LÝ LUẬN     VĂN HỌC     BÌNH LUẬN     PHỎNG VẤN     VỤ ÁN LIÊN QUAN     NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ

"Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, về chính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học !. Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức ! Đó là điều nghịch lý".....Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - Hà Sĩ Phu 1988

"Khẳng định vai trò quyết định của tự do và phát triển không có nghĩa là khi có hai điều kiện ấy thì tự khắc sẽ có Bình đẳng và Bác ái mà không cần đến hoạt động khuyến thiện và nỗ lực tranh đấu của con người. Không thể lấy khát vọng thay cho qui luật, nhưng khát vọng đúng sẽ xúc tiến nhanh qui luật...." Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân - Hà Sĩ Phu 1993

"Mọi hoạt động Tranh đấu của con người từ cổ chí kim , không có gì ra ngoài ý nghĩa của chữ QUYỀN CON NGƯỜI. "Quyền Con người" ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu không nước nào có thể lẩn tránh, điều ấy đánh dấu một bước trưởng thành khổng lồ của văn minh nhân loại. Ở đâu có áp bức bất công, ở đâu con người bị đối xử phi lý đều có thể tìm nơi "Quyền Con Người" một điểm tựa để tranh đấu, ít nhất cũng là điểm tựa tinh thần. Mặt khác. từ ánh sáng chung nhất về "Quyền Con Người", con người có thể nhìn lại những trào lưu Tranh đấu của mình một cách có cơ sở khách quan, khoa học và sáng suốt hơn..." Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà Sĩ Phu 1995

Nhóm ĐàLạt - Mai Thái Lĩnh

Hãy trút cơn giận vào nơi đáng trút


(Phản hồi các ý kiến phản hồi về bài “Bị chặn lại ở sân bay”)

Tác giả: Mai Thái Lĩnh

Về lại Đà Lạt tôi mới có thì giờ đọc một số ý kiến phản hồi xung quanh bài viết “Bị chặn lại ở sân bay“. Xin cảm ơn tất cả những người đã có ý kiến, dù rằng trong số đó, có ý kiến khen hoặc chê, bày tỏ sự cảm thông hay hậm hực. Người Việt chúng ta thường có thói quen đánh giá, nhận xét theo cảm tính, cho nên sự khác nhau trong nhận xét, đánh giá là chuyện dễ hiểu. Hơn nữa, mối nợ của cuộc “nội chiến” vẫn còn dai dẳng khiến sự cảm thông trở nên khó khăn. Mối nợ đó chỉ có thể rũ bỏ qua thời gian, bằng cách học tập đức tính khoan dung và có khi phải trải qua nhiều thế hệ. 

Tôi chỉ xin nói thêm vài điều để làm rõ một số ý kiến phản hồi:

  • Trước hết, học bổng cao học dành cho tôi không phải của chính phủ Mỹ mà là của Viện Đại học Đà Lạt - một đại học tư của Công giáo. Tôi là người theo Phật giáo, nhưng lại theo học và sau đó giảng dạy tại một viện đại học Công giáo, tại đó không hề có sự phân biệt đối xử. Điều đó tôi đã có lần trình bày trong một bài viết nhân một kỳ đại hội cựu sinh viên Đại học Đà Lạt tại hải ngoại vào năm 2004. Xin mời đọc bài hồi ký của tôi có nhan đề “Kỷ niệm về một ngôi trường”: http://hasiphu.com/nhomdalat_MTL01.html
  • Xin cảm ơn ông Trần Huy Bách đã tỏ ý “tội nghiệp” cho tôi và cho cả “đồng bào tôi”. Nhưng điều cần thiết lúc này không phải chỉ là “tội nghiệp” hay bày tỏ sự xót thương của một kẻ bề trên hay của một người đứng ngoài mà là: làm sao để tất cả dân tộc chúng ta thoát khỏi hoàn cảnh tội nghiệp đó? Trong lần gặp ông Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Đà Lạt vào tháng 5 năm 2008, tôi có phát biểu: chúng tôi (nhóm Đà Lạt) đấu tranh là để cho mọi người dân đều được hưởng các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội, chứ không chỉ đấu tranh để giành các quyền tự do ấy cho riêng chúng tôi.
  • Tôi không cần đặt chân lên các nước phương Tây cũng biết được quyền tự do đi lại hay các quyền tự do căn bản ở đó. Lý do đơn giản là các em tôi và rất nhiều bạn bè tôi từ lâu nay vẫn sinh sống ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, v.v… Hơn nữa, “chống Mỹ” không có nghĩa là “bài Mỹ”, càng không có nghĩa là chống nền văn minh Mỹ hay chống các giá trị tự do, dân chủ của Mỹ. Thái độ bài Mỹ hay bài Hoa, theo tôi, cũng đều là sự thể hiện của tình trạng ấu trĩ, thiếu tự tin trong cách ứng xử của người dân một nước nhược tiểu.
  • Trong danh sách mà ông Trần Trọng Hoàng Bách có nêu (Mai Thái Lĩnh, Tiêu Dao Bảo Cự, Lữ Phương, Đào Hiếu, v.v…) thật ra tuy có điểm chung nhưng mỗi người cũng có chỗ khác nhau. Tôi không bao giờ tự cho là tất cả những gì mình đã làm trong quá khứ đều đúng cả. Vào thời đó, ở cái tuổi đó, với nhận thức đó, ta có thể làm điều ta cho là đúng, nhưng càng về già, ta có thể thấy điều ta làm là do nhận thức chưa đầy đủ, là xốc nổi, là do tác động từ bên ngòai, do ảnh hưởng của môi trường xã hội xung quanh. Con người không biết thường xuyên tư duy lại là con người tự đóng băng tư duy của mình và có thể sẽ nhanh chóng già cỗi trong cái tháp ngà của sự tự tôn, ngạo mạn.
  • “Tôi nói tội nghiệp cho ông Mai Thái Lĩnh là thực. Vì quí vị (và cả ông Mai Thái Lĩnh nữa) không thấy là ông đáng tội nghiệp đó hay sao. Có gì đâu là ‘hậm hực’, với ‘phe này phe kia’ cho lắm chuyện. Tôi là kẻ hậu sinh, nhưng thắc mắc là hồi đó vì chống Mỹ mà ông Mai Thái Lĩnh từ chối sang Mỹ học cao học, nhưng tại sao ông chống ‘ngụy quyền miền Nam’ mà lại chịu học ở miền Nam đến hết cử nhân và được đi du học nữa. Một việc mà hồi đó ở miền Nam ai cũng nằm mơ?”. Ý kiến của ông Trần Huy Bách cho thấy ông không biết gì về tiểu sử của tôi và cũng không hiểu hết bản chất của nền giáo dục miền Nam trước năm 1975. Tôi là con của một cán bộ Việt Minh - tham gia Cách mạng Tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc. Ngay từ khi mới sinh ra tôi, mẹ tôi do mất liên lạc với cha tôi nên phải một mình nuôi con. Về sau, mẹ tôi lập gia đình với một người khác. Bố tôi (tức cha ruột tôi) là đảng viên cộng sản, nhưng ba tôi (tức cha dượng tôi) lại là một công chức. Ông vẫn thương yêu tôi như con ruột, đổi họ cho tôi thành Hoàng Thái Lĩnh để tôi có thể học hành mà không gặp trở ngại gì. Chế độ VNCH lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục cũ của miền Nam là điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành giáo dục “xã hội chủ nghĩa” (1975-1989), tôi bị người ta gán cho đủ thứ nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền giáo dục cũ cần phải học hỏi. Chính là do thừa hưởng nền giáo dục đó của miền Nam mà tôi có được tính độc lập trong tư duy, không bao giờ chịu nô lệ về tư tưởng. Nếu không có nền giáo dục nhân bản, khai phóng, chịu ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây đó, làm sao tôi có thể trở thành người bất đồng chính kiến trong một xã hội mà sự nô lệ về tư tưởng là tiêu chí căn bản để tiến thân?
  • Tôi không hiểu tại sao trên các diễn đàn ở hải ngọai - là nơi có thừa thãi quyền tự do ngôn luận, nhiều người lại dùng để làm nơi thổ lộ mối hận thù, căm giận lẫn nhau trong khi mọi người đều là nạn nhân của một chế độ toàn trị? Tại sao không dùng lợi thế đó để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh tại quê nhà? Tôi đã hai lần bị khám xét máy vi tính (lần thứ hai bị tịch thu máy vi tính), đã từng bị quản thúc tại gia 8 tháng trời và chịu đựng những cuộc hỏi cung triền miên, gần 9 năm sau lại bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh. Nhưng tôi không hề oán thán bởi vì sự đóng góp của mình còn quá nhỏ nhoi trong khi nỗi cơ cực của đồng bào trong nước còn chồng chất, nhất là những dân người thấp cổ bé họng - những người không có khả năng ăn nói, lên tiếng để đấu tranh. Vậy thì giới trí thức làm gì với mối hận ôm ấp trong quá khứ nếu mối hận ấy không góp phần vào việc cải thiện tình trạng hiện tại của đất nước?

Dù sao thì cũng cảm ơn tất cả mọi người, nhưng xin đừng dựa vào chuyện của tôi để trút giận vào nhau. Hãy trút cơn giận vào nơi đáng trút, và hãy làm gì để người dân Việt nhanh chóng được hưởng các quyền tự do căn bản, sớm có được một nền dân chủ đích thực.

Đà Lạt, 13.7.2009, 9h15′

© 2009 Mai Thái Lĩnh

© 2009 talawas blog

http://www.talawas.org/?p=7544


Trích một số ý kiến phản hồi

 

Trần Huy Bách nói:

11/07/2009 lúc 4:05 sáng

Thật tội nghiệp cho ông Mai Thái Lĩnh đã mất một cơ hội đến Mỹ. Và càng tội nghiệp hơn, giá mà cách đây gần bốn mươi năm, ông đừng từ chối một học bổng cao học tại Hoa Kỳ để ở lại tham gia đấu tranh “chống Mỹ”. Dù sao vẫn mong có một ngày ông được đặt chân lên các nước “đế quốc” để biết thế nào là quyền “tự do đi lại”.

Tội nghiệp thay cho đồng bào tôi, ai cũng thuộc lòng lời dạy của bác Hồ vĩ đại: “Không có gì quí hơn Độc Lập Tự Do!”


 

Trần Trọng Hoàng Bách nói:

11/07/2009 lúc 6:22 chiều

Tôi đề nghị các vị có truyền thống chỉ trích những người trí thức cánh tả hoạt động chống Mỹ trước 75 tại miền Nam nên xem lại truyền thống đáng ngờ của mình.

1) Những trí thức cánh tả này ít nhất cũng chia thành 3 loại. Loại 1: Sau 75, trở thành những người bất đồng chính kiến với chính quyền cộng sản và bị chính quyền này đàn áp không khác gì chính quyền miền Nam đã đàn áp họ trước 1975. Loại 2: Thất vọng với chính quyền cộng sản sau 75 nhưng im lặng không lên tiếng. Loại 3: Tiếp tục tham gia và cộng tác tích cực với chính quyền cộng sản sau 1975. Như vậy khi chỉ trích - đó là quyền tự do của các vị - các vị ít nhất cũng nên phân biệt rõ 3 loại này.

2) Ít nhất những người cánh tả thuộc loại 1 mà trong đó tôi coi là có các ông như Mai Thái Lĩnh, Tiêu Dao Bảo Cự, Lữ Phương, Đào Hiếu… đã chứng tỏ bản lĩnh và sự dũng cảm của họ trong cả hai chế độ. Còn các vị đứng ngoài chỉ trích họ, các vị đã làm gì, đã mất gì, đã dám hy sinh điều gì trong cuộc đời của các vị như họ? Hay các vị chỉ dám hi sinh vài phút gõ phản hồi trên các diễn đàn trên mạng, có khi còn không dám dùng tên thật? Muốn nói gì thì nói, HÈN NHÁT hay DŨNG CẢM vẫn là những tính quan trọng cho thấy ai là ai.

3) Vì sao các vị có thể đồng ý với nhau chống bá quyền Trung Quốc tại VN mà không đồng ý rằng bá quyền Mỹ cũng nguy hiểm, cũng đe doạ dân tộc VN và các dân tộc khác như thế? Vì Mỹ là một nước dân chủ ư? Trung Quốc cũng có thể trở thành một nước dân chủ trước VN, nhưng không vì thế mà kém đe dọa VN hơn!


 

Trần Huy Bách nói:

12/07/2009 lúc 4:25 chiều

Kính ông Trần Trọng Hoàng Bách,

Tôi nói tội nghiệp cho ông Mai Thái Lĩnh là thực. Vì quí vị (và cả ông Mai Thái Lĩnh nữa) không thấy là ông đáng tội nghiệp đó hay sao. Có gì đâu là “hâm hực”, với “phe này phe kia” cho lắm chuyện.

Tôi là kẻ hậu sinh, nhưng thắc mắc là hồi đó vì chống Mỹ mà ông Mai Thái Lĩnh từ chối sang Mỹ học cao học, nhưng tại sao ông chống “ngụy quyền miền Nam” mà lại chịu học ở miền Nam đến hết cử nhân và được đi du học nữa. Một việc mà hồi đó ở miền Nam ai cũng nằm mơ?

Ông Hoàng Bách viết: các ông Mai Thái Lĩnh, Tiêu Dao Bảo Cự, Lữ Phương, Đào Hiếu… cứ như là những anh hùng! Hèn gì có câu “ở Việt Nam cứ ra ngõ là gặp anh hùng”. Vậy mà tiếc thay trong số hàng mấy triệu trí thức ở VN, cũng chỉ có được Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Lê Trần Luật, Nguyễn Tiến Trung… Hầu hết đều là những người rất trẻ, và không biết là có phải con cháu của các ông Hoàng Bách cùng các ông mà ông Hoàng Bách gọi là dũng cảm đó không?

Có ai trí thức và dũng cảm (một chút) như Luật sư Nguyễn Mạnh Tường? Nhưng có lẽ trước khi mất, ông vẫn ân hận là mình trót “dại”, chứ chẳng hề nghĩ là dũng cảm gì.

Và chẳng phải chờ ông Hoàng Bách xếp loại, tôi luôn tự nhận mình nằm trong loại hèn. Ông nhạc sĩ Tô Hải nổi tiếng (và dũng cảm) còn nhận “tôi là một thằng hèn”, thì chẳng lẽ một người vô danh tiểu tốt như tôi lại dám vỗ ngực nhận mình “dũng cảm”.

Xin cám ơn ông đã chỉ dạy.


 

Trần Huy Bách nói:

13/07/2009 lúc 2:45 chiều

Bây giờ thì tôi lại tội nghiệp thêm một ông Trần Trọng Hoàng Bách nữa! Bởi vì lúc nào ông cũng muốn dạy người khác, nhưng tiếc là ông đọc chỉ có mấy dòng tôi viết (về cái chuyện tại sao ông Mai Thái Lĩnh lại “chịu” học ở miền Nam dưới chế độ “ngụy” mà ông ta chống) mà không hiểu để viết lung tung vừa mất bình tĩnh lại vừa kẻ cả, giảng dạy mọi thứ dưới biển trên trời. Đã vậy, ông lấy tư cách gì mà bảo là “ông Mai Thái Lĩnh không cần người khác tội nghiệp”? Ông làm cứ như mình là ông Mai Thái Lĩnh không bằng. Ông cũng chẳng biết tôi là ai, mà vội tự cho mình là một kẻ học cao biết rộng! múa bút vẻ mây trên trời!

Thôi, ông khỏi cần mất thì giờ viết tiếp…

Dù sao tôi cũng xin cám ơn ông.


 

 

Trần Huy Bách nói:

14/07/2009 lúc 12:49 sáng

Kính ông Mai Thái Lĩnh,

Xin cám ơn những tâm tình của ông, đã giúp tôi hiểu về ông nhiều hơn.

Đúng như ông nói, tôi không biết nhiều về ông, vì so với những điều ông viết, tôi chỉ là kẻ hậu sinh.

Tôi cũng phải thừa nhận một điều, không hiểu vì sao tôi lại “khó chịu” với những người sống trong miền Nam theo cộng sản, hơn là những người cộng sản miền Bắc. Tôi thành thật xin lỗi ông điều này (có thể từ mối nợ của cuộc nội chiến như ông nhận định). Nhưng không phải vì vậy, mà tôi “hậm hực” hay “trút cơn giận” vào nhau đâu. Tôi chỉ thường dị ứng với mấy chữ “dũng cảm”, “anh hùng” (chữ của ông Trần Trọng Hoàng Bách. Và theo cách viết của ông Hoàng Bách, ở miền Nam VN trước 75, chỉ có những người thân cộng, chống Mỹ mới là những người anh hùng và yêu nước?)

Qua những gì ông viết (như chính ông xác nhận), tôi thấy đúng là ông không hoàn toàn giống như những người (dũng cảm) nằm trong danh sách của ông Trần Trọng Hoàng Bách.

Dù không làm được điều gì, nhưng tôi luôn ngưỡng mộ những người dám nhận những sai lầm của mình và đấu tranh cho Công Lý và Dân Tộc.

Tôi càng không bao giờ là người bề trên hay đứng ngoài dân tộc (Tôi lại chúa ghét cả hai loại người này). Vì ngay cả những điều tôi đã viết (dù làm cho ông không được vui) cũng chính vì “đứng trong dân tộc” mà tôi viết đấy thôi. Mong ông hiểu và đừng buồn lòng. Chắc chắn thế hệ chúng tôi còn phải học hỏi nhiều từ những trải nghiệm của ông.

Kính chúc ông được nhiều sức khỏe và may mắn hơn.

Trọng kính.

 


LÝ LUẬN    VĂN HỌC    BÌNH LUẬN    PHỎNG VẤN    VỤ ÁN LIÊN QUAN    NHÓM ĐÀLẠT    TIỂU SỬ