Biết Đảng rất quý những người có suy nghĩ độc lập, biết lắng nghe những ý kiến khác nhau,( bác Hồ vẫn hay đem lời bác Mao dạy cán bộ rằng “người nói không có tội, người nghe phải lấy đó để răn mình”), nếu có sự khác biệt thì phải biết chờ đợi nhau. Thế là lần này lên Đà lạt tôi vững tâm đến thăm mấy vị nhà văn “dám nói” ở đất cao nguyên. Theo địa chỉ dưới bài viết của Hà Sĩ Phu tôi tới thăm ông. Nhưng vừa bước chân tới chiếc cổng khu chung cư của Hà Sĩ Phu thì một chiếc khẩu hiệu đập vào mắt tôi, tôi đọc đi đọc lại từng chữ như sợ mình nhìn nhầm :

       ” Cảnh giác phát hiện, và cương quyết đấu tranh vạch mặt phần tử chống phá công cuộc xây dựng và phát triển đất nước !”.

 Nội dung và hình thức của tấm khẩu hiệu làm tôi run bắn cả người. Các động từ đều rất mạnh, nhất là chữ “vạch mặt”! Nhưng ghê sợ hơn là chữ “phần tử chống phá” , vì không phải là “những phần tử” một cách chung chung mà chỉ một chữ “phần tử” thôi, nghĩa là đích danh chỉ vào một con người cụ thể ,một cách rất xác định ! Khẩu hiệu viết  rất cẩn thận bằng sơn đỏ trên tấm bảng trắng, không phải khẩu hiệu in sẵn hàng loạt , vậy là nó được viết ra để tặng riêng cho ông bạn của tôi, đóng chặn ngay trước ngõ ra vào nhà ông !

   Bất giác trong lòng tôi tái hiện cái không khí đấu tố thời Cải cách ruộng đất , với một đám quần chúng được kích động, giơ hàng ngàn nắm tay lên trời để “Cương quyết đấu tranh vạch mặt tên địa chủ đầu xỏ” Nguyễn thị  X. này, hoặc “đả đảo tên phú nông ngoan cố” Nguyễn văn Y.  nọ...!.

Tôi tự hỏi :Sao cái công cuộc Xây dựng và phát triển đất nước , cái sự nghiệp khổng lồ đã được 70 triệu con người đồng tâm nhất chí mà phải mất công thiết kế riêng một cái khẩu hiệu cho một phần tử “chống phá” nhỏ con cô đơn ở nơi heo hút này làm gì ? Và những bài viết tâm huyết của một con người, dám viết bằng xúc động của cả cuộc đời chẳng lẽ có thể quy thành hoạt động “chống phá” được ư ? Giữa lúc Dân tộc đang  cần chắt chiu gây dựng một không khí Diên hồng thì không biết ai đã đề xướng ra cái hoạt động kỳ thị rất thất đức này?

       Nhưng nghĩ vậy thì nghĩ chứ tôi còn biết làm gì hơn là “gài số lùi”, rảo bước nhanh về phía hồ Xuân hương, để trốn khỏi cơn ác mộng “cải cách” đã trùm lên quê tôi từ mấy chục năm về trước ... Những ngày đầu tháng 7,trước khi rời Đà lạt tôi còn được biết tin tác giả bài thơ kháng chiến nổi tiếng “Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác...” và bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao...” cũng vừa bị bắt và bị khám nhà chỉ vì đã đọc một cuốn “hồi ký” gì đó từ nước ngoài (không biết đến nay, cuối tháng 7, ông đã được tha chưa). Còn ông nhà văn có cái tên Tiêu Dao thì cũng phải ngừng “tiêu dao” để hàng ngày lên làm việc với cơ quan An ninh vì cũng vừa viết một bài “hồi ký” gì đó ... Thôi ông Tiêu Dao ơi, Đảng nói phải “khép lại quá khứ” rồi mà các ông còn cứ mất công “hồi ký” làm gì nữa (cho dù là cái quá khứ mới toanh của ông mấy tháng trước đây!). Cả các ông trong nước lẫn các ông ngoài nước nên uống “thuốc quên” đi ! Cái việc ôn lại quá khứ  là việc phải được định hướng rất chặt chẽ và cũng đã có một đội ngũ chuyên trách rồi !

        Tôi cũng được biết những người cầm bút nói trên đều bị cắt điện thoại, bị cấm gặp nhau (?),

bị một đội quân vừa chuyên nghiệp vừa không chuyên nghiệp theo rõi suốt ngày đêm, đôi khi đến mức trơ tráo nhưng tất cả đều phi văn bản, phi tang chứng ! Cụ Nguyễn văn Chấn ở Sàigòn thì vừa bị “kẻ trộm” lẻn vào nhà lấy cắp mất sách vở và bản thảo và cũng bị “canh phòng” suốt ngày! Âu cũng là những thứ tù giam lỏng cả thôi ! Chẳng lẽ chúng ta định xây dựng một xã hội pháp trị theo “kiểu châu Á” như thế này chăng ? Chẳng lẽ những mẹo tài tình như thế này lại mua được chữ “Tín” thực sự của mọi người chăng ?

        Mua được chăng ?Thưa rằng ... cũng mua được !

        Vì thế tôi mới thương cả cái nhân loại này (đương nhiên có tôi trong đó) cứ nhẹ dạ cả tin : thấy mấy “người dám nói” được nhà nước gọi lên “hỏi chuyện” thì lại bảo thế là đã có “đối thoại” rồi, thấy tỷ lệ đảng viên trong Quốc hội giảm xuống còn có 85 phần trăm(!) đã tưởng có sự nhúc nhích rồi ( muốn tỷ lệ bao nhiêu mà Đảng chẳng đạo diễn được,nó cũng dễ dàng như việc chuyển hóa tất cả tù chính trị thành tù hình sự thôi!), thấy bắt đầu có internet thì tưởng rằng đã có thiện ý về thông tin rồi, thấy cái số đông vô thưởng vô phạt được nới lỏng đã tưởng người cầm quyền sắp chấp nhận dân chủ rồi, nghĩa là “thấy đỏ thì tưởng là chín” !; chứ có biết đâu rằng khi cánh cửa được mở thêm ra một chút thì có nghĩa là tất cả những chỗ đáng mở nhất đã bị khóa chặt lại hơn trước rồi !

    Cũng như Trạng Quỳnh: Trạng chỉ yên tâm dõng dạc tuyên bố cho lính tráng Phủ Chúa được quyền tha hồ theo lệnh của Chúa mà “ ị ” ra nhà Trạng khi Trạng đã nghĩ ra cái mẹo “ cho ị nhưng mà cấm đái !” để vô hiệu hóa lời tuyên bố kia. Mở cái cửa “đại tiện” nhưng lại bịt cái cửa “tiểu tiện” thì chỉ là chuyện “đánh đố” nhau thôi, sao có thể coi là thiện ý “mở cửa” được. Ôi cái lưỡi không xương đóng mở thật muôn đường lắt léo!

       Mẹo Trạng Quỳnh sở dĩ làm cho người dân hả dạ vì Trạng Quỳnh ở thế yếu bị Chúa lấn át, chứ kẻ đã ở ngôi Thiên tử mà còn giở mẹo Trạng Quỳnh ra thì giường cột xã tắc sẽ hóa thành đồ của “phường chèo” chứ còn đâu trang trọng để thu phục nhân tâm được nữa ?

      Nhân loại ngờ nghệch của tôi (lại xin thưa rằng đương nhiên có tôi trong đó), tôi muốn thưa với Người rằng : nhẹ dạ cả tin hay rộng lượng quá cũng là một tội lỗi đấy, vì nó nuôi béo sự trí trá , tòng phạm với sự trí trá , và vì thế mà cuối cùng chính nó phá vỡ mất lòng tin và những hy vọng chính đáng của con người !.

                                                                                                                      H.N.Đ

-------------------------------------------------------------------------------

Bổ sung : Ba tháng sau khi gửi cho bạn bè những dòng tâm sự này thì tôi được biết tình hình còn trở nên xấu hơn, lại có thêm những mẹo mới : Ông Quốc ông Cự đã chính thức bị quản chế, tấm khẩu hiệu ở cổng nhà ông Phu thì được bí mật chuyển sang phía đối diện kín hơn và xa hơn một chút, một kiểu bán âm bán dương, nhưng việc cô lập họ ra khỏi thế giới thông tin sôi động thì vẫn được kiên trì không suy xuyển. (Trong danh mục phân loại tù nhân của thế giới mà thiếu một loại tù là “tù giam lỏng”, thì hẳn là một thiếu sót lớn, phải thế không thưa các nhà trí thức XHCN ?).

    Tôi được đọc mấy câu thơ của thi sĩ  họ Bùi, chắc là viết từ ngày chưa bị quản chế :

                                   Trí thức hay là Trí ngủ đây,

                                    Thức mà như ngủ, mặc đời lay.

                                    Ngủ mà giả bộ như người thức,

                                    Thức thật làm sao thoát đọa đầy?.

LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    TIỂU SỬ